Bản chất của người thích “phông bạt” là yếu đuối

Nếu như bạn sở hữu một tài khoản facebook, Instagram, Tiktok hay Locket thì việc đập vào mắt các hình ảnh “phông bạt” hay còn gọi là “làm màu” của những người trẻ là câu chuyện “thường ngày ở huyện”.

Theo TS Trần Thu Hương, Trưởng Bộ môn Tâm lý học xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc chia sẻ những hình ảnh lung linh của cá nhân để mọi người “ngắm nghía” không hẳn là xấu. Bởi vì mong muốn được chia sẻ, được giao lưu với bạn bè là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Thông qua đó, bạn sẽ nhận được những lời động viên hay sự chia sẻ ngược lại từ phía bạn bè. Đây là điều hết sức bình thường.

Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn có thực sự như những hình ảnh mà mình đã chia sẻ hay không? Nếu bạn thực sự như thế, đây là một điều rất tuyệt vời bởi vì rõ ràng bạn là một hình ảnh đáng để bạn bè đồng trang lứa học hỏi. Thế nhưng nếu bạn chưa phải là như thế, mọi hình ảnh bạn khoe ra chỉ là vỏ bọc khiến bạn phải gồng mình lên, điều này lại mang đến hậu quả tai hại.

Nếu như một ngày đẹp trời, vỏ bọc của bạn bị lột ra, bạn sẽ phải đối diện như thế nào với một diện mạo chưa hề được “make up”, được trang trí như là bạn muốn?

TS Trần Thu Hương cho rằng, thực ra, những người thích lối sống phông bạt, thích làm màu, thích sự hào nhoáng, khoe khoang là những người yếu đuối chứ không phải mạnh mẽ, không phải thành công thực sự như thế. “Bởi vì những người giỏi, những người thành công thực sự, những người có năng lực hay kiến thức, họ luôn hiểu sâu về bản thân, họ có được sự tự tin và không cần thiết phải làm những điều như vậy.”

“Phông bạt” ru ngủ nhưng làm thui chột sự nỗ lực của bạn

Sống phông bạt như một liều thuốc an thần, giúp “ru” bạn trong một giấc mơ. Tuy nhiên, đó không phải là sự thật. Nếu bạn cứ mải miết chạy theo sự màu mè, phông bạt sẽ khiến bạn lãng phí thời gian để nỗ lực, để cố gắng và thay đổi bản thân.

Ai cũng thích vinh quang, ai cũng thích những điều tốt đẹp, ai cũng muốn được ca tụng. Đấy là nhu cầu rất chính đáng của mỗi người. Nhưng để làm được điều đó, bạn cần phải có sự nỗ lực và cố gắng.

TS Trần Thu Hương nhìn nhận một thực tế, có nhiều bạn trẻ nóng vội, không bắt đầu từ hai bàn tay và khối óc của mình mà chạy theo kiểu “hớt váng” và chộp giật. Điều này sẽ làm thui chột sự nỗ lực, cố gắng và chăm chỉ trong khi tuổi trẻ là quãng thời gian đầy nhiệt huyết để chọn lựa và đi theo một cuộc đời đáng sống.

Trước quan điểm nên sống “phông bạt” một chút, khoe mẽ một chút sẽ được nể trọng hơn, TS Thu Hương cho rằng đây cũng là một thực tế khi trong quan hệ xã hội hiện nay nhiều người đề cao vẻ bên ngoài. Tuy nhiên, luôn phải nhớ một nguyên tắc “không được làm quá lên”. Nếu bạn khoác lên mình những thứ lung linh, điều này có thể định hướng cách người khác suy nghĩ, cảm nhận về bạn. Nhưng điều này chỉ dừng lại trong một vài lần giao tiếp. Nếu bạn không đủ mạnh, không đủ giỏi, không đủ tử tế thì sớm muộn “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Bản lĩnh sống, năng lực và khả năng kết nối của bạn mới là những thứ cuốn hút mọi người trong mối quan hệ đối với bạn.

Theo TS Trần Thu hương, để tránh lối sống phông bạt bạn phải rèn luyện bản lĩnh Bạn phải biết bạn là ai, bạn mong muốn gì. Bạn phải tự tin vào bản thân để không bị áp lực, không bị a dua bởi những sự hào nhoáng màu mè và kiểu cách.

Bạn thích những hình ảnh lung linh, đây là mong muốn chính đáng và bạn hoàn toàn có quyền. Nhưng biến mơ ước trở thành hiện thực, điều này lại phụ thuộc vào sự nỗ lực, cố gắng, chăm chỉ của bạn. “Thành công là một ước muốn chính đáng, nhưng cũng phải làm thế nào để đạt tới thành công một cách chính đáng chứ không phải là sự nóng vội, phông bạt hay ảo tưởng”.

Sự thật luôn bền vững còn cái gì giả tạo sớm muộn gì cũng sẽ lộ ra. Thay gì làm màu, hãy dành thời gian để không ngừng học hỏi, trau dồi hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Lúc đó, những hình ảnh lung linh của bạn sẽ là những gì vốn dĩ thuộc về bạn chứ không phải là sản phẩm của lối sống phông bạt nữa.

Nghe chia sẻ của TS. Trần Thu Hương: