Nghe chương trình tại đây:

Hổ là đối tượng săn bắt, buôn bán hàng đầu trên thế giới và ở Việt Nam. Theo số liệu của văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm, trong giai đoạn 2007-2018, Việt Nam là điểm đến của 8,6% số hổ bị bắt giữ trên toàn cầu; trong 155 vụ việc có thể xác định quốc tịch, 14% các thủ phạm là người Việt. Những con số không khiến cho chúng ta tự hào.

Theo thông tin từ Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tính đến thời điểm năm 2016 Việt Nam còn chưa đến 5 cá thể hổ trong tự nhiên. Thế nhưng, các chuyên gia của WWF cũng cho biết kể từ năm 2009 đến nay, các nhà khoa học cũng đã không quan sát thấy dấu vết hay là hình ảnh của hổ trong các cánh rừng của Việt Nam.

"Do vậy rất có thể chúng ta đang phải đối diện với sự tuyệt chủng của loài hổ trong tự nhiên" - Bà Bùi Thị Hà - PGĐ Trung tâm Gi áo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm quần thể hổ trong tự nhiên. Một trong những nguyên nhân là mất sinh cảnh, mất môi trường sống. Bên cạnh đó chính là nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ hổ.

"Rất nhiều người có thói quen tin dùng các sản phẩm từ hổ hay là các động vật hoang dã nói chung. Mọi người vẫn tin rằng, sử dụng cao hổ thì có thể nâng cao sức khỏe, điều trị các căn bệnh xương khớp. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, chúng ta vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào cho thấy tác dụng chữa bệnh của hổ cả. Ngoài ra thì người ta còn sử dụng các sản phẩm từ hổ như nanh, móng hổ để làm vật phẩm trang trí mang tính chất phong thủy, cũng là thể hiện đẳng cấp của bản thân".

Vậy khi loài hổ biến mất sẽ ảnh hưởng gì đến thế giới tự nhiên và cuộc sống của con người? Hổ là động vật ăn thịt, là mắt xích quan trọng trong tầng sinh thái và chuỗi thức ăn. Khi một loài tuyệt chủng có thể đe dọa cả thế giới. Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân - chuyên gia của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên WWF phân tích:

"Phân bổ của loài mèo lớn, chỉ còn phân bổ ở 13 nước Đông Á và Đông Nam Á. Nó có vai trò điều tiết các loài hoang dã khác trong sinh cảnh sinh sống của chúng".

Khi một loài tuyệt chủng sẽ dẫn đến sự phát triển quá mức của các loài khác, ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn của động - thực vật, mất cân bằng sinh thái sẽ xảy ra. "Về mặt khoa học, nếu hổ tuyệt chủng thì rừng đầu nguồn cũng khó có thể giữ tốt, ngược lại nếu bảo tồn hổ tốt thì giữ được rừng" - chuyên gia của WWF cho biết.

Giữ hổ còn là giữ rừng, giữ nguồn nước. Thế nhưng hổ nước ta giờ chỉ còn trong các trang trại, cơ sở nuôi nhốt do con người lập nên chứ khó có thể tái thả hổ về tự nhiên. Theo thống kê sơ bộ, Việt Nam hiện có hơn 300 cá thể hổ đang được nuôi nhốt hợp pháp tại các trang trại, cơ sở nuôi nhốt và hộ gia đình. Tuy nhiên, số lượng hổ thực tế đang được nuôi nhốt tại Việt Nam có thể lớn hơn nhiều con số được thống kê, bao gồm cả các cá thể bị gây nuôi bất hợp pháp. Điều đáng chú ý là không ít nghiên cứu chỉ ra rằng các cơ sở nuôi nhốt hổ dính líu mật thiết đến các mạng lưới buôn lậu. Báo cáo tội phạm động vật hoang dã 2020 của Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) khẳng định “hổ nuôi nhốt ở Việt Nam và Trung Quốc được sử dụng để tiêu thụ nội địa bất hợp pháp”.

Pháp luật nước ta đã có quy định rất nghiêm khắc để xử lý những hành vi săn bắt, giết, nuôi nhốt, tàng trữ cá thể và các sản phẩm từ động vật hoang dã. "Chỉ cần có một vài móng hổ trong nhà là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự rồi và mức hình phạt lên đến 15 năm tù giam. Việc sử dụng những sản phẩm từ hổ không những chưa đem lại hiệu quả cho sức khỏe mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt pháp lý và đẩy loài hổ của chúng ta đến nguy cơ tuyệt chủng". Bà Bùi Thị Hà (ENV) khuyến cáo người dân không tiêu thụ những sản phẩm từ hổ để góp phần bảo vệ hổ cũng như tránh nguy cơ pháp lý đối với bản thân và gia đình./.