Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều nay 25/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Điểm đáng chú ý, dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và bổ sung quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo. Theo đó, nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây hiểu lầm về tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Trường hợp quảng cáo có kèm ghi chú, khuyến cáo thì phần ghi chú, khuyến cáo phải bảo đảm hình thức thể hiện rõ ràng, đầy đủ, dễ tiếp cận...
Về quảng cáo trên báo chí, dự thảo luật cũng quy định tăng thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền, trong chương trình phim truyện; thể hiện sản phẩm quảng cáo kèm theo nội dung thông tin chính thức bằng hình thức chạy chữ hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động.
Dự thảo Luật sửa đổi về hoạt động quảng cáo trên báo in, với quy định diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo và phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.
Đang xem hấp dẫn, tự dưng cắt ngang để chèn quảng cáo là vô duyên
Cho ý kiến về sự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị đánh giá tác động chính sách nhằm tăng tính thuyết phục để quảng cáo trên truyền hình tăng từ 5-10%, đồng thời cần xem xét quảng cáo trong thời điểm nào cho phù hợp.
Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu thực tế thời gian qua, có trường đang xem phim, xem chương trình truyền hình tới chỗ hấp dẫn, tự dưng cắt ngang chèn quảng cáo. "Điều này hết sức vô duyên, không tôn trọng khách hàng" - đại biểu đề nghị việc "chèn" quảng cáo vào thời điểm nào của một bộ phim, một chương trình truyền hình cho phù hợp là điều đáng phải quan tâm. “Chứ khán giả đang xem tự dưng cắt ngang nhào vô quảng cáo thì kỳ lắm”.
Cũng đề cập đến quảng cáo trên báo nói, báo hình, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị cần cân bằng lợi ích khi quảng cáo trên truyền hình.
Theo đại biểu, Điều 22 của luật hiện hành quy định: “Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 05 phút. Mỗi chương trình phim truyện có thời lượng dưới 30 phút được ngắt để quảng cáo hai lần, cứ mỗi 15 phút tăng trong thời lượng chương trình được ngắt quảng cáo thêm 01 lần; mỗi lần ngắt để phát quảng cáo không quá 05 phút.”
Như vậy, tổng một chương trình vui chơi giải trí 60 phút thì có 40 phút nội dung, 20 phút quảng cáo; tổng một chương trình phim truyện chiếu 60 phút thì 45 phút chiếu phim và 15 phút quảng cáo (quảng cáo 3 lần). Như vậy, thời lượng quảng cáo chiếm khoảng 1/3 thời lượng chương trình vui chơi giải trí/phim.
"Với quy định này dự thảo Điều 22 Luật Quảng cáo đã quy định rõ hơn phạm vi thời lượng quảng cáo đối với chương trình vui chơi giải trí/phim; gia tăng thời gian quảng cáo và số lần quảng cáo, tuy nhiên chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của người xem truyền hình", đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy nói.
Để cân bằng được lợi ích giữa các Đài truyền hình với người sử dụng dịch vụ truyền hình, đại biểu Trần Thị Thanh Thúy đề nghị điều chỉnh quy định số lần ngắt, thời gian quảng cáo phù hợp với thời lượng các tập phim (như dự thảo là quá nhiều). Báo cáo tổng kết thi hành Luật Quảng cáo cần phải khảo sát về ý kiến của người xem truyền hình trong việc tăng thời lượng quảng cáo và số lần quảng cáo.
Bên cạnh đó, việc quy định khống chế thời lượng quảng cáo là cần thiết, một chương trình giải trí hoặc 1 bộ phim không nên quá 1/5 thời lượng chương trình dành cho quảng cáo và ngắt không quá 2 lần.
Liên quan đến quảng cáo trên báo hình, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị giữ nguyên quy định của Luật hiện hành với thời lượng là 5%.
Mặc dù việc tăng thời lượng quảng cáo có thể mang lại lợi nhuận lớn hơn cho nhà đài, tuy nhiên đồng nghĩa với việc nhà tiêu dùng phải đối mặt với nhiều phiền toái và bất tiện hơn.
"Việc tăng thời lượng quảng cáo làm giảm trải nghiệm của người xem, mặc dù xem trên chính kênh truyền hình mình trả tiền. Việc liên tục bị ngắt quãng bởi những đoạn quảng cáo sẽ làm giảm sự tập trung và hứng thú của người xem truyền hình", đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nói.
Cần 'siết' chặt quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng
Phát biểu góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh bày tỏ mong muốn việc sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật Quảng cáo lần này quan tâm đến các quy định về quản lý và xử lý các vi phạm trong hoạt động quảng cáo.
Đại biểu Thạch Phước Bình cho biết, nhiều nội dung quảng cáo trực tuyến đang vi phạm thuần phong mỹ tục, quảng cáo sai sự thật hoặc tự động xuất hiện trên các trang web không phù hợp.
Ông Bình dẫn số liệu từ Cục an toàn thông tin ghi nhận chỉ trong năm 2023 có đến hơn 500 ngàn lượt quảng cáo vi phạm. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, tăng nguy cơ lừa đảo trực tuyến.
Đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định bắt buộc các nền tảng phải rà soát và kiểm duyệt nội dung quảng cáo trước khi hiển thị; thiết lập chế tài mạnh, yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm trong thời hạn 24 giờ.
"Đặc biệt, nâng mức phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật lên đến 2-3 lần lợi ích thu được; công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm để răn đe", đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất.
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Chamaléa Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cũng quan tâm đến công tác quản lý của Nhà nước về những quảng cáo không đúng theo quy định.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy cho biết, hiện nay, hoạt động quảng cáo hoặc những nội dung có thông điệp quảng cáo được đăng tải trên môi trường mạng theo dạng bài viết, video trên trang cá nhân như Facebook, Zalo, Tiktok rất đa dạng. Có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng nhưng được lan truyền trên không gian mạng một cách rộng rãi, công khai.
Mặc dù cơ quan chức năng cũng có các biện pháp để xử lý, ngăn chặn các hành vi quảng cáo không đúng với quy định. Tuy nhiên, so với yêu cầu của công tác này trong thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
"Ví dụ như trào lưu uống nước kiềm để chữa bách bệnh, thải độc ruột, thải độc đại tràng bằng cà phê, thần thánh hóa gạo lứt, nước tương, các bài thuốc, phương thuốc bí truyền, thực phẩm chức năng... kèm theo đó là quảng cáo bán sản phẩm. Không ít người tin theo thông tin quảng cáo trên mạng gây tổn hại rất lớn đến sức khỏe cá nhân, gia đình, xã hội...", đại biểu Chamaléa Thị Thủy nêu.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy mong muốn trong việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo lần này, đại biểu mong muốn các quy định được bổ sung phải đảm bảo được tính hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước đối với quảng cáo.
Ngoài ra, Ban soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ để quy định phù hợp, khả thi, tránh đùn đẩy trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về quảng cáo. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu kỹ về quy định trình tự, thủ tục xác minh, xác định, kết luận các thông điệp mang tính quảng cáo và quy định, mức độ xử lý vi phạm cho tương xứng và phù hợp.
Cũng góp ý về quảng cáo trên mạng, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho rằng, hiện nay chúng ta kiểm soát rất chặt về quảng cáo nhưng là trên truyền hình, trên báo chí nhưng trên mạng xã hội thì rất lỏng lẻo do thiếu hành lang pháp lý cũng như sự đa dạng, phức tạp khó quản lý của các hoạt động trên môi trường mạng như báo cáo tổng kết cũng nêu.
"Hiện nay không chỉ nhu cầu giải trí mà hoạt động mua sắm, khám chữa bệnh, làm đẹp nhiều người thông qua trang web, mạng xã hội... đây là môi trường quảng cáo nhanh chóng, hiệu quả", đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nêu thực tế.
Do vậy, theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, nếu thiếu cơ chế kiểm soát, phát hiện xử lý qua, chúng ta không đạt được mục tiêu phòng ngừa, ngăn ngừa, răn đe hoạt động quảng cáo có vi phạm trên môi trường mạng, thì chúng ta cũng không làm tốt, hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đang bùng nổ phổ biến hiện nay, mà chỉ là chạy theo giải quyết hậu quả, thiệt hại khi có khiếu nại, tố cáo và phát hiện sai phạm qua thanh tra, kiểm tra.
"Tôi đề nghị sửa Luật Quảng cáo lần này bổ sung thêm các hành vi cấm tương ứng với đặc thù quảng cáo trên môi trường mạng và bổ sung điều hay thêm chương riêng về điều kiện, cách thức, trình tự rất rõ ràng, cụ thể về đưa sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo lên mạng hoặc loại sản phẩm hàng hóa dịch vụ không được phép quảng cáo lên không gian mạng hoặc những hành vi chia sẻ lên mạng không phải là quảng cáo mà như là quảng cáo", đại biểu Phan Thị Mỹ Dung kiến nghị.
Tại phần phát biểu giải trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, so với Luật Quảng cáo hiện hành, dự thảo Luật có nhiều điểm mới, trong đó đặc biệt có nội dung về quảng cáo trên không gian mạng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, sẽ chưa thể lường hết được hình thức quảng cáo này sẽ phát triển như thế nào trong bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển nhanh như vũ bão hiện nay.
Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật, Bộ trưởng cho biết, việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu cùng là một yêu cầu lớn. Bên cạnh đó cũng phải đáp ứng được cả yêu cầu hội nhập…
Về quảng cáo trên báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng sẽ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí lớn để nghiên cứu các nội dung liên quan nhằm đảm bảo quyền lợi của các cơ quan báo chí.