Những ngày này, trong tiết trời thu dịu mát lan tỏa khắp phố phường, Hà Nội rộn ràng chào mừng kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô. Trong không khí tự hào và niềm hân hoan trước sự kiện lớn của Thủ đô, VOV2 giới thiệu tới quý vị thính giả, độc giả câu chuyện về một công dân thủ đô đã có nhiều đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Chị là Đào Thanh Hoàn, người sáng lập Trung Tâm Giáo Dục Đặc biệt Ngọc Ân ở Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội.
Cách đây 18 năm, khi biết con trai Trần Quang Bảo mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, chị Đào Thanh Hoàn vừa buồn vừa thương con. Và rồi, từ thời điểm đó chị bắt đầu hành trình đầy thử thách với nỗ lực giúp con, giúp cộng đồng trẻ khuyết tật, tự kỷ được hòa nhập với xã hội, được cảm nhận thế giới xung quanh. “Ai cũng mong muốn con mình tròn vẹn nhưng đôi khi chính sự khuyết tật của con làm tôi nỗ lực hơn, làm việc gấp 5 gấp 10 bà mẹ khác. Đó là những giờ làm việc khắc nghiệt, là sự trải nghiệm khác các bà mẹ khác” – chị Hoàn chia sẻ.
Là người mẹ có con tự kỷ, hơn ai hết chị Đào Thanh Hoàn thấu hiểu các con cần giúp đỡ điều gì và gia đình có con tự kỷ mong muốn điều gì. Hành trang của chị là sự quyết tâm, khát vọng mạnh mẽ và tình thương lớn lao, những mong cậu con trai và những người chung hoàn cảnh có một địa chỉ ấm áp để đến, để vui chơi và học tập trong niềm hạnh phúc, sự an toàn.
Thấu hiểu tâm tư của con cũng như những gánh nặng của gia đình và xã hội khi chăm sóc, giáo dục những đứa con “đặc biệt”. Trong quá trình đưa con đi can thiệp tại các cơ sở giáo dục đặc biệt, chị Hoàn nhận thấy nhiều trẻ khuyết tật và tự kỷ khi kết thúc chương trình giáo dục tiểu học không thể tiếp tục học lên bậc Trung học cơ sở, và càng khó học lên Trung học phổ thông. Cần có một mô hình giáo dục đặc biệt toàn diện từ được can thiệp sớm, giáo dục hỗ trợ hoà nhập, rèn kỹ năng sống, giáo dục thực nghiệm hướng nghiệp nghề đến giải quyết việc làm, tạo thu nhập để các em có thể tham gia học tập suốt đời có được cuộc sống, công việc trọn vẹn mà còn góp phần không nhỏ giải quyết gánh nặng chăm sóc trẻ tự kỷ, người khuyết tật cho gia đình và giảm gánh nặng giải quyết việc làm cho người yếu thế trong xã hội.
Chính vì vậy, chị Đào Thanh Hoàn đã nghiên cứu, học hỏi tìm tòi, thực hiện khởi nghiệp ý tưởng của sáng kiến “Triển khai mô hình hỗ trợ thanh thiếu niên, người khuyết tật, tự kỷ phát triển bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội” là một mô hình giáo dục đặc biệt toàn diện cho người khuyết tật chuẩn chỉ đã được đăng ký bản quyền về quy trình thực hiện và tạo giá trị tác động xã hội để những đứa con “đặc biệt” trong thành phố Hà Nội có ngôi nhà thứ hai là một “Môi trường trường giáo dục đặc biệt toàn diện”, mà ở đó các con được cải thiện điều kiện sống, điều kiện học tập, điều kiện thực nghiệp hướng nghiệp nghề, điều kiện làm việc phù hợp với khả năng và tư duy còn lại của các con. Và cũng chính là nơi mà cha mẹ có những đứa con thiếu may mắn, yên tâm gửi đến chăm sóc, giáo dục khi đi làm công sở, doanh nghiệp, tổ chức… phục vụ, đóng góp trí tuệ và sức lao động, cống hiến của mình đối với nhiệm vụ đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo vì sự phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Vậy là, năm 2020, Trung Tâm Giáo Dục Đặc biệt Ngọc Ân chính thức ra đời, mang lại cho trẻ khuyết tật, tự kỷ một môi trường học tập, làm việc thân thiện như ngôi nhà hạnh phúc.
Nhớ lại những ngày đầu thành lập Trung tâm Ngọc Ân, chị Hoàn gặp muôn vàn khó khăn. Đó là khó khăn về nguồn vốn để triển khai mô hình giáo dục đặc biệt toàn diện; bởi các học viên là trẻ tự kỷ và người khuyết tật thường thuộc các gia đình hoàn cảnh; nên mô hình giáo dục thực nghiệm hướng nghiệp cho học viên khuyết tật và tự kỉ của Ngọc Ân định hướng sẽ không thu học phí của học viên.
Trong khi đó, nhiều thanh thiếu niên, người tự kỉ và khuyết tật có những vấn đề về hành vi bất thường, chưa có khả năng tự phục vụ bản thân, cần có thời gian được can thiệp, chăm sóc, điều chỉnh hành vi nên khó tham gia ngay vào thực nghiệm hướng nghiệp nghề tại mô hình hỗ trợ thanh thiếu niên, người tự kỉ và khuyết tật phát triển bền vững của Ngọc Ân.
Ông Lê Đức Minh gửi cháu vào Trung tâm hơn nửa năm nay chia sẻ: “Từ đợt lên đây học, cháu tiến bộ nhiều. Chỉ mong các cô dạy giúp cho cháu thành người. Gia đình rất cảm ơn”.
Mẹ của hai bé Xuân Hiếu và Quốc Bảo là những người mẹ từng có thời gian hụt hẫng, suy sụp khi phát hiện con bị tự kỷ. Sau những nỗ lực học tập và can thiệp sớm tại Trung tâm Ngọc Ân, hai bạn đã có những tiến bộ rõ rệt.
“Mình rất tin tưởng nên gửi con, ở đây các cô quan tâm chăm sóc các con tận tình, ăn uống, ngủ nghỉ các cô để ý, thường các cô gửi video về cho gia đình. Từ lúc con bước chân vào đây không biết gì, như tờ giấy trắng, con vào đây được các cô rèn cho, đi vệ sinh con cũng biết dắt tay cô, học quan sát để ý hơn, biết thể hiện nhu cầu” – chị Lê Thị Hồng, mẹ bé Xuân Hiếu chia sẻ.
Đến giờ Trung tâm đã giáo dục can thiệp sớm, hướng nghiệp thành công cho 217 trẻ tự kỷ và người khuyết tật. Chị Nguyễn Thị Phương Oanh, Trưởng cơ sở 5, Xưởng thực nghiệm hướng nghiệp phấn khởi khi không ít học viên khuyết tật sau thời gian thực nghiệm hướng nghiệp đã hòa nhập xã hội, đi làm những công việc đơn giản và phụ giúp gia đình.
Chị Oanh cho biết, các trẻ tự kỷ nhỏ hơn 11 tuổi sau khi can thiệp thành công ở trung tâm đã được hòa nhập, một số trẻ trên 11 tuổi sau khi can thiệp sớm không hòa nhập được với xã hội thì Trung tâm Ngọc Ân thực hiện đánh giá kỹ năng, tư duy còn lại của học viên và xây dựng kế hoạch giáo dục tiền hướng nghiệp, thực nghiệm hướng nghiệp và đào tạo nghề cho học viên khuyết tật.
Sau quãng thời gian đồng hành tại Trung tâm Ngọc Ân, các cô giáo như chị Nguyễn Thị Hà thấu hiểu hơn về ngành mình đã chọn, thêm yêu hơn những đứa trẻ đang học tập tại đây và tiếp tục cống hiến để mang đến cho các con niềm hạnh phúc đong đầy. Cô Hà chia sẻ “Gắn bó với các bạn từ những việc thường ngày, nảy sinh tình cảm gắn bó thân thiết. Nhìn thấy các bạn mỗi ngày trưởng thành hơn. Từ những bạn chưa bật âm chưa nói được, bỗng nhiên 1 ngày các bạn gọi được “Cô” hoặc cô gọi các bạn “Dạ” thì đó là một niềm hạnh phúc tuyệt vời”.
Hành trình 4 năm qua của Ngọc Ân có thể gói gọn trong ba cụm từ “Nghĩ lớn, bắt đầu nhỏ, hành động nhanh”. “Mô hình Giáo dục đặc biệt toàn diện” đã giúp trẻ khuyết tật, tự kỷ có một mái nhà ấm áp tràn đầy yêu thương, nơi các con được cải thiện điều kiện sống, học tập và hướng nghiệp nghề có thu nhập ổn định do chính sức lao động của mình.
Chị Tạ Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Ngọc Ân cho biết “Với chị Hoàn cảm nhận năng lượng tích cực, con người yêu lao động, cống hiến hết mình cho các hoạt động vì thanh thiếu niên khuyết tật và trẻ tự kỷ. Mô hình chị đang xây dựng, ngày càng phát triển và đi tiên phong trong nước”.
Ngọc Ân đã xây dựng được hệ thống giáo dục đặc biệt toàn diện trên cả nước với 5 cơ sở với tiêu chí kết hợp hài hòa giữa y tế - giáo dục - gia đình. Tấm lòng và sự nỗ lực của chị Đào Thanh Hoàn khiến đội ngũ cán bộ, giáo viên như chị Nguyễn Thị Bắc mong muốn gắn bó và đồng hành lâu dài cùng chị Hoàn và Trung tâm.
“Với chị Hoàn đó là sự cho đi vô điều kiện. Cái cho đi là niềm hạnh phúc, là tình yêu thương, là tầm nhìn chiến lược của chị. Chị kích thích, khơi dậy nền đam mê nghề nghiệp để các thầy cô chung sức, chung lòng phấn đầu vì cái chung” – chị Nguyễn Thị Bắc, Phó Giám đốc Trung tâm Ngọc Ân khẳng định.
“Mô hình Giáo dục đặc biệt toàn diện” được chị Đào Thanh Hoàn nghiên cứu và áp dụng trên địa bàn Hà Nội đã đoạt Giải thưởng Cuộc thi “Ý tưởng sản phẩm sáng tạo của Phụ nữ Thủ đô năm 2023”; Đoạt giải Nhì trong cuộc thi “Đổi mới sáng tạo vùng Thủ đô năm 2023”. Tháng 8/2023, chị được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ trao danh hiệu “Nhà hoạt động xã hội Châu Á Thái Bình Dương” vì đã có những đóng góp ý nghĩa cho sự phát triển văn hoá đối ngoại nhân dân, tăng cường hữu nghị và phát triển về kinh tế, góp phần lan toả giá trị quốc gia phẩm hạnh dân tộc, đóng góp vào sự thành công chung của Diễn đàn giao lưu văn hoá và kinh tế Việt Nam - Ấn Độ diễn ra tại New Delhi, Ấn Độ.
Tháng 12/2023, chị Hoàn được Hội đồng giáo sư và Hội đồng khoa học Trường Đại học Apollos (Hoa Kỳ) công nhận và phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự ngành giáo dục đặc biệt trong Diễn đàn “Khoa học và Kinh tế toàn cầu năm 2023” diễn ra tại New Delhi, Ấn Độ.
Với nỗ lực xây dựng Ngọc Ân hoàn hảo như một thế giới thu nhỏ, tạo cho trẻ mắc chứng tự kỷ nói riêng và người khuyết tật nói chung có một môi trường học tập hạnh phúc suốt đời, chị Đào Thanh Hoàn đã được UBND TP Hà Nội tặng bằng sáng kiến thủ đô và đoạt Giải thưởng Cuộc thi “Ý tưởng sản phẩm sáng tạo của Phụ nữ Thủ đô năm 2023”; giải Nhì cuộc thi “Đổi mới sáng tạo vùng Thủ đô năm 2023”.
Đặc biệt, chị Đào Thanh Hoàn vinh dự nằm trong danh sách 10 “Công dân Thủ đô ưu tú” tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt; vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024 được tổ chức vào sáng ngày 08/10 tại Thủ đô Hà Nội. Là một trong 10 “Công dân Thủ đô” ưu tú nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô năm nay, chị Hoàn càng ý thức sâu sắc niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm của một “Công dân Thủ đô” trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Chị Đào Thanh Hoàn chia sẻ, khi được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô chị càng đề cao văn hóa, phẩm hạnh con người, lòng nhân ái phải là gốc trong hoạt động chuyên môn và hoạt động vì sự phát triển phụ nữ xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn mình - Hiện đại” để tăng cường hữu nghị và phát triển kinh tế; góp phần lan toả giá trị quốc gia phẩm hạnh dân tộc, đóng góp vào thành công chung của Hà Nội đang vươn mình bứt phá trong xây dựng và phát triển 70 năm qua, được ca ngợi, vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô Anh hùng”, xứng tầm là Thủ đô của một đất nước năng động, đổi mới và phát triển./.