Số lượng thí sinh xét tuyển tài năng tăng gấp hai lần năm 2023

PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết việc phân bổ chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển vẫn như năm 2023. Cụ thể: 20% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tài năng, 30% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy (ĐGTD), 50% chỉ tiêu theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2024.

ĐH Bách khoa duy trì 3 phương thức tuyển sinh với tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 9.260 sinh viên cho 64 ngành, chương trình đào tạo, trong đó có 36 chương trình đại trà (chương trình chuẩn), 23 chương trình chất lượng cao (chương trình ELITECH của ĐH Bách khoa Hà Nội), 2 chương trình PFIEV và 3 chương trình liên kết đào tạo quốc tế.

Dù đã tính đến yếu tố công bằng cho thí sinh vùng, miền nhưng đối với những ngành đào tạo hot, tỷ lệ thí sinh đặt hồ sơ xét tuyển tài năng vẫn ở mức cao chưa từng có. Trường dành 20% chỉ tiêu tương đương 1852 thí sinh cho phương thức xét tuyển tài năng nhưng có tới 5000 hồ sơ dự thi.

Với 4.600 thí sinh vào vòng phỏng vấn, số lượng thí sinh xét tuyển tài năng tăng gấp 2 so với năm 2023. Theo ông Hải đây là điều đáng mừng. Ông Hải cho biết xét tuyển tài năng là phương thức mà ĐH Bách Khoa Hà Nội đang hướng đến để tiếp cận phương thức tuyển sinh của các trường ĐH lớn ở trên thế giới, tạo sự hứng thú cho thí sinh.

Quy trình xét tuyển tài năng có gì đặc biệt?

Tại 310 hội đồng phỏng vấn, mỗi hội đồng có 3 thầy cô là giảng viên có kinh nghiệm tham gia phỏng vấn thí sinh theo hình thức online. 100% thầy cô đã được tập huấn trước khi tham gia vào hội đồng phỏng vấn. Yếu tố khách quan, minh bạch là điều kiện của phương thức xét tuyển này khi mỗi hội đồng được phân công ngẫu nhiên bao gồm 1 thư ký, 1 chủ tịch, 1 ủy viên.

Tối 25/5 các thầy cô có tên trong hội đồng phỏng vấn thí sinh mới nhận được email thông báo mình phỏng vấn ở hội đồng nào, ở phòng nào trên giảng đường. 7h kém 15 ngày 26/5 các thầy cô có mặt ở trường để nhận túi hồ sơ có thông tin về phòng thi, tài khoản đăng nhập vào phần mềm phỏng vấn, thông tin thí sinh để đảm bảo công bằng cho thí sinh.

Mỗi một thí sinh sẽ có tối đa 15 phút để phỏng vấn, mỗi hội đồng sẽ có 15 thí sinh. "Chúng tôi cũng tính đến phương án sự cố bị lỗi kỹ thuật, phần mềm vẫn có thời gian để xử lý, các thầy cô trong hội đồng cũng tạo thời gian linh động cho thí sinh nếu không may bị sự cố kỹ thuật", PGS Hải cho biết.

Câu hỏi được chủ tịch hội đồng đọc lên, các thầy cô lắng nghe thí sinh trả lời để đánh giá và chấm điểm. Bên cạnh đó, căn cứ vào thư giới thiệu của những thầy cô đã từng dạy các em và căn cứ vào điểm đã đánh giá sơ bộ trên hệ thống để kiểm tra lại xem năng lực của các em có đúng như những kết quả ghi trong hồ sơ hay không?

Trong túi hồ sơ sẽ có 1 phiếu đánh giá, có những gợi ý cho thí sinh trả lời, có barem cho điểm trên thang điểm 20. Điểm phỏng vấn của thí sinh sẽ là trung bình cộng của ba thầy cô. Nếu điểm của 2 trong ba thành viên trong hội đồng có sự chênh lệch từ 4 điểm trở lên xem như không hợp lệ, các thầy cô sẽ phải rà soát lại quá trình phỏng vấn và giải thích cụ thể tại sao lại có mức điểm như vậy.

"Theo quy định, các câu hỏi đưa ra có nội dung gợi mở, không có bất kỳ các câu hỏi nào mang tính kiểm tra kiến thức, để các em thí sinh thể hiện được khả năng thuyết trình của mình. Một số câu hỏi chính thí sinh cần tìm hiểu được gửi đến thí sinh, căn cứ vào các thông tin các em đã đăng ký. Ví dụ: mục tự giới thiệu bản thân, tìm hiểu về ĐH Bách khoa Hà Nội, ngành học em đã chọn, tại sao em chọn ngành học đó? Khi đỗ vào ngành học đó em sẽ có kế hoạch học tập ra sao?… Tuy nhiên trong quá trình phỏng vấn, cùng một câu hỏi đó nhưng thí sinh sẽ trả lời như thế nào? Thí sinh phản ứng ra sao về vấn đề chúng tôi hướng tới.", PGS.TS Vũ Duy Hải chia sẻ.

Ông Hải cũng cho biết quá trình phỏng vấn, đánh giá được khả năng, kỹ năng mềm của thí sinh, các thầy cô sẽ căn cứ vào những năng khiếu, sở trường của các em để tư vấn. Sau vòng phỏng vấn nhiều thí sinh muốn đổi nguyện vọng và muốn xét nguyện vọng khác với trước đó đã đăng ký nên sau buổi phỏng vấn nhà trường cho phép thí sinh được thay đổi nguyện vọng của mình sau đó nhà trường mới chốt nguyện vọng chính thức của thí sinh.

Tuy nhiên trong số những thí sinh xét tuyển tài năng, nhiều em đã đỗ các trường ĐH ở nước ngoài hoặc các trường ĐH khác nên căn cứ vào tỷ lệ ảo, ĐH Bách Khoa Hà Nội sẽ trừ đi 20% tỷ lệ thí sinh trúng tuyển bằng phương thức này.

Năm 2024 này, 5 ngành HOT: IT1 (Khoa học máy tính), IT2 (Kỹ thuật máy tính), EE2 (Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa), ET1 (Kỹ thuật Điện tử Viễn thông) và MS2 (Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano) có tỷ lệ thí sinh lựa chọn ở mức 300-500%. Theo dự báo từ Ban Tuyển sinh ĐH Bách Khoa, 5 ngành này điểm trúng tuyển sẽ ở mức điểm rất cao suýt soát điểm tuyệt đối của điểm thi đánh giá tư duy (95 điểm trở lên/ thang điểm 100); các chứng chỉ quốc tế trong đó có SAT thì phải đạt mức điểm khoảng 1590 điểm.

Trưởng Ban tuyển sinh Vũ Duy Hải cũng đưa ra lời khuyên: Với 5 ngành có độ cạnh tranh cao, các em thí sinh sau khi có điểm phỏng vấn có thể căn cứ vào đó để đăng ký nguyện vọng. Với những thí sinh đang có quyền đăng ký 2 nguyện vọng nếu đăng ký cả 2 vào ngành hot thì nguy cơ có thể trượt bởi có nhiều bạn có kết quả tốt hơn. Vì vậy các em cân nhắc trong khi đăng ký sao cho trúng tuyển nguyện vọng 1 ngay từ sớm.