Gần 3 tháng trôi qua, nhưng đến giờ chị Nguyễn Thị Nga ở phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa tin chồng mình đã mất. Trong tâm thức chị chỉ nghĩ, anh đi đâu đó một vài ngày rồi sẽ lại về với 3 mẹ con chị.

Đại dịch Covid- 19 với chị Nga đúng như một cơn bão quét qua làm sụp đổ mọi thứ trong gia đình đang bình yên hạnh phúc. Chị vẫn còn nhớ, ngày đưa anh vào cấp cứu trong bệnh viện dã chiến, anh động viện chị đừng khóc. Em giữ gìn sức khỏe để trông con, bình yên ở nhà, anh đi một vài ngày rồi sẽ trở về…. Chị cũng tin và hy vọng vào điều đó. Vậy mà nào ngờ, mọi việc lại xảy ra quá đột ngột, vượt quá sức chịu đựng của chị.

Vào ngày thứ 14, sau khi ru con ngủ trưa, tự nhiên người tôi cảm thấy ớn lạnh, rùng mình, chân không còn đứng vững. Và chỉ một lúc sau thì tôi nhận được tin của bệnh viện, chồng tôi vừa mất vì covid- 19”, chị kể trong tiếng nấc nghẹn ngào.

Lúc đó tai chị ù đi, nước mắt giàn giụa, và cứ thế chị ôm lấy 2 đứa con khóc ngất…Anh đi hẹn chị ngày trở về, rồi còn hứa rất nhiều thứ với mẹ con chị nữa sao giờ lại lặng lẽ bỏ lại chị bơ vơ với 2 đứa con còn nheo nhóc…Chị cứ thế gào thét gọi tên anh. Người thân, gia đình động viên nhưng chị vẫn chẳng thể tin điều đó là sự thật. Giờ đây, có nhiều đêm bừng tỉnh giấc, quờ tay sang bên cạnh, chỗ nằm của chồng trống huơ trống hoác, chị lại bật dậy ngồi khóc….

“Đau đớn lắm…”, chị Nga đã thốt lên như thế trong cuộc trò chuyện với tôi. Và hơn ai hết, chị Nga mong lắm có một chương trình tưởng niệm để những người đã vĩnh viễn ra đi trong đơn độc vì Covid- 19 như chồng chị được siêu thoát, an yên ở miền cực lạc. Khi nén tâm nhang được thắp lên chị Nga hy vọng sẽ được san sẻ nỗi đau, an ủi tinh thần…

Trong sự tàn khốc của đại dịch Covid- 19, có lẽ còn nhiều hơn thế những câu chuyện cảm động về sự hy sinh, những mất mát to lớn không gì có thể bù đắp của những người ở lại. Đó là câu chuyện của người con mất bố, mất mẹ, người chồng mất vợ, người mẹ mất con.

Với khoảng hơn 23.000 người tử vong do Covid-19 thì có thể nói từ năm 1975 đến nay, đây là tổn thất về người lớn nhất ở nước ta. Hầu hết những người đã mất trong đại dịch ra đi trong hoàn cảnh đơn côi, không người thân bên cạnh. Một nỗi đau mà sẽ chẳng bao giờ nguôi ngoai….

Nhằm chia sẻ với những mất mát, đau thương ấy, lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn thành phố phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức sẽ là tiếng chuông để tưởng niệm những người đã khuất nhưng cũng là để nhắc nhớ và nâng cao ý thức trách nhiệm của những người ở lại trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19.

Theo kế hoạch, lễ tưởng niệm sẽ diễn ra tại 2 điểm cầu là Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và Công viên Thống Nhất, TP. Hà Nội. Hội trường Thống Nhất sẽ là điểm cầu chính tổ chức lễ tưởng niệm, với 1.000 đại biểu tham dự là đại diện lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Bộ, ngành trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh; thân nhân, gia đình đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Còn tại TP. Thủ Đức và các quận, huyện số lượng tham dự là 100 đại biểu/địa phương.

Tại Hà Nội, dự kiến sẽ khoảng 300 đại biểu tham gia là đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội, các cơ quan của Thành phố Hà Nội và đại diện một số tổ chức tôn giáo. Trong chiều qua, tại điểm cầu Hà Nội buổi tổng duyệt đã được diễn ra nghiêm túc trong gần một giờ với sự tham gia của lãnh đạo một số sở, ngành Hà Nội. Trong buổi lễ tổng duyệt này cũng đã được kết nối với điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong tối nay, Thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn cùng tắt đèn, thắp nến để tưởng niệm. Các cơ sở tôn giáo được vận động đánh chuông tưởng niệm lúc 20h30 tối nay 19/11. Trong thời gian tưởng niệm, Hà Nội dừng tất cả hoạt động văn nghệ, vui chơi, giải trí.

Chia sẻ với phóng viên VOV2, Ông Vũ Văn Tiến, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Trưởng ban Tuyên giáo cho biết: Lễ tưởng niệm nhằm chia sẻ, động viên trước những mất mát, đau thương của các gia đình có người thân tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19, lan toả tình nhân ái trong cộng đồng, tiếp tục động viên tinh thần các lực lượng tuyến đầu và nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong tham gia phòng, chống địch COVID-19.

“Không chỉ là nén tâm nhang dành cho những người đã khuất, lễ tưởng niệm cũng là lời cảnh tỉnh, nhắc nhớ tất cả chúng ta về nỗi đau và trách nhiệm. Dịch bệnh không loại trừ ai, bởi vậy mỗi người cần thức tỉnh, thay đổi và thích ứng để bảo vệ cuộc sống của chính mình, của người thân và của đồng bào mình”, ông Vũ Văn Tiến nhấn mạnh.

Đồng thời, qua Lễ tưởng niệm cũng để khích lệ tinh thần đại đoàn kết, ý chí quật cường của toàn dân tộc, vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Còn với nhà văn Trầm Hương, hiện đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh thì cho rằng: Lễ tưởng niệm là một dịp để mọi người cùng lắng lại, san sẻ yêu thương, xoa dịu những nỗi đau mất mát. Và đây cũng là lúc chúng ta nhìn lại những ngày đau thương của dịch bệnh để biết trân quý cuộc sống an lành hiện tại, sống có ích hơn trong tương lai.

“Có đi qua ranh giới mong manh của sự sinh tử, càng thấy thấm thía giá trị của cuộc sống. Hàng ngàn con người đã ra đi trong lặng lẽ, nỗi đau ấy sẽ chẳng bao giờ nguôi. Ngày hôm nay, mỗi chúng ta hãy xích lại gần nhau hơn, yêu thương, trân trọng và sống thật ý nghĩa trong từng phút từng giây”, nhà văn Trầm Hương chia sẻ.

Trước tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp khắp cả nước, chắc chắn không thể có một lễ tưởng niệm hoành tráng, tập trung đông người theo cách làm truyền thống. Nhưng theo nhà văn Trầm Hương tưởng niệm cách nào thì cũng chỉ là hình thức, quan trọng vẫn là cách sống của mỗi người để xứng đáng với sự hy sinh mất mát ấy. Và khi nhớ về nạn nhân trong thảm họa Covid-19 cũng có rất nhiều cách để lên tiếng, văn học, báo chí, điện ảnh, hội họa, âm nhạc... hãy cùng vào cuộc, nhắc nhớ về thảm họa này.