Kế thừa những giá trị từ lớp “Bình dân học vụ” khi xưa, câu lạc bộ “Cầm Ca” của cô gái trẻ Hà Thu (sinh viên trường Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) đã sáng lập nên các lớp “Bình dân học nhạc” để ai ai cũng có thể tiếp cận với nhạc cụ truyền thống. Với việc mở các lớp “Bình dân học nhạc” miễn phí, Hà Thu mong muốn đưa âm nhạc dân tộc đến gần với mọi người, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp mà cha ông ta để lại.

Mang trong mình tình yêu cháy bỏng với cây đàn bầu từ khi lên 7 tuổi, tới khi lớn lên, Lê Hà Thu càng ý thức phải giữ gìn, trân trọng nhạc cụ truyền thống. Vậy là, từ cây đàn bầu chỉ có một dây đã được Hà Thu cất lên những thanh âm vừa ấm áp, lại vô cùng ngọt ngào.

“Nhạc cụ mình lựa chọn theo đuổi và yêu thích nhất là cây đàn bầu, được dẫn dắt từ mẹ và ông. Chẳng biết từ khi nào tình yêu nhạc cụ dân tộc cũng lớn lên từ đó. Mình quý trọng cơ duyên đó” - Hà Thu chia sẻ.

Cuối năm lớp 11, khi đang là học sinh của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hà Thu đã quyết định thành lập CLB “Cầm Ca” với mong muốn nhạc cụ truyền thống sẽ truyền tải những điều đơn giản và gần gũi, mang cái hồn dân tộc gần hơn với khán giả.

Ngay từ những ngày đầu, “Cầm Ca” đã nhận được sự ủng hộ của rất đông các bạn trẻ, nhất là những người yêu thích, quan tâm nhạc cụ truyền thống.

Lê Lan Hương ở Ba Đình, Hà Nội tham gia câu lạc bộ “Cầm Ca” từ 3 năm trước nhớ lại “Nói “Cầm Ca” là cấp 3 của em cũng không sai, vì em vào “Cầm Ca” từ hồi em mới học lớp 10, cho tới giờ em sắp lên 12. Đến “Cầm Ca” em biết thêm nhiều nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, biết thêm lý thuyết âm nhạc, biết về đàn tỳ bà, hơn hết em được quen thêm nhiều bạn mới...”.

Sáng lập “Cầm ca”, Hà Thu hy vọng xóa bỏ phần nào suy nghĩ nhạc cụ truyền thống khó nghe, khó chơi và khô khan. Thu tin rằng, chỉ cần yêu thích và đặt trái tim của mình vào đó thì việc học nhạc cụ truyền thống không hề khó.

Thu tâm sự: “Điều tuyệt vời nhất khi có “Cầm Ca” và “Bình dân học nhạc” là chúng em có thêm nhiều trải nghiệm quý báu mà có lẽ kiến thức trong sách vở chưa đủ. Em tin rằng “Cầm ca” mang lại nhiều giá trị, xứng đáng với công sức của mình”.

Điểm đặc biệt của “Cầm ca” là các giảng viên đứng lớp đều là những bạn trẻ. Có người hiện đang là sinh viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, cũng có người đang là sinh viên theo học chuyên ngành khác.

Nhâm Xuân Tùng là du học sinh, tranh thủ thời gian nghỉ hè, Tùng tham gia Câu lạc bộ “Cầm Ca” với vai trò là giáo viên Piano.

Tùng chia sẻ, “Cầm Ca” là một sân chơi để những ai chưa từng tiếp xúc với nhạc cụ trước đây thì được tiếp xúc một cách rõ ràng hơn, xem mình có phù hợp hơn, có đúng đam mê hơn hay không.

Mỗi buổi đi dạy, những giáo viên như Tùng luôn cố gắng để học sinh tìm thấy niềm vui và sự đam mê với món đàn của mình. Trước đó Tùng cũng chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhạc cụ dân tộc, nên khi vào “Cầm Ca” được tiếp cận với những nhạc cụ như sáo trúc, đàn tranh, đàn nhị…khiến Tùng cảm thấy rất thú vị.

Năm nay là năm đầu tiên Đặng Tuấn Anh, quê ở Hưng Yên, sinh viên năm thứ 4 Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam tham gia Câu lạc bộ “Cầm Ca” và lớp “Bình dân học nhạc” với vai trò là giáo viên bộ môn sáo trúc.

“Mình thấy các bạn học viên rất chăm chỉ, có tinh thần ham học hỏi, đó là điều khiến mình vui nhất khi có thể lan tỏa nhạc cụ dân tộc tới mọi người. Nhất là thời nay âm nhạc dân tộc đang dần mai một, chúng mình sẽ cố gắng hơn để lan tỏa tới nhiều người hơn” - Tuấn Anh tâm sự.

Chỉ sau thời gian ngắn, mọi học viên từ bỡ ngỡ đã có thể nhận biết từng loại nhạc cụ, nắm được nhạc lý và cách chơi đàn. Đến thời điểm hiện tại, sau 6 khóa học “Bình dân học nhạc” đã có hơn 400 học viên “tốt nghiệp”.

“Một câu nói chúng mình thường dùng trong “Bình dân học nhạc” là “Người đi học miễn phí, người đi dạy miễn lương, nơi đây học viên và giáo viên trao nhau những tình cảm, lòng nhiệt tình”. Chúng mình biết nhiều bạn không có cơ hội mua đàn hay có điều kiện học ở những trung tâm, chúng mình không muốn đó là rào cản khó tiếp xúc với nhạc cụ truyền thống. “Cầm Ca” mong “Bình dân học nhạc”, dự án hoàn toàn miễn phí như vậy sẽ như lời cổ vũ, động viên các bạn hãy tham gia, trải nghiệm với nhạc cụ truyền thống”.

“Cầm Ca” còn đem tiếng đàn, tiếng sáo của mình đến với khán giả tại phố đi bộ, các em học sinh tại trại rèn luyện kỹ năng, hướng nghiệp, sự kiện gây quỹ từ thiện… Hình ảnh những cô, cậu học trò khoác trên mình áo dài ngũ thân, chơi nhạc cụ đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả trong nước cũng như quốc tế về tình yêu, đam mê âm nhạc dân tộc của thế hệ trẻ.

Hà Thu kể: “Em nhớ nhất là trải nghiệm biểu diễn trên phố đi bộ. Khi cây đàn chưa lộ diện, chúng em chưa mặc trên mình chiếc áo đặc biệt, những thính giả, người đi đường chưa có sự kết nối. Nhưng khi tất cả khoác lên chiếc áo ngũ thân, xuất hiện cùng cây đàn bầu, đàn tranh, sáo trúc…nhiều người đã nán lại nghe. Em tin rằng mỗi trái tim người Việt sẵn có lòng tự tôn dân tộc”.

Suốt 3 năm hoạt động, Hà Thu và các bạn học viên của lớp đã xuất hiện với vai trò khách mời, biểu diễn trước hàng trăm dự án học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đó không chỉ là sự vinh dự của riêng lớp “Bình dân học nhạc” mà còn là niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc.

Để tham gia Câu lạc bộ, học viên chỉ cần tra cứu cụm từ “Cầm ca” trên mạng xã hội facebook liên hệ đăng ký và sẽ nhận được sự phản hồi sớm nhất của các giáo viên.

Mỗi nhạc cụ dân tộc đều mang trong mình những âm thanh và nét đặc sắc riêng biệt. Nếu như tiếng đàn bầu, đàn nguyệt êm ả như tiếng mẹ ru thì tiếng sáo trúc với những nốt nhạc cao vút lại thu hút Nguyễn Công Khánh, học sinh lớp Sử, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.

“Em tham gia Câu lạc bộ “Cầm ca” từ năm lớp 10, rất mê nhạc cụ dân tộc, được các anh chị trong cùng khối Sử gợi ý tham gia. Em chọn nhạc cụ dân tộc chứ không phải loại nhạc khác vì là do cái duyên của mình. Em chơi sáo năm cấp 2 được thầy tặng cây sáo, từ lúc ấy đam mê tới bây giờ” – Khánh cho biết.

Tham gia lớp học là cơ hội để Hùng Anh, sinh viên trường Đại học Y Dược tự tin đứng trên sân khấu thể hiện bản thân, là nơi trao đi tình cảm để giữ lại những kỷ niệm quý giá và trải nghiệm khó quên: “Bên cạnh những giờ học trên lớp căng thẳng, với chuyên ngành của mình là y, khối lượng kiến thức nhiều. Sau những giờ học có thể giải trí, xả stress với mọi người cùng hòa tấu. Đồng thời “Cầm Ca” mở ra cho mình lĩnh vực phát triển mới trong âm nhạc truyền thống”.

Với khả năng sáng tạo, bằng những nhạc cụ đàn bầu, đàn nguyệt hay sáo trúc, các bạn trẻ ở lớp “Bình dân học nhạc” đã có những cách làm mới, thú vị hơn từ những bản nhạc sẵn có. Các bạn trẻ còn biến tấu các dòng nhạc hiện đại bằng nhạc cụ truyền thống, kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc và phương Tây. Đặc biệt, màn kết hợp nhạc cụ dân tộc và beatbox “trống cơm” đã tạo nên một “làn sóng mới” khi nhận được nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng mạng.

Quãng thời gian học nhạc không phải quá dài nhưng đọng lại là những kỷ niệm khó phai, những giọt mồ hôi, nước mắt và cả sự cố gắng không ngừng mang theo niềm tự hào của mỗi thành viên. Không thu học phí, động lực để các thành viên “Cầm Ca” tiếp tục cố gắng, duy trì là niềm vui, nụ cười của ai đó khi hiểu thêm về một loại nhạc cụ truyền thống. Những tiếng đàn bầu, đàn nhị, sáo trúc…cũng vì thế sống mãi với thời gian, như mong muốn của Hà Thu: “Hãy thử một lần thưởng thức và mở lòng với nhạc cụ truyền thống theo nhiều cách, tuy cũ mà mới, rất riêng nhưng cũng không kém phần sắc sảo, không kém phần sâu lắng. Cùng “Cầm Ca” cầm lại những lời ca của dân tộc”./.