Với diện tích hơn 15.000ha cùng nhiều loại động, thực vật quý hiếm, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, tỉnh Bắc Kạn góp phần quan trọng trong việc giữ gìn cảnh quan môi trường và tạo sự đa dạng, bền vững cho hệ sinh thái. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực có nhiều cộng đồng dân cư sống xen kẽ, đời sống khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao nên việc bảo vệ đa dạng sinh học gắn với đảm bảo đời sống người dân cũng là bài toán đang được tỉnh Bắc Kạn nỗ lực thực hiện. Từ nhiều năm qua, mỗi tuần một lần, các tổ bảo vệ rừng của bản Nà Kén, xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông thay phiên đi tuần tra, bảo vệ hơn 220ha rừng nhận khoán từ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ.
Anh Lường Đức Chuyển, Trưởng bản Nà Kén cho biết: “Đời sống người dân còn khó khăn nhưng so với trước đây là tốt hơn rất nhiều rồi, như kênh mương được Nhà nước đầu tư xây dựng đủ cho cả cánh đồng tưới tiêu hai vụ. Trước người dân trồng ngô, phải lên rừng phát nương, giờ có nước tưới người dân trồng ngô, lúa ngay dưới ruộng, không cần lên rừng phát nương để trồng ngô, trồng lúa như trước nữa”.
Được thành lập từ năm 2003, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ trải rộng trên địa bàn 6 xã thuộc hai huyện Na Rì và Bạch Thông tỉnh Bắc Kạn. Đây là khu vực được các nhà khoa học đánh giá cao về sự đa dạng sinh học với nhiều loại động, thực vật quý hiếm, nhiều loài có nguy cơ bị tuyệt chủng trên toàn cầu. Ngoài gỗ quý, khu bảo tồn này còn có một số khu vực có khoáng sản vàng với trữ lượng phong phú. Chính vì vậy, Kim Hỷ từng là điểm nóng về khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép.
Do đó, ngoài việc tăng cường phối hợp chính quyền và lực lượng chức năng thực hiện tuần tra, triệt phá các điểm khai thác trái phép và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, Khu bảo tồn đã ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng đến từng thôn bản vừa để tạo sinh kế, nâng cao đời sống và cũng để người dân cùng có trách nhiệm tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ đó, tình hình khai thác rừng trái phép đã cơ bản được ngăn chặn. Ngoài thù lao nhận khoán bảo vệ rừng, các thôn còn được hỗ trợ kinh phí xây dựng các công trình công cộng phúc lợi và tạo sinh kế cho người dân.
Ông Hoàng Văn Huy, Trạm trưởng Kiểm lâm số 3 xã Vũ Muộn cho hay: “Bà con ở đây trước nay vẫn sống phụ thuộc vào rừng, nhưng giờ bà con đã dần thích nghi và có sự thay đổi, bà con đã phát triển thêm chăn nuôi tăng thu nhập. Ban Quản lý Khu Bảo tồn Kim Hỷ cũng có định hướng tạo thêm sinh kế cho người dân, hướng dẫn người dân phát triển trồng rừng”.
Bên cạnh đó, Khu bảo tồn đã ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng đến từng thôn bản vừa để tạo sinh kế, nâng cao đời sống và cũng để người dân cùng có trách nhiệm tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Ông Phan Tiểu Tuấn, Phó Hạt trưởng Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ cho hay: “Trong khu vực bảo tồn đã có 33 cộng đồng thôn bản nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng với mức khoán 150.000đ/ha với diện tích hơn 9.250ha. Bên cạnh đó còn có chính sách hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn, bản vùng lõi và vùng đệm, đã có 41 cộng đồng được hưởng lợi từ chính sách này. Từ đó người dân được hưởng lợi và ý thức, trách nhiệm của người dân với công tác bảo vệ rừng đã được nâng cao”.
Tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng thực tế người dân sinh sống ở khu vực rừng được bảo vệ nghiêm ngặt vẫn gặp không ít khó khăn, phần lớn do đây là những khu vực xa trung tâm xã, thiếu đất canh tác.
Ông Hoàng Văn Hòa, người dân thôn Chợ B, xã Côn Minh, huyện Na Rì mong muốn: “Với gói hỗ trợ 40 triệu/năm chúng tôi cũng mong muốn tăng thêm các hạng mục hỗ trợ như về cây, con giống hay các loại công trình hạ tầng dân sinh và lĩnh vực khác”.
Thực hiện chủ trương của Ðảng, Nhà nước về phát triển rừng bền vững, đến nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (tỉnh Bắc Kạn) từng là điểm nóng về phá rừng đã làm tốt công tác trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nâng tỷ lệ che phủ rừng lên mức cao, góp phần gia tăng diện tích rừng toàn quốc, đồng thời qua đó người dân ngày càng có trách nhiệm hơn trong việc chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.../.