Đồng chí Trần Phú, người con ưu tú của Đảng và nhân dân; tấm gương mẫu mực về chí khí chiến đấu của người cộng sản. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú tuy diễn ra chưa đầy 10 năm và làm Tổng Bí thư của Ðảng gần một năm nhưng đồng chí Trần Phú đã có những cống hiến to lớn cho Đảng, để lại những di sản vô cùng quý báu cho hôm nay và mai sau.

Mùa xuân năm 1927, đồng chí Trần Phú được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử sang học tập tại trường đại học Phương Đông của quốc tế cộng sản ở Matxcơva. Tốt nghiệp đại học Phương Đông loại xuất sắc, đồng chí được Đảng giao nhiệm vụ chuẩn bị dự thảo luận cương chính trị. Đầu năm 1930, đồng chí Trần Phú đã xin tổ chức cho về nước hoạt động. Chính trong căn buồng xép ở ngôi nhà số 90 phố Thợ Nhuộm, Hà Nội, bản luận cương chính trị của Đảng đã được đồng chí Trần Phú khởi thảo. PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Luận cương 1930 của đồng chí Trần Phú là sự phát triển và cụ thể hóa hơn Chính cương văn tắt và Sách lược vắn tắt của Nguyễn Ái Quốc. "Hai văn kiện đều nói là Đảng cộng sản Việt Nam hay Đảng cộng sản Đông Dương sau này đều phải liên hệ với các Đảng cộng sản và các tổ chức quốc tế khác, tức là xác định nhiệm vụ đối ngoại của Đảng. Tuy nhiên, do Nguyễn Ái Quốc xác định đây là Đảng của dân tộc Việt Nam nên lấy tên là Đảng cộng sản Việt Nam, trong khi đó đồng chí Trần Phú lại xác định: trước là làm cách mạng dân tộc, sau là làm cách mạng thế giới thì phải đổi tên Đảng cộng sản Việt Nam thành Đảng cộng sản Đông Dương cho có tính chất rộng rãi hơn".

Tại hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10/1930, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Theo PGS.TS Trần Minh Trưởng, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, ở cương vị này, đồng chí Trần Phú đã lãnh đạo trực tiếp soạn thảo và hoàn thiện các văn kiện, triển khai thực hiện việc phát triển các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị, đoàn thể, hội quần chúng nhằm tập hợp, đoàn kết thống nhất mọi lực lượng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. "Với điều kiện lịch sử lúc bấy giờ thì đồng chí Trần Phú cùng ban chấp hành Trung ương thống nhất thành lập xứ ủy ở mỗi miền, mỗi kỳ: xứ ủy Bắc Kỳ, xứ ủy Trung kỳ và xứ ủy Nam kỳ. Đó là một trong những sáng tạo của đồng chí Trần Phú trong công tác tổ chức, phù hợp và bám sát tình hình thực tiễn của mỗi miền. Cùng với việc kiện toàn bộ máy từ Trung ương đến địa phương, đồng chí Trần Phú còn chỉ đạo thành lập ra các tổ chức, các hội quần chúng như: công hội, nông hội, phụ nữ, thanh niên và Mặt trận dân tộc thống nhất. Đấy là những lực lượng những cơ sở mà dưới sự chỉ đạo của Đảng làm cho tạo nên những phong trào cách mạng rộng lớn trong phạm vi cả nước thời kỳ bấy giờ".

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Trần Phú, Đảng ta đã trở thành một đảng quần chúng thực sự và đã tiến hành những công việc lớn lao về tổ chức và lãnh đạo các tầng lớp quần chúng đông đảo trong cuộc đấu tranh cách mạng. Những cống hiến, đóng góp của đồng chí Trần Phú đối với cách mạng Việt Nam đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa thực tiễn.

Sáng ngày 18/4/1931 tại cơ quan ấn loát của Đảng, số nhà 66 đường Sa-pa-nhô, nay là đường Lý Chính Thắng, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Trần Phú đã bị địch bắt. Đây là một tổn thất vô cùng to lớn đối với Đảng và cách mạng Việt Nam đang trong thời kỳ phục hồi, củng cố và phát triển. Chế độ tàn bạo của nhà tù đã làm sức khỏe của đồng chí suy kiệt và trút hơi thở cuối cùng khi mới 27 tuổi. Trước khi hy sinh, đồng chí Trần Phú đã nhắn nhủ các đồng chí của mình: Hãy giữ vững chí khí chiến đấu.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú đã để lại nhiều đóng góp to lớn đối với Đảng, dân tộc và sự nghiệp cách mạng Đông Dương. Và ngôi nhà số 90 Thợ Nhuộm, Hà Nội – nơi đồng chí viết bản luận cương chính trị đã trở thành một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, Đảng viên nhân dân, nhất là thế hệ trẻ ngày nay.

Mời nghe bài viết tại đây: