Nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu địa lý và quy hoạch đô thị đã nhận thấy rằng, nhiệt độ ở các thành phố luôn cao hơn so với các vùng nông thôn lân cận. Kết cấu xây dựng bằng bê tông, nhựa đường, gạch lát và vật liệu khuếch nhiệt đã khiến cho nhiệt độ tăng lên nhanh chóng vào ban ngày và tỏa nhiệt vào ban đêm. Các vật liệu này cũng tạo nên những bề mặt “không thấm nước”, ngăn nước mưa thấm vào bên trong, khiến hơi ẩm gần như không phát huy được hiệu quả làm mát.

Khu vực thành thị có thể nóng hơn từ 4°C đến 10°C so với các khu vực lân cận. Do đó, đối với hầu hết cư dân thành thị, cách giải nhiệt duy nhất là mở điều hòa nhiệt độ. Tuy nhiên, việc sử dụng điều hoà lại khiến cho biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn. Thêm vào đó, đối với người có thu nhập thấp, chi phí này là quá đắt đỏ.

Các công viên, vườn hoa được coi là vũ khí tốt nhất để chống lại cái nóng nhưng việc kiểm soát nhiệt độ bằng cách này đang dần trở nên khó khăn khi biến đổi khí hậu ngày càng trở nên trầm trọng. Các nhà chức trách sẽ cần đến sự giúp đỡ của các nhà quy hoạch đô thị, kiến ​​trúc sư, chuyên gia y tế công cộng để ngăn chặn thiệt hại về người khi nhiệt độ tăng quá cao.

Kiểm nghiệm thực tế

Nhiệt độ trung bình bề mặt Trái đất tăng với tốc độ 0,07°C mỗi thập kỷ từ năm 1880, nhưng tốc độ này đã tăng nhanh hơn gấp 3 lần kể từ những năm 90 của thế kỷ XX.

Hơn 5 triệu người chết hàng năm do thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.

Khoảng 30% dân số thế giới ít nhất 20 ngày/ năm tiếp xúc với nhiệt độ có thể gây chết người. Dự kiến đến năm 2100, con số này sẽ tăng lên đến 48%.

Tổn thất kinh tế do hiệu ứng đảo nhiệt đô thị có thể lên tới 10,9% GDP vào năm 2100.

Ý tưởng lớn

"Gia tăng tốc độ phủ xanh mà không xem xét đến vị trí tương đối giữa các không gian xanh sẽ không thể giải quyết được vấn đề nóng lên ở đô thị một cách hiệu quả." - Wan-Yu Shih, Đại học Ming-Chuan.

"Can thiệp bằng công nghệ thấp không phải là giải pháp hiệu quả chống lại biến đổi khí hậu. Tạo thêm bóng cây, sử dụng quạt hợp lý hay cải thiện hệ thống thông gió trong nhà chỉ phát huy tác dụng khi điều kiện thời tiết ngoài trời duy trì ở mức ổn định. Điều này có thể không đúng ở nhiều vùng vào năm 2050, khi nhiệt độ ngoài trời tăng quá cao và khó có thể kiểm soát." - Elspeth Oppermann, Đại học Ludwig-Maximilians và Jamie Cross, Đại học Edinburgh.

Giải pháp chống nóng của một số đô thị (tham khảo)

1. Thành phố “bọt biển” chống cái nóng ở Trung Quốc (tác giả Bao-jie He, Đại học Trùng Khánh)

Chu Hải - thành phố 2,4 triệu dân thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc sẽ đem đến cho bạn một cái nhìn khác biệt về một thành phố thuộc khu vực đông dân nhất thế giới.

Năm 2014, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một sắc lệnh nhằm xây dựng 'thành phố bọt biển' với mục đích ngăn chặn lũ lụt. ‘Thành phố bọt biển’ là thành phố hạn chế sử dụng các bề mặt cứng, chẳng hạn như đường và vỉa hè, thành các bề mặt có thể thấm, lọc và lưu trữ nước, sau đó giải phóng nước dự trữ để sử dụng.

'Thành phố bọt biển' đã thành công trong việc giảm thiểu vấn đề ngập lụt và cũng góp phần làm giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Một nghiên cứu cho thấy việc sử dụng gạch xốp và bê tông xốp có thể làm giảm nhiệt độ bề mặt mặt đường lần lượt là 12°C và 20°C, giảm nhiệt độ không khí khoảng 1°C. Một mái nhà được bao phủ bởi thực vật có thể tạo ra tác động giúp giảm nhiệt độ không khí khoảng 0,1°C – 0,3°C, đồng thời đạt được hiệu suất làm mát cao nhất là 0,82°C.

2. Thành phố ở Ấn Độ đã cứu 1000 người mỗi năm như thế nào? (tác giả Priya Dutta, Dileep Mavalankar, Viện Y tế Công cộng Ấn Độ; Gandhinagar, Prima Madan, Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên)

Ahmedabad - thành phố ở miền Tây Ấn Độ đã trải qua đợt nắng nóng kinh hoàng vào năm 2010 khi nhiệt độ ngoài trời vượt mức 48°C và khiến 800 người thiệt mạng chỉ trong một tuần. Kể từ thảm kịch đó, kế hoạch chống nắng nóng đầu tiên được phát triển và cứu được gần 1.200 người mỗi năm kể từ khi được triển khai vào năm 2013 và mở rộng ra hơn 23 bang.

Phần quan trọng nhất của kế hoạch chính là "mái nhà chống nóng". Mái nhà được làm từ vật liệu phản xạ ánh sáng mặt trời, hấp thụ nhiệt ít và có thể giữ cho nhiệt độ trong nhà thấp hơn từ 2°C đến 5°C so với mái truyền thống. Tính đến năm 2020, Ahmedabad đã sử dụng loại mái này cho 15.000 ngôi nhà ổ chuột và 1.000 tòa nhà chính phủ.

3. Quy hoạch đô thị dựa trên các yếu tố tự nhiên (tác giả Wan-Yu Shih, Đại học Ming-Chuan; Manuel Esperon-Rodriguez, Sally A. Power, Mark G. Tjoelker, Đại học Western Sydney)

Sự phát triển xung quanh không gian xanh quyết định mức độ luồng khí mát có thể lan toả ra xung quanh. Do đó, tăng "độ phủ xanh" mà không xem xét đến vị trí tương đối của các không gian xanh với các cơ sở hạ tầng khác thì không thể giải quyết được vấn đề đảo nhiệt đô thị.

Tuy nhiên, không phải thành phố nào cũng có thể tạo ra không gian xanh rộng lớn và phương án duy nhất để giảm nhiệt độ đó chính là những mảng thực vật nhỏ. Vậy nên, hiểu biết rõ về khí hậu địa phương là rất quan trọng để thích ứng với biến đổi nhiệt. Việc lựa chọn các loại cây nhằm điều hoà nhiệt độ trong những khu vực đông dân cư, không có diện tích làm rừng đô thị hay không gian xanh luôn là bài toán khó.

Giám sát, cập nhật dữ liệu về khả năng chống chịu với môi trường của thực vật, cân nhắc đến lượng mưa, chế độ nhiệt để chọn lựa loài cây thích hợp sẽ giúp giảm chi phí và tối ưu hoá khả năng làm mát.

Cần một hệ thống kết nối đồng bộ

Đã có rất nhiều giải pháp chống nóng đô thị được đưa ra. Vẫn biết rằng, các hệ thống được kết nối với nhau là chìa khoá giữ cho các thành phố hoạt động và tồn tại. Tuy nhiên biến đổi khí hậu có thể phá huỷ một phần liên kết này và khiến cho toàn bộ hệ thống trở nên rời rạc.

(Ngọc Mai lược dịch, nguồn: 360info)