Nhiều người dân còn mơ hồ về quy định phân loại rác tại nguồn
Theo số liệu thống kê, mỗi ngày, nước ta thải ra môi trường hơn 67.000 tấn rác thải, trong đó rác thải sinh hoạt đô thị chiếm khoảng 60%. Phần lớn lượng rác thải này đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp dẫn đến nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường sống và sức khỏe con người.
Vì vậy, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định nguyên tắc phân loại chất thải rắn sinh hoạt làm 3 loại, gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác. Luật cũng quy định chậm nhất 31/12/2024 phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, đến nay, nhiều người dân và kể cả những công nhân thu gom rác vẫn chưa nắm rõ quy định này.
Chị Nguyễn Thu Hương ở Chung cư Hồng Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết: Các hộ gia đình ở đây đều để rác vào chung 1 túi rồi vứt vào thùng rác chung của tầng, sau đó người thu gom chỉ mang ra bãi tập kết là xong, không mấy ai quan tâm đến việc phải phân loại rác tại nguồn.
“Cứ cho rác vào thùng ở chung cư, họ vận chuyển theo giờ, chở đi đâu thì tôi không biết. Mỗi tầng sẽ có 2 thùng rác nhưng là để rác chung của cư dân tầng đó thôi chứ không phân loại gì đâu” – Chị Hương nói.
Ngay cả chị Nguyễn Thu Lan - nhân viên thu gom rác trên phố Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết cũng không nắm rõ quy định vì chị cho biết chưa được phổ biến và hướng dẫn sẽ phân loại rác thế nào. Từ trước đến nay chị vẫn làm theo những người làm nghề đống nát là nhặt những đồ tái chế như chai lọ, bìa carton để riêng ra rồi mang bán có thêm thu nhập.
“Chủ yếu là phân loại rác tái chế và đồ gỗ thôi, còn bây giờ chưa nắm rõ quy trình phân loại rác kiểu gì, thực tế là như thế nào. Nếu phân loại thì cần có sự vào cuộc của ban ngành thì chúng tôi mới làm chứ” – Chị Nguyễn Thu Lan cho biết.
Thiếu sự đồng bộ, nhất quán về cách làm của cả hệ thống
Anh Nghiêm Xuân Sơn, Phụ trách Truyền thông và Nâng cao nhận thức cộng đồng, Let's Do It Vietnam – Tổ chức hoạt động vì môi trường và tập trung chính vào vấn đề giảm thiểu rác thải cho rằng, ngoài vấn đề nhận thức, thói quen của người dân còn nhiều vấn đề khiến cho việc phân loại rác tại nguồn khó thực hiện.
“Thứ nhất là cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ, nhiều khu vực có thùng rác chưa được phân loại hoặc chưa có hệ thống thu gom phân loại rác thải hoàn thiện. Thứ hai là đang thiếu sự hỗ trợ từ chính quyền, doanh nghiệp, một số địa phương chưa có chính sách và sự khuyến khích người dân về việc phân loại rác. Thứ ba là triển khai hệ thống phân loại rác thải tại nguồn đòi hỏi cta phải có chi phí đầu tư ban đầu lớn từ việc cung cấp các loại thùng rác phân loại cho đến việc xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tái chế và điều quan trọng cuối cùng, đó là mọi người đang thiếu thông tin và sự hướng dẫn cụ thể”.
Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Viện trưởng Viện Khoa học và môi trường, ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng khi Luật đã có hiệu lực nhưng chưa đi vào cuộc sống thì cần phải xem xét đang có vấn đề chỗ nào, việc ban hành các văn bản dưới Luật đã phù hợp chưa… Do đó, việc thực hiện cũng nên theo từng cấp độ.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Nghị định 45/2022 của Chính phủ áp dụng mức xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt đủ sức răn đe song chưa thể áp dụng trong điều kiện hiện nay, khi người dân chưa được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện phân loại chất thải.
“Quan điểm của tôi về vấn đề này không đơn giản là 500.000đ hay 1.000.000đ mà vấn đề là sẽ xử phạt như thế nào. Hiện nay TP Hà Nội đang phân loại rác thành 4 loại: rác sinh hoạt, rác tái chế, rác thải cồng kềnh xây dựng, rác thải là đồ gia dụng và rác nguy hại. Công ty TNHH một thành viên môi trường Hà Nội đang thu gom theo giờ đối với chất thải sinh hoạt, đối với rác thải cồng kềnh thì họ sẽ có chỗ để quy định và gom theo giờ.
Việc có chỗ để người dân bỏ các loại rác ra đấy thì tôi cũng đồng ý nhưng thu gom theo giờ là những hạn chế rất lớn bởi người dân không thể nào nhớ nổi những giờ đó và việc phát sinh chất thải sẽ khiến cho họ cần chỗ lưu trữ trong gia đình, đến giờ đấy mới mang ra thì sẽ khó. Mỗi hộ gia đình mỗi khác, có hộ có chỗ để phân loại nhưng có hộ thì không và ý thức người dân mỗi người mỗi khác khác. Chính vì vậy nên cần xem lại việc xử phạt đó đã hợp lý hay chưa.
Tôi nghĩ rằng nếu không quy định giờ mà có chỗ cho người dân bỏ vào đó, nếu người dân không bỏ rác vào, ví dụ như chất thải nguy hại và chất thải cồng kềnh, nếu không bỏ đúng chỗ thì có thể xử phạt. Vì vậy, khi xử phạt thì nên có chế tài, cách vận hành tổ chức phù hợp hơn” - PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết cho rằng.
Để hệ thống quản lý chất thải rắn tổng hợp được vận hành tốt và có hiệu quả thì cần có sự đồng bộ, vận hành nhịp nhàng từ khâu rác thải phát sinh rồi thu gom, vận chuyển, chung chuyển xử lý tái chế tới chôn lấp và tiêu hủy. Vì vậy, cần có sự đầu tư, quyết tâm đồng bộ từ các bên liên quan về vấn đề này, trong đó có cả người dân.
“Luật đã ban hành và có cơ sở rồi nhưng một số văn bản dưới Luật để hướng dẫn Luật thì cần hoàn thiện hơn để phù hợp hơn. Thứ hai, mô hình phân loại và thu gom cũng cần hiệu quả hơn” – PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết đề xuất.
Muốn biến rác thành tài nguyên, không phát sinh những hệ lụy đối với môi trường, việc đầu tiên phải phân loại rác, loại bỏ những tạp chất độc hại cho môi trường, cho sức khỏe người dân và thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xanh. Đây là việc nên làm và phải làm.
Tuy nhiên để chính sách dễ dàng đi vào cuộc sống rất cần có một lộ trình phù hợp mà trước hết cần có các giải pháp để nâng cao nhận thức của mọi người dân, doanh nghiệp trong cộng đồng về sự cấp thiết phải thực hiện phân loại rác thải, từ đó hình thành thói quen phân loại rác đúng quy định, bên cạnh đó cũng cần phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở, thay đổi cả cách quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương.