Ồ ạt phát triển điện mặt trời

Thiên nhiên ưu đãi cho nước ta nguồn năng lượng tái tạo rất lớn, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Phát triển nguồn năng lượng này để phục vụ phát triển kinh tế xã hội là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, thời gian qua, một số địa phương đã "ồ ạt" phát triển các dự án điện mặt trời, nhất là điện mặt trời áp mái.

Số liệu thống kê cho thấy, kể từ năm 2002, sản lượng điện mặt trời tăng 48%/năm, nghĩa là cứ hai năm, sản lượng điện mặt trời lại tăng gấp đôi. Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính đến cuối tháng 8/2020, cả nước có gần 45.300 dự án điện mặt trời áp mái, tổng công suất lắp đặt lên đến 1.029 MWp với tổng sản lượng điện phát lên lưới là 500.692 MWh.

Pin điện mặt trời hết hạn sử dụng, có thực sự đáng lo?

Không chỉ thúc đẩy phát triển kinh, tế xã hội, điện mặt trời còn giữ vai trò thiết yếu trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Thế nhưng, trước sự phát triển quá nhanh về số lượng, trong khi thiếu kiểm soát về chất lượng các dự án điện mặt trời, dư luận dấy lên lo ngại về nguy cơ ô nhiễm môi trường khi những tấm pin này hết "khấu hao".

Tại nghị trường Quốc hội diễn ra vào tháng 11/2020, đại biểu Quốc hội của tỉnh Gia Lai, bà Ksor H'Bơ Khắp bày tỏ lo lắng: "Bây giờ điện năng lượng, pin năng lượng tràn lan. Sau này, pin đó để làm gì? Những tấm pin đó sẽ xử lý như thế nào?". Song, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Hoàng Tuấn Anh, đó không phải là vấn đề đáng quan ngại. "Về tấm pin quang điện, trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 2/2020 thì đã có quyết định giao cho Bộ Khoa học Công nghệ nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng như phương án xử lý khi các tấm pin hết thời hạn. Trên thực tế, trong các tấm pin chỉ có 3% một số chất ảnh hưởng đến môi trường".

Qua thực tế, PGS.TS Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng Bộ môn Quang học điện tử, Đại học Bách Khoa, Hà Nội cũng khẳng định nguy cơ ô nhiễm môi trường khi các tấm pin quang điện hết hạn sử dụng không phải là vấn đề đáng lo ngại. Bởi lẽ, phần lớn các tấm pin quang điện nhập về nước ta thời gian qua, ngoài các chất liệu chính là nhôm, kính chứa một hàm lượng rất nhỏ silic. "So với lượng xỉ than mà các nhà máy nhiệt điện thải ra gây ô nhiễm môi trường thì lượng silic từ các tấm pin hết hạn sử dụng thải ra không là gì. Hơn thế, trường Đại học Bách Khoa đang nghiên cứu biện pháp bóc tách chất silic ra khỏi các thành phần khác của tấm pin với kết quả khả quan thì đó không phải là vấn đề đáng lo" - ông Trung chia sẻ.

An ninh quốc phòng, an ninh năng lượng mới là vấn đề đáng lo

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Trung, vấn đề đáng lo nhất là về nguy cơ về an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng. Nguyên nhân là chất lượng các tấm pin quang điện nhập về nước ta thời gian qua không được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, mỗi hệ thống pin điện mặt trời là một hệ thống máy tính rất hiện đại. Các nhà sản xuất ở nước ngoài, họ có thể cài các phần mềm vào đó mà mình không biết. "Có một công ty ở nước ngoài đã từng đến thuê tôi viết phần mềm để từ vệ tinh họ có thể so sánh, có thể nhìn thấy hết tất cả các vị trí lắp đặt điện mặt trời ở Việt Nam. Đương nhiên là tôi không nhận. Họ có thể đã đi thuê người khác viết. Đó là câu chuyện có thật rồi đấy" - PGS Nguyễn Ngọc Trung lo lắng.

Về vấn đề an ninh năng lượng, đây không còn là nguy cơ. Theo PSG Nguyễn Ngọc Trung, Hải Phòng từng có một dự án pin quang điện bị nhà sản xuất ở nước ngoài khóa hệ thống. "Tôi không biết họ làm ăn thế nào mà bên kia (nhà sản xuất ở nước ngoài) khóa mà bên mình không sử dụng được. Phải thuê chuyên gia họ sang xử lý mới sử dụng lại được", ông Trung nêu dẫn chứng.

Cũng theo PGS Nguyễn Ngọc Trung, còn một nguy cơ hiện hữu nữa là việc giảm hiệu suất của các tấm pin. Vấn đề này có thể khiến các doanh nghiệp trong nước thua lỗ, phá sản. Bởi lẽ, so với các loại pin quang điện khác mà các nước tiên tiến đang sử dụng thì pin silic được nhập ồ ạt về nước ta thời gian qua là loại pin rẻ tiền. Do đặc thù khí hậu ở nước ta, các tấm pin này có thể giảm hiệu suất nhanh hơn so với "lời hứa" của các nhà sản xuất và đơn vị cung cấp. Khi đó, người thua lỗ và thiệt thòi nhất là các doanh nghiệp và người mua ở trong nước.