Phòng bạo lực gia đình mới dừng ở tuyên truyền

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy ban thường vụ Quốc hội Đánh giá cao tờ trình Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) khi đơn vị soạn thảo đã liên tục cập nhật và tiếp thu các ý kiến đóng góp.

Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn đơn vị liên quan cần làm rõ hơn nữa vấn đề phòng và chống vì “phòng” bao giờ cũng là cơ bản.

"Cho đến giờ, đọc Dự án Luật này thì cá nhân tôi chưa thỏa mãn lắm trong các giải pháp, biện pháp để phòng bạo lực gia đình. Chúng ta mới chủ yếu đề cập đến thông tin tuyên truyền”.

Làm thế nào để người ta không dám, không thể có các hành vi bạo lực trong gia đình. Muốn như vậy Luật pháp phải chặt chẽ, chế tài xử phạt phải nghiêm minh – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong chủ trì, phối hợp thực hiện công tác phòng chống bạo lực gia đình.

“Trách nhiệm của từng cấp và vấn đề phối hợp. Có những vụ việc tất cả các cơ quan đều vào nhưng có vụ việc do báo chí phát hiện, nhân dân phát hiện thì lại rất lúng túng trong vấn đề xử lý: ai là người chịu trách nhiệm.”

Phát huy vai trò của xã hội trong công tác phòng chống bạo lực vẫn chưa được đề cập chi tiết – là một nội dung góp ý của người đứng đầu Quốc hội. Hiện, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) chỉ mới tập trung ở công tác xã hội hóa, nghĩa là khuyến khích đầu tư các cơ sở bảo trợ xã hội, ngôi nhà an toàn.

Bên cạnh đó, việc quy định nhận diện hành vi bạo lực của dự thảo “áp dụng với người đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng” dường như chưa bao quát hết các trường hợp trong thực tế.

Cần sớm có những điều chỉnh để khi thông qua, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này – Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.

Những ý kiến đóng góp khác

Thực tế hiện nay đối tượng bị bạo lực gia đình dần lan rộng đến nam giới, người tàn tật và người có giới tính thứ 3.

“Có một vấn đề cũng cần được quan tâm trong Luật phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi lần này đó là mối quan hệ giữa những người đồng giới với nhau. Hiện luật không công nhận nhưng trong thực tiễn vẫn diễn ra hôn nhân đồng giới” – đại biểu Lý Anh Thư (đoàn Kiên Giang) bày tỏ.

Theo bà Lý Anh Thư, mặc dù không cấm nhưng việc kết hôn và chung sống giữa những người có cùng giới tính vẫn chưa được pháp luật bảo hộ. Điều này tiềm ẩn nguy cơ phát sinh những vướng mắc khó giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình trong đối tượng người có cùng giới tính.

Đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) cho biết, thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã xác định có 4 nhóm hình thức bạo hành gia đình gồm: Bạo lực thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục. Việc nhận diện được những hình thức bạo hành là rất quan trọng giúp triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình, bảo vệ người bị bạo lực gia đình.

“Tuy nhiên thực tế chủ yếu mới khảo sát, đo lường được bạo lực thể chất, còn bạo lực tinh thần rất khó phát hiện nhưng lại mang nhiều hậu quả khó lường; Và bạo lực tình dục được hiểu thế nào? Có cần bằng chứng trong điều tra bạo lực tình dục hay dựa trên báo cáo của nạn nhân, nhân chứng?”

Theo đại biểu Vương Thị Hương, cần phải có thang đo đặc thù, cách khảo sát đặc thù của các cơ quan về giới để nhận diện đúng các hình thức bạo hành gia đình. Bởi nhiều người không biết mình là nạn nhân dẫn tới việc không thể hoặc gây khó khăn trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình, bảo vệ người bị bạo hành.