Đối diện với nhiều tình huống bi hài

Anh Quang Văn Đương, giáo viên của Trung tâm đào tạo Lạc Hồng đã gắn bó với nghề dạy lái xe gần 18 năm. Anh đến với nghề vì đam mê lái xe và rất phù hợp với công việc giảng dạy.

Mỗi năm đào tạo trung bình từ 40-60 học viên, với nhiều năm kinh nghiệm dạy lái xe và luôn tự tin với phản xạ nhanh nhạy, khả năng phán đoán tình huống, nhưng anh Đương cũng nhiều lần phải đối diện với những tình huống bi hài khi không phải học viên nào cũng làm quen nhanh với xe.

Anh Đương chia sẻ kỷ niệm “khủng khiếp” về học viên là một giảng viên một trường ĐH. Học viên này không có chút năng khiếu nào lái xe, học đến buổi thứ 11 rồi mà để đến đường cong không có phản xạ đánh lái, thầy giáo phải nhắc liên tục. “Nước bọt còn không tiết ra kịp để nhắc bạn ý”, anh Đương hài hước chia sẻ.

Tuy nhiên, với những học viên không có kỹ năng lái xe như thế, người thầy không được cáu mà phải nhẹ nhàng vì càng cáu người ta càng hoảng.

Ngoài ra, còn có những học viên vừa lái xe vừa ngủ gật. Vì vậy người thầy cần phải có sự quan sát để đảm bảo cho việc học lái đảm bảo an toàn.

Dạy lái xe ô tô là một công việc đòi hỏi năng lực chuyên môn và khả năng nhạy bén trong nhiều tình huống khác nhau. Vì vậy, người đào tạo cần có tố chất tâm lý ổn định và đam mê với nghề.

Anh Đương cho biết, người dạy lái xe còn phải cần có tâm và kỹ năng lái xe giỏi để làm sao truyền đạt cho học viên tất cả kinh nghiệm, giúp cho họ trở thành những tay lái an toàn.

Mục đích của dạy lái xe không đơn thuần chỉ là giúp học viên lấy được tấm bằng mà theo thầy Đương, điều quan trọng nhất là sau khi học xong, học viên có thể tự tin cầm lái và lái xe được an toàn. Chính vì vậy, việc thực hành lái xe trên nhiều địa hình, từ đường dài, đường cao tốc hay phố đông đúc là điều rất cần thiết.

Học viên vượt qua được nỗi sợ, sẵn sàng và tự tin cầm lái, tức là người thầy đã thành công. Luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết với nghề để cống hiến, hỗ trợ học viên trở thành những tài xế giỏi, lái xe an toàn là mong mỏi của những người thầy mà hành trình truyền đạt kiến thức là con đường và những chuyến đi.

Để trở thành giáo viên dạy lái xe cần có 3 điều kiện cơ bản

Theo ông Trần Văn Mười, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Trung cấp nghề Giao thông Công chính Hà Nội, tại Điều 8 Nghị định 138 được ban hành năm 2018, sửa đổi bổ sung Nghị định 65/2016 có quy định về điều kiện để trở thành giáo viên dạy thực hành lái xe. Trong đó, có 3 điều kiện cơ bản.

- Thứ nhất: giáo viên dạy thực hành ở hạng nào thì phải có bằng ở hạng tương ứng hoặc cao hơn. Tuy nhiên, thấp nhất phải có bằng B2. Ví dụ giáo viên dạy lái xe số tự động tối thiểu phải có bằng B2, còn dậy hạng C phải có bằng C hoặc cao hơn.

- Thứ hai: Đối với giáo viên dạy thực hành ở hạng B2 hoặc B1 phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trở lên tính từ ngày trúng tuyển. Còn đối với giáo viên dạy từ hạng C trở lên phải có 5 năm kinh nghiệm.

- Thứ ba: phải qua một lớp tập huấn nghiệp vụ thực hành dạy lái xe được cơ quan có thẩm quyền cấp

Ngoài các tiêu chuẩn trên, để trở thành giáo viên dạy thực hành lái xe còn phải có đủ tiêu chuẩn chung về nhà giáo ứng theo quy định pháp luật giáo dục nghề nghiệp để dạy trình độ sơ cấp.

Để trở thành giáo viên dạy lái xe giỏi cần có thêm tố chất

Những giáo viên có khả năng về diễn đạt, trình bày, giảng giải, phân tích để có thể truyền đạt kiến thức cho học viên một cách mạch lạc, logic; kỹ năng thiên bẩm xử lý tình huống...đây là một thế mạnh.

Nghề lái xe là một nghề hết sức đặc biệt, yếu tố an toàn được đặt lên trên hết. Trong quá trình dạy học, cái “tâm” của người nhà giáo cũng là một yếu tố rất quan trọng. Trong quá trình hướng dẫn, ngoài lượng kiến thức trong chương trình của Bộ Giao thông vận tải, người thầy cần truyền đạt kinh nghiệm, cách ứng phó với các tình huống... giúp học viên có thể lái xe an toàn. Ví dụ đi ban đêm sử dụng đèn như thế nào, khoảng cách giữa các phương tiện cần đảm bảo ra sao...

Nghe hành trình trở thành giáo viên dạy lái xe ô tô ở đây: