Tờ trình về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã đề nghị sửa đổi Khoản 3, Điều 146. Cụ thể: “Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền”.

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, hiện nay chưa quy định công an xã được kiểm tra, xác minh sơ bộ trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Điều này dẫn đến công an xã chưa phát huy tốt được vai trò chính quy, giảm tải công việc cho công an cấp huyện.

“Bộ Công an đã triển khai Đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã nên việc sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của Công an xã giống như Công an phường, thị trấn, Đồn công an là phù hợp và cần thiết. Đồng thời, xuất phát từ quy định của pháp luật hiện hành về vị trí, vai trò của Công an xã chính quy và căn cứ điều kiện thực tiễn hiện nay thì việc giao thêm trách nhiệm cho Công an xã sẽ phát huy nguồn lực của lực lượng này trong việc kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo tiếp nhận được và tạo điều kiện giải quyết kịp thời các vụ việc ngay từ giai đoạn mới phát hiện”, ông Lê Minh Trí phân tích.

Đề xuất này của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhận được sự tán thành của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng như nhiều đại biểu Quốc hội.

Tại phiên thảo luận tại tổ chiều 20/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tình hình an ninh trật tự trong tình hình mới có nhiều yếu tố phức tạp, không chỉ ở thành phố mà ở cả nông thôn. Do vậy, việc bổ sung nhiệm vụ tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm cho lực lượng công an xã là điều rất cần thiết.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Công an có những đánh giá, tổng kết cụ thể về lực lượng công an xã, phát huy những mặt tốt, đồng thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, hiện nay Bộ Công an đã sắp xếp đưa lực lượng nghiệp vụ từ cấp quận, huyện xuống cấp xã, thậm chí có nơi 50% công an xã là lực lượng công an cấp quận, huyện được tăng cường.

“Công an xã hiện nay có đủ năng lực và trình độ nghiệp vụ để có thể giải quyết được các bài toán ở địa bàn, giảm tải áp lực cho lực lượng công an tuyến trên”, ông Nguyễn Minh Đức khẳng định.

Tại phiên thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết thêm, sau 2 năm triển khai, Bộ Công an đã điều động khoảng 45.000 công an chính quy xuống xã và tỉ lệ đạt 5,2 công an chính quy/xã. Có xã 5 người, có xã 7-8 người.

Trong số lực lượng công an đưa xuống xã có trên 50% là trình độ đại học; trên 71% đã từng làm công tác điều tra và liên quan đến điều tra hình sự. Do vậy hoàn toàn yên tâm về năng lực đội ngũ công an xã hiện nay.

“Từ 1/10/2017 đến tháng 6/2021, công an xã đã xử lý hơn 283.000 tin báo tố giác tội phạm (chiếm trên 60%), chủ yếu những vụ việc xảy ra ở địa bàn cơ sở như: trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng... Nếu không phân cấp cho xã sẽ rất khó khăn bởi vì những vấn đề này cần giải quyết từ sớm, từ xa; nếu kéo dài không giải quyết có thể dẫn đến một vụ án hình sự khác." - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Tuy nhiên, khi góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, ông Hoàng Hữu Chiến, đại biểu tỉnh An Giang đề nghị: cần phải làm rõ từ “Kiểm tra, xác minh ban đầu”.

“Nếu hiểu không đúng từ kiểm tra có thể dẫn đến việc mở rộng quyền kiểm tra tài sản, phương tiện, chỗ ở, kiểm tra thân thể… điều này có thể đụng chạm đến quyền con người. Các quy định tố tụng hay hành chính hiện nay đều quy định rõ muốn kiểm tra thì phải có các quy định cụ thể trước khi kiểm tra. Nếu không làm rõ khái niệm kiểm tra, anh em ở dưới sẽ hiểu và vận dụng khác nhau”, ông Hoàng Hữu Chiến phân tích.

Ông Chiến cũng cho rằng khi trao thêm chức năng cho lực lượng Công an sẽ thì cũng cần phải đầu tư thêm trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác này, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa...

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 148 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.

Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 229 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể kết thúc điều tra nhưng đã hết thời hạn điều tra.

Sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 247 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án hình sự vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố.

Tuy nhiên, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng lưu ý cần phải quy định chi tiết việc tạm đình chỉ “Vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”. Trên cơ sở đó, các cơ quan tố tụng sẽ phải cân nhắc, xem xét thận trọng khi quyết định áp dụng căn cứ này đối với từng trường hợp cụ thể, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến giải quyết vụ án, vụ việc khi được phục hồi.