Ngày 12/9 năm 2023, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-USSH) đã diễn ra phiên khai mạc và buổi nghị sự đầu tiên của cuộc gặp mặt luân phiên lần thứ 38 của tổ chức SEAMEO SPAFA - Trung tâm Đông Nam Á về Kiến thức Giáo dục và Nghệ thuật.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có sự hiện diện của TS Nguyễn Thị Thanh Minh - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế.Về phía Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN có sự hiện diện của GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, PGS.TS Bùi Thành Nam - Phó Bí thư Đảng uỷ, Trưởng phòng Đào tạo, GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Nhân học, TS Nguyễn Minh Nguyệt - Phó phòng Hợp tác và Phát triển.

Đại biểu quốc tế có ông Khemchat Thepchai - Chủ tịch của Hội đồng Quản trị SPAFA, ông Jeremy R. Barns - Chủ tịch SEAMEO và bà Pintip Lamnirath - Thư ký của tổ chức SEAMEO. Cùng dự có các thành viên Ban điều phối hiện thời của SPAFA và đại diện của 10 quốc gia thành viên.

Cuộc họp diễn ra trực tiếp tại Hội trường VNU-USSH và trực tuyến trên nền tảng zoom

SEAMEO SPAFA được thành lập bởi Hội đồng các Bộ trưởng Bộ Giáo dục của 11 Quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, với mục tiêu tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên và phát triển di sản văn hóa của khu vực thông qua giáo dục, nghiên cứu và dịch vụ chuyên môn. Việt Nam được Hội đồng SEAMEO công nhận là thành viên chính thức vào ngày 10/2/1992 và từ đó đến nay đã tham gia tích cực và hiệu quả vào sự phát triển của tổ chức này.


Hàng năm, SEAMEO SPAFA tổ chức gặp mặt luân phiên tại các quốc gia thành viên để thảo luận về các sáng kiến gần đây, đánh giá kết quả các dự án hợp tác đang diễn ra và đề xuất kế hoạch hợp tác. Cuộc họp Hội đồng Quản trị lần thứ 38 (GBM) của SPAFA được tổ chức tại Hà Nội và Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN vinh dự là đơn vị tổ chức buổi gặp mặt luân phiên năm 2023.

Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: Năm 2023, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn vinh dự là đơn vị tổ chức buổi gặp mặt luân phiên của SEAMEO SPAFA. Đây là một trong những hoạt động quan trọng của Nhà trường nhằm tăng cường và mở rộng hơn nữa sự hợp tác với các tổ chức của các quốc gia trong khu vực trong nghiên cứu và đào tạo ở lĩnh vực KHXH&NV.

Phát biểu trong Lễ khai mạc, ông Khemchat Thepchai, Chủ tịch của Hội đồng Quản trị SPAFA gửi lời cảm ơn đến GS.TS Hoàng Anh Tuấn và Trường ĐHKHXH&NV đã chuẩn bị chu đáo cho sự kiện này, đồng thời dành cho đoàn sự đón tiếp rất nồng hậu.

Chủ tịch của Hội đồng Quản trị SPAFA Khemchat Thepchai mong muốn rằng trong các cuộc thảo luận tại cuộc gặp lần thứ 38, Ban điều hành sẽ nhận được nhiều trao đổi cởi mở và mang tính xây dựng, đề xuất những ý tưởng mới cho hoạt động của SPAFA trong thời gian tới.

Bà Pintip Lamnirath - Thư ký SEAMEO đã nhấn mạnh ý nghĩa của những thành tựu SEAMEO SPAFA đã đạt được trong việc thúc đẩy khảo cổ học và mỹ thuật trong khu vực, từ đó giúp thế giới có thể hiểu sâu hơn về di sản văn hóa phong phú và đa dạng của Đông Nam Á, đồng thời góp phần bảo tồn chúng vì sự phát triển bền vững. Trong thời gian tới SEAMEO SPAFA sẽ đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, đồng thời tập trung vào các vấn đề mới nổi như vấn đề toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu, cùng với những mối quan tâm khác mà các nước thành viên đang phải đối mặt.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Thanh Minh đã gửi lời cảm ơn đến sự hỗ trợ, hợp tác của SEAMEO SPAFA với các trường đại học, tổ chức giáo dục và nghiên cứu tại Việt Nam trong thời gian qua, nhiều hoạt động nghiên cứu, đào tạo về nghệ thuật, lịch sử, khảo cổ đã được triển khai rất hiệu quả mang lại nhiều giá trị thiết thực.

PGS.TS Bùi Thành Nam (Trưởng phòng Đào tạo VNU-USSH) nhấn mạnh: những thành tựu của SEAMEO SPAFA về khảo cổ học, di sản và nghệ thuật đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong việc khẳng định giá trị văn hóa, lịch sử đa dạng của khu vực Đông Nam Á. SPAFA đã đóng vai trò là ngọn hải đăng cho các tổ chức học thuật trên toàn khu vực.VNU-USSH có bề dày lịch sử với nền học thuật chân chính, là một trong những trường đại học hàng đầu của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng đội ngũ các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và những người có ảnh hưởng xã hội. Truyền thống đào tạo và nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn của Nhà trường luôn được các đối tác đánh giá cao. "Cơ hội hợp tác với SEAMEO SPAFA là nền tảng quan trọng, không chỉ mở đường cho các mối quan hệ hợp tác nghiên cứu học thuật độc đáo về những vấn đề văn hóa, lịch sử, nghệ thuật mà các quốc gia trong khu vực cùng quan tâm, mà còn giúp chúng tôi phát triển chương trình giảng dạy, mở rộng hoạt động trao đổi sinh viên và giảng viên.Chúng tôi cam kết sẽ đóng góp hết sức mình không chỉ cho sự thành công của sự kiện này mà còn cho sự hợp tác sâu rộng, mạnh mẽ và hiệu quả trong tương lai” – PGS.TS Bùi Thành Nam nhấn mạnh.


Tổng kết về thành tựu của SPAFA, Tổng thư ký SEAMEO SPAFA cho biết: "Cuộc họp Hội đồng Quản trị là một nền tảng quan trọng để đại diện các Bộ đảm bảo rằng các chương trình và sáng kiến mà chúng ta thực hiện đáp ứng và phù hợp với nhu cầu của khu vực.SEAMEO SPAFA liên tục tăng cường và đẩy nhanh các nhiệm vụ của mình trong việc thúc đẩy khảo cổ học và mỹ thuật trong khu vực, từ đó đảm bảo rằng chúng ta thực sự thấu hiểu về di sản văn hóa phong phú và đa dạng của Đông Nam Á, đồng thời phát huy sự bảo tồn vì lợi ích của các thế hệ tương lai.SPAFA đã tổ chức các hội nghị và hội thảo đào tạo, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án khảo cổ học và tổ chức các cuộc triển lãm về mỹ thuật và khảo cổ học, tất cả đều nhằm mục đích quảng bá văn hóa và di sản Đông Nam Á.Cuộc họp Hội đồng Quản trị năm nay có ý nghĩa quan trọng khi Đông Nam Á, cùng với thế giới, đã vượt qua đại dịch, được trang bị những bài học và công cụ cần thiết để trở nên kiên cường hơn khi chúng ta thúc đẩy hợp tác các lĩnh vực ưu tiên của mình là giáo dục, khoa học và văn hóa.Ngoài việc điều hướng trạng thái bình thường mới, chúng ta cũng đang trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, đồng thời hiểu rõ các vấn đề mới nổi trên toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu, cùng với những mối quan tâm khác mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt".

Trong khuôn khổ của phiên họp thường niên 2023 tại Việt Nam, đoàn công tác của Hội đồng Quản trị SEAMEO SPAFA sẽ tham quan các bảo tàng, di tích khảo cổ học, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng ở Hà Nội, như Bảo tàng Quốc hội, Văn Miếu Quốc tử giám, Hoàng Thành Thăng Long. Các đại biểu cũng dành thời gian để trải nghiệm văn hoá ẩm thực với những món ăn truyền thống của Việt Nam.

Chiều 13/9 các đại biểu đã thông qua biên bản thống nhất một số nội dung trọng tâm trong kế hoạch hoạt động của tổ chức vào năm 2024. SEAMEO SPAFA lần thứ 38 đã thành công tốt đẹp. .