Va chạm giao thông giải quyết bằng bạo lực; bất đồng lúc chơi đùa – cũng lao vào đấm nhau; vì một ánh nhìn không thiện cảm, 2 đối tượng sẵn sàng nhảy vào đâm chém gây ra những hậu quả khủng khiếp, có thể là cả mạng người. Đặc biệt mới đây, một nam sinh lớp 10, trường Trung học phổ thông Khúc Thừa Dụ, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, bị một nhóm các đối tượng trẻ hành hung dẫn đến tử vong ngay tại nhà văn hóa thôn do có mâu thuẫn tình cảm nam nữ. Hiện cơ quan công an đã bắt giữ 4 đối tượng liên quan đến vụ án mạng này, tất cả đều là trẻ vị thành niên.

Chia sẻ với PV VOV2, chuyên gia Tội phạm học, TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống bày tỏ tâm trạng đau buồn trước sự việc xảy ra ở Hải Dương vừa qua. Chỉ vì những mâu thuẫn rất nhỏ, mà môt đứa trẻ còn đang ở tuổi chưa thành niên, tương lai phía trước còn rất rộng mở đã bị tước đi mạng sống một sống một cách rất đột ngột, đau đớn.

Sự việc xảy ra cũng khiến dư luận xã hội phẫn nộ khi mạng sống của khác lại bị tước đi một cách dễ dàng như vậy. Phải chăng, những người trẻ đang trở nên hung hăng hơn, phải chăng bạo lực là chìa khóa duy nhất để họ hóa giải mâu thuẫn?

Nêu quan điểm về hiện tượng này, TS Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, cần nói một cách chính xác là một bộ phận nhỏ người Việt trẻ thích thể hiện bản thân qua thói hung hãn, côn đồ. Trước đây, khi xảy ra một vụ giết người đã là cú sốc với xã hội. Nhưng càng ngày, những vụ việc bất thường càng tăng và tội phạm ngày càng trẻ hoá đồng nghĩa với việc tác động nền tảng lệch chuẩn vào một bộ phận dân chúng gia tăng. Tôi cho rằng, lối sống gấp, thích sống hưởng thụ, ăn chơi sa đọa, thoả mãn nhu cầu cá nhân đang tràn lan, hàng ngày hàng giờ tác động vào nhận thức hành vi của con người.

"Ở lứa tuổi vị thành niên vẫn đang hình thành tính cách, có những biến động về mặt tâm lý, nhận thức trong đó có tình cảm yêu đương của tuổi mới lớn. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến rất nhiều mâu thuẫn giữa giới trẻ trong đời sống xã hội hiện nay và dẫn đến việc sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn”, chuyên gia tội phạm học Đỗ Cảnh Thìn phân tích.

Thực tế cuộc sống hàng ngày không thể tránh khỏi những va chạm, mâu thuẫn. Tuy nhiên, cách xử lý không khéo léo hoặc vì muốn thể hiện cái tôi, thiếu kiềm chế của một số người dẫn đến những hành vi giải quyết bằng bạo lực và bị xử lý hình sự. Theo chuyên gia tâm lý Bình An, nguyên nhân một phần do đặc điểm tâm lý lứa tuổi, thích thể hiện bản thân, tiếp xúc với nhiều điều tiêu cực của xã hội và thiếu kỹ năng sống. Bên cạnh đó, sự đi xuống về đạo đức và lối sống, thiếu kỹ năng kiềm chế cơn giận cũng như tác động tiêu cực từ các sản phẩm truyền thông, mạng xã hội, các trò chơi mang tính bạo lực… cũng khiến một bộ phận giới trẻ thích “động tay, động chân” để giải quyết mâu thuẫn mà không nghĩ đến hậu quả.

Cùng chung quan điểm này, TS Đỗ Cảnh Thìn khẳng định: Hiện lớp trẻ đang bị “bẫy” bởi quá nhiều thứ văn hóa đầy tính bạo lực. Những thứ giải trí bạo lực này sẽ khiến con người bị lệch lạc về nhân cách và rất dễ có hành vi bạo lực khi bị kích động vì những nguyên cớ... vu vơ, vớ vẩn. Đó cũng là hệ quả tất yếu của sự tác động từ nhiều yếu tố tiêu cực chứ không phải hiện tượng mang tính bộc phát.

Những vấn đề trên mạng xã hội, tác động vào giới trẻ rất đa chiều, rất nhanh và rất khó kiểm soát trong khi khả năng nhận thức, những hiểu biết về pháp luật, xã hội, sự trải nghiệm cuộc sống của các em chưa được như người lớn. Bên cạnh yếu tố này, TS Thìn cũng lý giải hiện tượng một bộ phận giới trẻ ngày càng hung hãn hơn từ những tiêu cực của xã hội. Khi tuổi còn trẻ luôn nhạy cảm, dễ bị lôi cuốn theo số đông nên dễ bị vướng vào những hành vi lệch chuẩn.

Liệu có cách nào để trả lại một thế hệ trẻ không xem bạo lực là cách duy nhất để giải quyết xung đột, một thế hệ trẻ sống lành mạnh khi có kỹ năng xử lý những vấn đề của cuộc sống?

Chuyên gia tâm lý Bình An cho rằng, việc tăng cường giáo dục từ phía gia đình, nhà trường, xã hội rất quan trọng. Tác động giáo dục để đối tượng thanh thiếu niên hiểu biết, từ đó hình thành nhân cách tốt. Đó là giáo dục lòng nhân ái, sự tử tế… Bài học từ gia đình luôn là cơ bản, thiết thực, gần gũi; kết hợp với sự quan tâm, dạy dỗ của các thầy cô giáo để các em có được hiểu biết, có được thói quen tốt.

Cần tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh, một xã hội với nhiều mảng tích cực để các em được trải nghiệm và có những kỹ năng, ứng xử phù hợp khi xảy ra một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Chuyên gia tâm lý Bình An cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò làm gương của người lớn, của cha mẹ, thầy cô.

“Chỉ có thể chấm dứt các hành vi bạo lực, sự hung hãn, côn đồ ở giới trẻ khi chính người lớn có các ứng xử văn minh và thái độ ôn hòa trong mọi hoàn cảnh”.

Dưới góc độ của một chuyên gia tội phạm học, TS Đỗ Cảnh Thìn, nhìn nhận: Thói quen hung hăng, côn đồ không phải bây giờ chúng ta mới thấy mà xã hội nào, thời nào cũng có. Chúng ta không thể kỳ vọng vào xã hội “sạch” bạo lực nhưng hoàn toàn có thể xây dựng một xã hội hòa ái, nhân văn hơn. Cần phải giải quyết từ gốc rễ của vấn đề đó chính là môi trường sống. Nếu môi trường tốt, lành mạnh, phù hợp với tâm lý lứa tuổi sẽ giúp giảm thiểu giới trẻ trước những cám dỗ, lôi kéo tới những môi trường văn hoá độc hại, lệch chuẩn.

Để giáo dục một đứa trẻ trưởng thành, biết cống hiến cho xã hội, có những hành vi chuẩn mực là cả vấn đề lâu dài, bền bỉ. Gia đình, nhà trường và xã hội đều là những môi trường quan trọng, hình thành nên nhân cách, lối sống của mỗi người”, TS Đỗ Cảnh Thìn khẳng định, đồng thời nhấn mạnh mỗi người lớn hãy là tấm gương hòa ái, thân thiện cho con trẻ noi theo. Các bậc phụ huynh cần dạy con mình sống đẹp, nhân văn, biết cách “tự vệ”, “tự sinh tồn” trước mọi cám dỗ của cuộc sống.