Câu chuyện giữa tôi và bà Nguyễn Thị Anh Đào, (Pháp danh Huệ Tánh)…..liên tục bị đứt đoạn bởi những tiếng nấc nghẹn ngào khi bà nói về những mảnh đời bất hạnh đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Từ thiện xã hội Phật Quang, tỉnh Kiên Giang……

Gắn bó với Trung tâm ngay từ những ngày đầu thành lập vào năm 2002, bà Anh Đào là người hiểu hơn ai hết nỗi nhọc nhằn của những đứa trẻ bất hạnh, bị bỏ rơi không người thân thích….Bởi vậy bằng tình thương vô lượng, bà luôn nỗ lực hết mình để bù đắp cho các em những thiệt thòi ấy. Dẫu không thể kể hết khó khăn của những ngày đầu tập “làm mẹ”, của sư thầy Huệ Tánh cũng như nhiều sư cô, sư thầy ở đây, nhưng đổi lại họ cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc khi từng ngày chứng kiến sự trưởng thành của các em.…Thấm thoắt, gần 20 năm qua, nơi đây đã trở thành một gia đình đặc biệt của những con người có số phận đặc biệt - nơi của tình người và sự rộng lượng bao dung ngự trị để tình yêu thương lan tỏa…

Nở nụ cười thân thiện, bà Anh Đào chia sẻ, bí quyết duy nhất để bà đã cùng với các sư cô, sư thầy tu tập tại đây vượt qua mọi khó khăn, vất vả duy trì mái ấm cho các em đó chính là “tình thương”….Chỉ bằng hai chữ đơn giản ấy thôi, để ngày ngày hàng trăm cuộc đời nơi đây cứ nắm níu lấy nhau, nắm níu lấy số phận và cuộc sống của mình…..

Cũng đến với những đứa trẻ bất hạnh với cái duyên tình cờ và cả sự day dứt ám ảnh trước cuộc sống bơ vơ của những em nhỏ mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa, nhiều năm qua ông Nguyễn Trung Chắt ở thôn Phú Cường, xã Phú Thịnh, huyện Kim Động, Hưng Yên đã dang rộng cánh tay đón những mảnh đời bất hạnh về bao bọc chở che, mang lại cho các em một tươi lai tươi sáng. Ban đầu chỉ là 24 đứa trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ ở độ tuổi đi học được ông đi khắp nơi mang về. Nhưng càng đi ông Chắt càng phải chứng kiến nhiều hơn những hoàn cảnh thương tâm nên ông quyết định nhận nuôi cả những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Và từ một Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu, Hưng Yên đầu tiên đến nay, ông xây dựng thêm hai trung tâm hy vọng khác ở Lộc Bình, Lạng Sơn….Em này đi, em khác lại đến, giờ đây ông Chắt đã có gần 300 đứa con gọi mình là cha…trong đó nhiều người con của ông trưởng thành trở thành những thạc sĩ giáo dục, cử nhân Luật….….Có nhiều em đã tình nguyện quay trở lại phụ giúp cùng ông để tiếp tục hoạt động vì cộng đồng….

Và không chỉ có bà Anh Đào, hay người bố của hàng trăm đứa con như ông Nguyễn Trung Chắt, tại hội nghị tuyên dương “Những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” lần này, còn có 400 tấm gương tiêu biểu khác. Đó là những con người ngày đêm chăm lo phần mộ, các anh hùng, liệt sĩ; đó là những người khuyết tật tự vươn lên và tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật khác; đó là người âm thầm cứu chữa, chăm sóc những bệnh nhân phong suốt 30 năm qua…..Và đó còn là người bị nhiễm HIV/AIDS vượt qua số phận, tuyên truyền, động viên những người bị nhiễm HIV khác và tạo việc làm cho họ; đó là người lái xe cứu thương ngày đêm không quản ngại khó khăn, gian khổ để đưa đón bệnh nhân…

Mỗi người một cách làm, một nghĩa cử khác nhau….nhưng họ lại gặp nhau ở bí quyết “tình thương” để ngày ngày âm thầm lặng lẽ viết nên hàng trăm câu chuyện cổ tích đẹp giữa đời thường.

Chương trình tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” tổ chức nhằm động viên, khích lệ những tấm gương tiêu biểu, tạo ra sự lan tỏa tới toàn xã hội, nhân rộng các điển hình, góp phần xây dựng, giữ gìn và nâng cao đạo đức xã hội, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam "Thương người như thể thương thân".

Đây cũng là hoạt động của Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, kỷ niệm 10 năm ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 phê duyệt Đề án phát triển công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 (Đề án 32), đánh dấu một mốc quan trọng của ngành công tác xã hội tại Việt Nam.