Nhiều trào lưu "quái dị"
Nhiều trào lưu kỳ lạ xuất hiện trên mạng xã hội suốt thời gian qua. Gần đây nhất là trào lưu “bắt pen”. Theo đó, người chơi ấn mạnh vào hai bên mạch máu cổ của người khác để tìm kiếm cảm giác lâng lâng. Theo dõi trào lưu này trên TikTok, bác sĩ Nguyễn Hoàng Nguyên, Tổ chức Giáo dục sức khoẻ Wellbeing phân tích, việc dùng tay ấn vào động mạch trên cổ nhằm cản trở lưu lượng máu lên não khiến người bị ấn có cảm giác lâng lâng.
Đây là một trong những trào lưu nguy hiểm cho sức khỏe vì động mạch cảnh cung cấp máu chính cho não. Khi ấn mạnh động mạch cảnh, máu lên não sẽ bị cản trở. “Thông thường ấn 1 -2 giây không có vấn đề gì xảy ra. Tuy nhiên, để có thể tìm được cảm giác lâng lâng do tình trạng thiếu oxy não gây ra thì người thực hiện hành động này sẽ phải ấn lâu hơn. Điều này khiến tế bào não vượt qua sức chịu đựng. Thông thường chỉ có 3-4 phút để có thể chịu đựng được tình trạng thiếu oxy trên não. Sau 5 phút nếu không có oxy trên não thì não bộ sẽ bị tổn thương không thể phục hồi. Nếu lâu hơn 5 phút não bộ sẽ bị tổn thương, yếu liệt tay chân, sống thực vật, thậm chí tử vong”.
Trước đó, một trào lưu phổ biến khác là check-in bằng camera giám sát. Theo đó, người trẻ tạo dáng chụp ảnh bằng camera giám sát. Sau đó, thông qua ứng dụng iHanoi, họ trích xuất hình ảnh cá nhân đăng lên Tiktok, Facebook.
Hay, mạng xã hội cũng từng sốt các thử thách như dùng thử món ăn độc lạ: trà sữa trộn hành lá, cà phê trứng bắc thảo dù nhiều chuyên gia cảnh báo điều này có thể gây ngộ độc, tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe.
Năm ngoái, thử thách bẻ đồ long đao (thanh gập lò xo tập tay) cũng được các bạn trẻ chia sẻ rầm rộ trên các mạng xã hội.
Những thanh gập lò xo có lực gập từ 20 -120kg xuất hiện trong các video thử thách. Nếu thực bẻ được đồ long đao, người chơi sẽ nhận được phần thưởng cùng những lời tán dương từ các tài khoản mạng xã hội khác. Điều này khiến một dụng cụ tập luyện thể thao tưởng chừng vô hại trở thành "vũ khí" nguy hiểm cho những bạn trẻ thực hiện thử thách với nhiều chấn thương như rách cơ (khi gồng quá lực), vỡ mũi, gãy răng…Ngoài ra thử thách này cũng gây hại cho những người xung quanh.
Vì sao giới trẻ "đu trend" bất chấp?
Đáng chú ý, những video thử thách độc dị trên mạng xã hội luôn thu hút hàng triệu lượt xem, lượt yêu thích và hàng trăm bình luận. Điều gì khiến bạn trẻ bất chấp nguy hiểm để thực hiện thử thách? Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Nguyên, những trào lưu này đã đánh trúng tâm lý tuổi dậy thì khi bạn trẻ vừa thích tò mò, tìm hiểu mọi thứ xung quanh vừa mong muốn tìm cách khẳng định mình. Việc “đu trend” nhận được sự hưởng ứng của những người xung quanh.
Đặc biệt, trong thời đại công nghệ và mạng xã hội phát triển, những thử thách này không còn được giữ cho riêng mình mà được các bạn đưa lên nền tảng mạng xã hội. Khi đó, càng nhiều lượt like, share, tương tác thì càng làm các bạn thích thú. Hơn nữa, các thử thách lạ như “bắt pen”, nâng tạ vượt sức như “đồ long đao” lại dễ dàng tiếp cận với giới trẻ hiện nay.
Các trào lưu độc hại đã xuất hiện từ lâu. “Ngay từ khi tôi còn là sinh viên, trên mạng internet cũng có những thử thách như tự làm đau bản thân”. Hay cách đây 5-7 năm, “thử thách cá voi xanh” – thực hiện các nhiệm vụ mạo hiểm từ người lạ mặt cũng từng tạo ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dư luận". Bác sĩ Nguyên cho rằng những trào lưu này sẽ luôn xuất hiện trên mạng xã hội và chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác.
Một nguyên nhân không kém phần quan trọng khiến giới trẻ “đu trend” thử thách nguy hiểm, theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Nguyên liên quan đến hormone cơ thể. Khi thực hiện thử thách và nhận về nhiều lượt tương tác, não bộ người chơi sẽ tăng tiết dopamine. Hormone này được kích thích khi bạn có sự ghi nhận, khen thưởng của người khác. Chính vì vậy, khi có nhiều lượt tương tác trên mạng xã hội, bạn trẻ dần nghiện cảm giác hưng phấn và thích thú do dopamine gây ra. Về sau, cơ thể yêu cầu nhiều hơn dopamine hơn nên càng thôi thúc các bạn phải thực hiện nhiều thử thách nguy hiểm hơn để nhận về nhiều lượt tương tác hơn nữa.
Việc thực hiện những thử thách “quái dị” này cũng có thể xuất phát từ hiệu ứng đám đông, tâm lý FOMO (sợ bị bỏ lỡ). Khi thấy đám đông hưởng ứng một trào lưu nào đó khiến bạn trẻ cảm thấy nếu không theo sẽ bị lạc hậu so với những người xung quanh.
Những hậu quả đã được báo trước
Thực tế mạng xã hội không chỉ là nơi nảy sinh các trào lưu độc hại, mà còn là công cụ phát tán nhanh chóng những trào lưu tiêu cực này. Và đã có những hậu quả được báo trước.
Năm ngoái một bé trai 13 tuổi sống tại thành phố Greenfield (bang Ohio, Mỹ) tử vong vì chạy theo thử thách Benadryl lan truyền trên TikTok. Với những người tham gia thử thách này, họ sẽ uống từ 10 đến 15 viên thuốc Benadryl, nhiều gấp 6 lần liều lượng cho phép.
Hay, tính riêng từ đầu năm 2024, giới chức New York, Mỹ ghi nhận ít nhất 6 trường hợp tử vong và hơn 181 đối tượng bị bắt giữ liên quan đến trào lưu leo lên nóc tàu điện đang chạy.
Còn tại Hà Nội, một bé trai 10 tuổi phải nhập viện cấp cứu vì xem bạn thực hiện thử thách đồ long đao – một trào lưu gây sốt mạng xã hội hồi năm ngoái. Đây chỉ là một số ví dụ đơn lẻ về mối nguy khi chạy theo những thử thách độc hại trên mạng xã hội.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Nguyên cảnh báo, chạy theo những thử thách nguy hiểm trên mạng xã hội dẫn tới nhiều nguy cơ. Người thực hiện có thể gặp những tai nạn thương tích như: tổn thương cơ liên quan đến các vật dụng tập gym, ngộ độc thuốc, xảy ra đột quỵ, thậm chí tử vong. Ngoài ra, họ cũng có thể gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Một số bạn có nhiều hơn những lượt comment, like, share thì lại có nhu cầu nhận nhiều thêm những mốc đã đạt được. Tình trạng đó khiến bạn trẻ luôn bị ám ảnh việc phải chinh phục các mức độ tương tác đã trải qua bằng cách thực hiện các hành vi gây “sốc”, gây nguy hiểm cho sức khỏe thể chất để tìm kiếm được sự thỏa mãn về mặt tinh thần.
Để không bị cuốn vào các trào lưu nguy hiểm, bác sĩ Nguyên khuyên bạn trẻ cần chậm lại một chút khi muốn thực hiện một thử thách nào đó trên mạng xã hội. Lúc đó, bạn sẽ tìm hiểu được thử thách đó có để lại hậu quả nghiêm trọng hay không. Đơn giản nhất là hãy đọc các bình luận bên dưới những video thử thách xem “dân mạng” nói gì về nó.
Theo khuyến cáo của Học viện nhi khoa Mỹ, với trẻ từ 2-5 tuổi, thời gian sử dụng điện thoại di động nên giới hạn 1h/ngày. Trong khi với trẻ từ 6 tuổi trở lên, phụ huynh có thể thỏa thuận với con về thời gian này theo nhu cầu nhưng không vượt quá 2h/ngày. Cha mẹ có thể giới hạn con sử dụng điện thoại thông minh. Đồng thời nói chuyện với con để giúp trẻ có tư duy phản biện, biết phân biệt điều gì có lợi và có hại bản thân. Cha mẹ cũng có thể bồi đắp sự tự tin cho con, giúp con nhận ra điều gì thực sự có lợi để trẻ không bị chi phối bởi mạng xã hội. Hiện nay, điện thoại thông minh cũng có các tính năng giới hạn thời gian sử dụng, bạn trẻ hoàn toàn có thể dùng cách này để tự kỷ luật bản thân.
Nghe chương trình tại đây: