Từ trăn trở về vấn đề việc làm cho người tự kỷ, anh Nguyễn Đức Trung, ở Hà Nội đã triển khai một dự án với mô hình phát triển kinh tế rất đặt biệt. Nhân viên cũng là những người rất khác biệt.

Lan tỏa năng lượng tích cực

Phần lớn khách hàng đến sử dụng dịch ăn uống, mua sắm, đọc sách tại cửa hàng có cái tên rất “Tây”: Vietnam’s Autism Project, trên phố Mai Anh Tuấn, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội đều đã hẹn trước. Thế nhưng ai nấy đều bất ngờ ngay từ bước chân đầu tiên đặt vào đây.

Từ câu chào đơn giản cho đến những hành động nhỏ là cái bắt tay hãy còn ngọng ngịu, vụng về. Song thay vì khó chịu, khách hàng lại thấy ấm lòng, như được tiếp nhận nguồn năng lượng tích cực tỏa ra từ chính những lời nói, cử chỉ và nét mặt, nụ cười của nhân viên là những người tự kỷ. Đây cũng là cảm xúc của chị Phương Linh, ở Hà Nội, sau khi đến Vietnam’s Autism Project để ăn trưa. “Bước vào quán, tôi được các bạn nhân viên cất tiếng chào rất lớn, rất nồng nhiệt. Cảm xúc ấy mình không có được khi vào một nơi khác”, chị Linh chia sẻ.

Sự thiếu hụt về khả năng nhận thức, giao tiếp và kỹ năng xã hội vốn là điểm yếu của người tự kỷ đã trở thành lợi thế, khiến mỗi khách hàng tới sử dụng dịch vụ đều có cảm giác như lạc vào một thế giới khác - nơi không có sự bon chen. Về điều này, anh Nguyễn Đức Trung, Giám đốc “Dự án Các mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ” thổ lộ: “Người tự kỷ rất thuần khiết. Khuôn mặt các bạn thể hiện rất rõ. Khách đến đây họ ít quan tâm đến hàng hóa. Họ tập trung vào khuôn mặt các bạn nhân viên là người tự kỷ. Thần sắc của các bạn ấy là nguồn năng lượng tích cực để khách hàng quên đi sự mệt nhọc, xô bồ bên ngoài. Nguồn năng lượng đó chất chứa trong trái tim các bạn ấy. Có lẽ vì thế nên khách vào đây đều nói sao trong này ấm cúng thế!”.

Đúng như chia sẻ của anh Trung, từ nét mặt, nụ cười cho đến ánh mắt của mỗi nhân viên đều toát lên sự chân thành, trong sáng đến thuần khiết. Bởi với họ, hạnh phúc là khi được tiếp đón, được phục vụ khách hàng. “Em làm ở đây được 2 năm rồi. Em rất thích công việc ở đây. Hàng ngày đi làm em rất phấn khởi”, Lê Xuân Tùng thổ lộ.

Gắn bó với Vietnam’s Autism Project 2 năm nay, Nguyễn Quang Anh còn coi nơi đây là ngôi nhà thứ 2 của mình, bởi tại đây, anh được làm công việc mình yêu thích và phù hợp với khả năng. “Công việc ở đây thỏa mái lắm. Em thích đến đây làm việc mỗi ngày. Ở nhà mãi cũng chán lắm. Đến làm việc được gặp nhiều người thì vui hơn”, Nguyễn Quang Anh chia sẻ.

Cứ như vậy, hơn 7 năm nay, Vietnam’s Autism Project - Dự án Các mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ, không chỉ là siêu thị, quán ăn, nhà sách mà còn trở thành “ngôi nhà hạnh phúc” của người tự kỷ, mà còn là nơi lan tỏa nguồn năng lượng tích cực cho khách hàng đến sử dụng dịch vụ.

Củng cố niềm tin cho phụ huynh của trẻ tự kỷ

Nhiều khách hàng tìm đến Vietnam’s Autism Project là phụ huynh, người thân của người tự kỷ. Sau khi trải nghiệm dịch vụ, tất cả đều đã có những thay đổi nhất định về góc nhìn cũng như đánh giá về người tự kỷ. “Cháu của em, em coi như con. Bé mới 2 tuổi nhưng đã có những biểu hiện tự kỷ. Trước đây, gia đình lo lắng và thấy buồn khi so sánh với con mình với con nhà người khác. Bây giờ nghĩ khác rồi. Em thấy cần phải coi cháu như một đứa trẻ bình thường, chấp nhận sự thật và yêu thương cháu, mình can thiệp được đến đâu thì tốt đến đấy. Có như vậy thì cuộc sống mới nhẹ nhàng được”, chị Vân Trang, ở Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ.

Thậm chí, chị Hồ Thị Minh Hằng, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, sau khi tìm đến “ngôi nhà hạnh phúc” này, còn quyết định từ bỏ công việc tại một ngân hàng để đồng hành với những nhân viên tự kỷ tại Vietnam’s Autism Project. “Mình có con bị tự kỷ. Ban đầu chỉ nghĩ đến để trải nghiệm nhưng sau đó thấy đây là môi trường rất tốt để mình hiểu con và đồng hành với con nên đã xin vào đây làm. Mình thấy hiện nhiều phụ huynh chưa biết phải làm gì cho tương lai của con. Mong họ sẽ biết đến mô hình này để có thêm niềm tin vào con mình, có động lực để tạo ra những dự án tương về việc làm tự cho các bạn tự kỷ”, chị Hằng tâm sự.

Anh Nguyễn Đức Trung, Giám đốc Dự án Các mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ cho biết, một số khách hàng là giáo viên dạy trẻ tự kỷ khi tới đây trải nghiệm cũng ngỡ ngàng trước khi thấy các bạn nhân viên của Vietnam’s Autism Project làm việc. “Có những giáo viên dạy trẻ tự kỷ, khi đến đây, họ cảm thấy bất ngờ, vì trước đó họ không hình dung người tự kỷ có thể làm được việc như vậy. Sự trải nghiệm đem lại cho họ cái nhìn tích cực hơn về khả năng của người tự kỷ. Vì thực tế, có những giáo viên hàng ngày dạy trẻ tự kỷ nhưng vẫn không có niềm tin vào trẻ, không biết tương lai của trẻ sau này như thế nào!”, anh Trung chia sẻ.

“Mẫu số chung” - lời giải bài cho toán khó

Theo anh Trung, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, chủ yếu hỗ trợ người tự kỷ bằng các mô hình can thiệp về y tế, giáo dục. Mảng lao động, hướng nghiệp cho đối tượng này hiện vẫn bị bỏ trống. “Chúng tôi biết nhiều đơn vị, doanh nghiệp có mong muốn hỗ trợ người tự kỷ. Họ có tiềm lực về kinh tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Tuy nhiên, họ không biết giúp gì, giúp như thế nào. Tôi tự hỏi tại sao mình không làm một mô hình để tạo niềm tin cho phụ huynh và làm cơ sở cho các doanh nghiệp để họ nhìn vào đó rồi xây dựng các mô hình tương tự?! Chỉ cần các gia đình, các doanh nghiệp giúp 1-2 bạn thôi thì chúng ta sẽ giải quyết được bài toán việc làm cho người tự kỷ. Chẳng hạn như việc mở quán cà phê, tiệm ăn, các gia đình hoàn toàn làm được”, anh Nguyễn Đức Trung chia sẻ.

Anh Trung cho biết chỉ khi phụ huynh có niềm tin và các doanh nghiệp có cơ sở để tin thì họ mới quyết tâm và kiên trì làm. Bản thân anh cũng vậy, trước khi triển khai dự án Vietnam’s Autism Project, anh đã dành ra 2 năm nghiên cứu về người tự kỷ toàn cầu và nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề lao động, nghề nghiệp cho đối tượng này. Tiếp đó, anh dành thêm 2 năm đầu tư mô phỏng và đánh giá năng lực về người tự kỷ. 2 năm kế tiếp, anh mới tiến hành đầu tư chuyên sâu, bải bản và đi vào hoạt động chính thức. “Để giúp người tự kỷ tham gia lao động là một chuỗi mắt xích. Chúng tôi phải đào tạo từng cá nhân, chứ không thể đào tạo 2 người cùng một lúc. Vì đều là người tự kỷ nhưng có người chỉ học hết lớp 1, có người học đến lớp 5 thì làm sao dạy cùng nhau được! Dạy phải kiên trì thì mới được!”, anh Trung thổ lộ.

Anh Trung cho biết từng mất tới 9 tháng chỉ để tìm hiểu về một bạn tự kỷ khi có ý định dạy bạn này trở thành nhân viên. Đó là “bài toán khó”, nếu không có cái “tâm” chắc không thể tìm được lời giải. “Tôi nghĩ giữa tôi và các bạn tự kỷ có mẫu số chung là trái tim, tình yêu thương nên tôi mới đào tạo được các bạn ấy từ con số 0 trở thành nhân viên nhà hàng, quầy sách và siêu thị”, anh Trung tâm sự.

Anh Trung chia sẻ người tự kỷ có đặc điểm chung là tư duy theo kiểu dập khuôn. Muốn họ làm việc nào đó, người dẫn dắt phải làm việc theo theo một chu trình lặp lại để họ làm theo. Làm thật nhiều, làm đến khi thuần thục, trơn tru thì khi đó người tự kỷ sẽ trở nên linh hoạt. Như tại Vietnam’s Autism Project, dù đã hoạt động khá lâu, song đến nay anh vẫn tiếp tục phải đào tạo. “Bây giờ, tôi vẫn nói vui là mình làm việc như một cái robot để các bạn làm theo. Ví dụ ở đây có 3 tầng nhưng có 4 cái chổi, 4 cái nhau nhà, 80 cái bút. Tất cả được chia đều cho các tầng, cái nào để ở đâu thì cố định ở đó. Các bạn tự kỷ không có khái niệm ai dùng trước, ai dùng sau đâu. Tôi vẫn đang tiếp tục làm tốt nhất những gì có thể, hoàn thiện mô hình này, sau đó sẽ lan tỏa để các gia đình và doanh nghiệp cùng làm để giúp người tự kỷ hòa nhập cộng đồng. Các bạn tự kỷ không có khả năng hòa nhập chủ động. Chỉ có cách chúng ta dẫn dắt các bạn tự kỷ vào thế giới của chúng ta, giúp cho họ hiểu thế giới của chúng ta và hòa nhập dễ hơn với chúng ta thôi”, anh Trung thổ lộ.