Ngày 09/4/2025, Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TP.HCM đã tổ chức ra mắt Chương trình Liên kết Cử nhân Kỹ thuật Quốc tế. Buổi lễ có sự hiện diện của bà Sarah Hooper - Tổng Lãnh sự quán Úc tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Ủy ban Thương mại và Đầu tư Úc; ông Iain Watt - Phó Hiệu trưởng cấp cao (Quốc tế) và ông Leo Mian Liu, Phó Hiệu trưởng (Toàn cầu) Đại học Công nghệ Sydney.

Đây là lần đầu tiên một đại học tốp 100 thế giới - Đại học Công nghệ Sydney hợp tác đào tạo với Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TP HCM trong chương trình Liên kết Cử nhân Kỹ thuật Quốc tế ở lĩnh vực dẫn đầu xu thế công nghệ trong thời đại số: Trí tuệ Nhân tạo (AI) và Công nghệ Thông tin (IT). Với xếp hạng của hai ngành IT và AI nằm trong tốp 03 tại Úc và tốp 20-30 trên thế giới. Đại học Công nghệ Công nghệ Sydney sẵn sàng chia sẻ nguồn lực và kinh nghiệm để cùng Trường Đại học Bách khoa tạo sự đột phá về đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực này tại Việt Nam.

Quan hệ hợp tác giữa Trường Đại học Bách khoa và Đại học Công nghệ Sydney bắt đầu vào năm 2007 với các chương trình liên kết đào tạo bậc đại học thông qua mô hình chuyển tiếp sinh viên, sau đó từng bước được nâng cấp và mở rộng đến bậc đào tạo tiến sĩ, thành lập trung tâm nghiên cứu chung,… với những thành tựu đáng khích lệ. Chính sự tin tưởng và tầm nhìn chung đã tạo nền tảng cho bước tiến tiếp theo giữa hai trường để xây dựng chương trình đào tạo Liên kết Cử nhân Kỹ thuật Quốc tế theo mô hình đào tạo xuyên quốc gia (TNE). Chương trình vận hành theo mô hình du học tại chỗ (3+0), tức sinh viên sẽ học trực tiếp trong vòng 03 năm tại Trường Đại học Bách khoa theo chương trình đào tạo nguyên bản từ Đại học Công nghệ Sydney, bằng tốt nghiệp cử nhân do Đại học Công nghệ Sydney cấp.

PGS. TS. Phạm Trần Vũ - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc xúc tiến chương trình đào tạo Liên kết Cử nhân Kỹ thuật Quốc tế với Đại học Công nghệ Sydney là một vinh dự lớn của nhà trường để đôi bên có thể thực hiện mục tiêu chung là đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực lớn trong bối cảnh chuyển đổi số và chú trọng đầu tư cho các ngành công nghiệp chiến lược như AI và IT của quốc gia.

Sự hiện diện của một trường hàng đầu thế giới trong chương trình này tại Việt Nam, theo ông Iain Watt - Phó Hiệu trưởng cấp cao UTS, vừa là để mang đến chất lượng đào tạo đẳng cấp quốc tế cho sinh viên Việt Nam, vừa đóng góp cho sự phát triển của nước ta, đặc biệt khi Việt Nam là một trong những quốc gia ưu tiên của UTS về hợp tác quốc tế. “Các chương trình đào tạo này được triển khai đúng thời điểm, phù hợp với chương trình quốc gia của Việt Nam về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo’’, ông Iain Watt chia sẻ.

Bà Sarah Hooper - Tổng Lãnh sự quán Úc tại Thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ cột mốc hợp tác giữa hai trường như một hình thức củng cố cho quan hệ đối tác của hai nước.

PGS. TS. Nguyễn Điệp, Giám đốc Chương trình Đào tạo Xuyên quốc gia, Phó Trưởng khoa Phụ trách Đào tạo và Học tập UTS cho biết chương trình Liên kết Cử nhân Kỹ thuật Quốc tế là mô hình liên kết đào tạo tiên phong tại Việt Nam ở mảng công nghệ kỹ thuật - lĩnh vực đòi hỏi sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu. “TP.HCM là nơi rất năng động, phát triển và Trường Đại học Bách khoaTPHCM là một trong những cơ sở giáo dục đại học tốt nhất về công nghệ ở Việt Nam. Qua trao đổi với trường ĐH Sydney, điều UTS mong muốn hướng đến là hợp tác dài hạn 10-20 năm và lâu hơn nữa’’, ông Điệp khẳng định.

Trong khuôn khổ buổi lễ ra mắt, Trường Đại học Bách khoa và Đại học Công nghệ Sydney đã ký kết thỏa thuận hợp tác cam kết về tầm nhìn, sứ mệnh của đôi bên trong việc triển khai chương trình. Đồng thời, các diễn giả là đại diện hai trường cũng đã mang đến nhiều thông tin chia sẻ về kinh nghiệm, định hướng, gợi mở những sáng kiến đặt nền móng cho việc hợp tác dài hạn trong tương lai.