Hàng ngày, hàng giờ chúng ta đã và đang vô tình thải ra môi trường một lượng lớn rác thải nhựa khó phân hủy, chính là vỏ chai nhựa và túi nilon, gây ô nhiễm môi trường. Theo báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, ước tính mỗi năm nước ta lãng phí gần 3 tỷ đô la, vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt. Hiểu được sự nghiêm trọng của vấn nạn “ô nhiễm trắng” đe dọa môi tường, gây ra biến đổi khí hậu, có nhiều mô hình tái chế rác thải nhựa thành vật liệu hữu dụng như: gạch không nung, gạch nhẹ, gạch ngói UNC... Trong đó dự án Ecobricks (tạm gọi là gạch sinh thái), góp phần tái chế và tái sử dụng rác thải nhựa hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các Hội nhóm, tổ chức tình nguyện và cộng đồng, xã hội.

Gạch sinh thái là một chai nhựa được nhồi bằng nhựa đã qua sử dụng đến mật độ đã định. Chúng đóng vai trò như các viên gạch có thể tái sử dụng và sản xuất các mặt hàng khác nhau, bao gồm đồ nội thất, tường vườn và các công trình khác...

Cộng đồng làm “Gạch sinh thái” bắt đầu hình thành ở nước ta từ cuối năm 2017, với thông điệp “Vì một tương lai không chịu ảnh hưởng của rác thải nhựa, hãy hành động ngay từ hôm nay” do Câu lạc bộ Les Pas Verts thuộc Tổ chức tình nguyện Water Wise Vietnam sáng lập. Câu lạc bộ gồm các bạn trẻ yêu môi trường đến từ các trường đại học, THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội như Trường Lê Quý Đôn, Trần Phú, Amsterdam, Viện Đại học mở Hà Nội... Trước vấn đề đáng báo động về rác thải nhựa, các bạn trẻ đã cùng nhau tìm hiểu, tham khảo và thử nghiệm một loại gạch từ vật liệu nhựa phế thải có tên gọi là “Gạch sinh thái”. Thông qua các đợt truyền thông và những hoạt động ngoại khóa như workshop, triển lãm “Ngày hội sống xanh”... số lượng người tham gia và hưởng ứng dự án ngày càng tăng.

Chị Nguyễn Thị Bích Hường ở Đan Phượng, Hà Nội cho biết, nguyên liệu để tạo nên một viên gạch sinh thái vô cùng đơn giản. Chị cùng các hội viên chi hội phụ nữ thường tận dụng, tích góp các chai lọ nhựa bỏ đi, sau khi rửa sạch sẽ, chị Hường sử dụng vỏ túi ni lông, vỏ bánh lẹo, vải vụn bỏ đi và một ít cát rồi nhét chặt vào các vỏ chai nhựa. Những viên gạch này sẽ được mang đi để xây dựng các công trình nhỏ như bồn hoa, tường rào…vừa tạo cảnh quan đẹp, lại góp phần tái chế rác thải nhựa.

Với sáng kiến làm gạch sinh thái, mỗi cá nhân, hộ gia đình đã góp phần chung tay giảm ô nhiễm rác thải nhựa. Không chỉ dễ làm, gạch sinh thái có tính ứng dụng cao, có độ bền vượt trội do sử dụng nhựa - loại nguyên liệu khó phân hủy trong môi trường tự nhiên. Bà Trần Thị Hòa ở Hải Hậu, Nam Định cho biết, sau khi xem ti vi biết được về mô hình làm “gạch sinh thái”, bà và chị em phụ nữ địa phương lên kế hoạch học hỏi, nhân rộng mô hình tái chế này.

Những vật liệu như túi nilon, hộp xốp, ống hút… đều có thể mang tái chế để làm gạch sinh thái. Đây là hoạt động thiết thực, được nhiều địa phương, địa bàn dân cư triển khai rộng rãi. Chị Phạm Minh Phương cho biết, Tổ dân phố số 79 Hào Nam, Hà Nội nơi chị sinh sống cũng kêu gọi người dân làm gạch sinh thái, tăng cường tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa, mang lại một môi trường sống tốt hơn.

Rác thải nhựa luôn là vấn đề nhức nhối, khiến chúng ta lo lắng vì thời gian phân hủy lên tới hàng trăm năm, nghìn năm. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác thì sự bền bỉ và khó phân hủy của rác thải nhựa lại là một ưu điểm có thể tận dụng để giải quyết bài toán về xử lý rác thải nhựa. Những viên “gạch sinh thái” được cấu tạo từ những chai nhựa cứng cáp và các loại rác nilon khó phân hủy sẽ vừa tiết kiệm nguyên liệu, vừa giúp giảm thiểu tình trạng xả túi ni lông, chai nhựa ra môi trường.

Nói về dự án tái chế, biến rác thải nhựa thành gạch sinh thái, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh khẳng định: Gạch sinh thái góp phần nâng cao nhận thức của mọi người về tái chế thông qua việc xử lý một khối lượng lớn rác thải nhựa đang được sản sinh mỗi ngày.

Anh Phạm Minh Đức, Chuyên gia về vật liệu tái chế phân tích: Gạch sinh thái mang đến lợi ích kép, không chỉ làm giảm lượng rác thải nhựa mà còn làm tăng tính bền vững cho các công trình. Cùng với đó, việc tái chế rác thải nhựa sẽ dần hình thành cho người dân có thói quen phân loại rác và tái chế thành các sản phẩm hữu ích trong đời sống:

Hiện nay trên thực tế, nhiều doanh nghiệp bắt đầu quan tâm nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm từ việc tận dụng rác thải nhựa. Khi được ứng dụng rộng rãi, những sản phẩm nhựa tái chế, tái sử dụng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời làm giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng tới môi trường.

Tuy nhiên, hiện chưa có chính sách khuyến khích cụ thể cho việc sử dụng sản phẩm tái chế, trong khi tâm lý người tiêu dùng còn e ngại sản phẩm làm ra từ rác. Việc cạnh tranh về giá với các sản phẩm truyền thống cũng là một khó khăn. Bà Đặng Thị Thùy Phương, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh, công ty cổ phần nhựa và môi trường xanh An Phát mong muốn có thêm nhiều đơn vị, cá nhân cùng tham gia tái chế rác thải nhựa trong hợp tác đầu tư và tiêu thụ sản phẩm.

Cách làm gạch sinh thái không chỉ đơn giản, rẻ tiền mà còn khá chắc chắn và an toàn. Bằng việc tái chế rác thải nhựa, tạo nên vật liệu xanh, các tổ chức, cá nhân đang góp phần giảm tải tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, hạn chế những tác động xấu từ rác thải nhựa đến môi trường./.