Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, để nắm bắt những cơ hội mới, bên cạnh sự đổi mới về cơ chế chính sách thì chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp chúng ta đạt được những mục tiêu về khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, với sự chỉ đạo sát sao của Bộ GD-DT, các cơ sở giáo dục đại học đã vào cuộc để xây dựng khung chương trình đào tạo cho một số lĩnh vực ngành nghề đặc biệt được coi là mũi nhọn trong thời gian tới trong đó có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, điện hạt nhân và đường sắt tốc độ cao.

Những năm qua, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng các trường ĐH của chúng ta đã có nhiều cố gắng, sáng tạo trong cách dạy, cách học, gắn lý thuyết với thực hành, xây dựng nhiều mô hình đào tạo chất lượng nhằm cho ra đời những lứa cử nhân, kỹ sư có năng lực chuyên môn, có kỹ năng mềm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên trước những yêu cầu mới, những thách thức mới, việc ra đời Nghị quyết 57 của Bộ chính trị sẽ tạo đà, cới trói cho những khó khăn tồn tại để giáo dục ĐH cũng như các giảng viên, các nhà khoa học có điều kiện cống hiến tốt hơn cho sự nghiệp giáo dục, nghiên cứu khoa học của mình từ đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.

"Công cuộc đổi mới này không phân biệt các trường ĐH công lập hay tư thục mà là sự thúc đẩy mỗi loại hình nhà trường phát huy thế mạnh của mình, liên kết với nhau làm nên sức mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam" - Thứ trưởng Bộ GDDT Hoàng Minh Sơn chia sẻ.

Dự án "Đường sắt tốc độ cao" đang cần số lượng lớn nhân lực giỏi về chuyên môn và thạo kỹ năng, ứng phó nhanh với sự thay đổi của khoa học công nghệ. Với một cơ sở đào tạo có uy tín về lĩnh vực vận tải đường sắt, trường ĐH Giao thông Vận tải đã và đang có sự chuẩn bị cấp thiết để có thể đáp ứng được những yêu cầu mới trong việc đào tạo nhân lực phục vụ cho dự án trọng điểm này.

TS Phạm Thanh Hà – Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Giao thông Vận tải cho biết: Là trường Đại học kỹ thuật đa ngành. hiện nay trường đang đào tạo 34 ngành trải dài 11 lĩnh vực, trong đó có những lĩnh vực mà xã hội và Chính phủ đang rất quan tâm, đầu tư, phát triển như lĩnh vực đường sắt tốc độ cao, lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Ngay khi Quốc hội phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam, nhà trường đã tiến hành thành lập ban chỉ đạo xây dựng chương trình đào tạo. Trường cũng đã rà soát và xây dựng các chương trình đào tạo mới.

Trường đã xây dựng mới chuyên ngành Kỹ sư đường sắt tốc độ cao. Trường đã triển khai xây dựng chuyên ngành Hệ thống điện đường sắt hiện đại, dựa trên chuyên ngành cũ về thông tin tín hiệu đường sắt trước đây. Đối với các chương trình liên quan khác ví dụ như quản lý dự án, quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, trường đã rà soát chương trình để cập nhật thêm một số các mô đun kiến thức liên quan nhằm cung cấp cho sinh viên những kiến thức mới cập nhật hiện đại để sau khi tốt nghiệp có thể làm việc được ngay trong môi trường mới.

Là một trong những cơ sở tổ chức đào tạo nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn, ngay sau khi có thông tin về việc tăng cường năng lực nguồn nhân lực cho vi mạch bán dẫn thì nhà trường cũng đã xây dựng một ngành đào tạo mới đó là Kỹ thuật máy tính chuyên sâu về vi mạch bán dẫn. Hiện nay nhà trường đang rà soát lại chương trình này, đồng thời xây dựng một chương trình đào tạo tài năng ngành Kỹ thuật máy tính chuyên sâu vi mạch bán dẫn.

Đặc biệt là ngoài việc xây dựng chương trình đào tạo, trường rất quan tâm đến việc xây dựng các phòng thí nghiệm, ký kết, liên kết để hợp tác với các doanh nghiệp nhằm tạo môi trường cho sinh viên thực tập và trải nghiệm ngoài doanh nghiệp. TS Phạm Thanh Hà cho biết nhà trường đã và đang chuẩn bị nguồn giảng viên chất lượng cao được đào tạo bài bản ở các quốc gia tiên tiến sẵn sàng cho việc tuyển sinh năm 2025 với mục tiêu đảm bảo chất lượng phục vụ cho ngành công nghiệp mà đất nước đang quan tâm.

Trường Điện- Điện tử ĐH Bách khoa Hà Nội là cơ sở hàng đầu đào tạo những lĩnh vực quan trọng mà đất nước ta đang muốn đẩy mạnh trong sự phát triển của “kỷ nguyên vươn mình”. Là một cơ sở đào tạo có uy tín trong lĩnh vực này, trường đã có sự chủ động trong việc xây dựng và đổi mới những chương trình đào tạo nhất là lĩnh vực vi mạch, bán dẫn để giúp cho sinh viên ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu mới. PGS.TS Nguyễn Hữu Thanh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Vừa qua trường đã có nhiều sự thay đổi trong các chương trình đào tạo đặc biệt là các lĩnh vực như là bán dẫn, tự động hóa, robotic. Việc mở chương trình đào tạo Kỹ sư chuyên sâu đặc thù dựa trên nền ngành điện tử viễn thông và đào tạo lên kỹ sư, trường đã mở chương trình thiết kế vi mạch để đáp ứng nhu cầu hiện nay về thị trường nhân lực vi mạch của Việt Nam.

TS Nguyễn Hữu Thanh cho biết: Ngoài việc đào tạo một lứa sinh viên mới theo học chuyên ngành vi mạch bán dẫn, để có số lượng lớn về nhân lực cho lĩnh vực này, trường đã có sự chủ động linh hoạt giữa các chương trình đào tạo để có thể sinh viên những ngành gần như công nghệ thông tin, cơ điện tử…cũng có thể làm việc ở trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Không chỉ đào tạo lý thuyết, làm việc trong các lab nghiên cứu, chương trình đào tạo của những ngành mới này có sự tham gia trực tiếp của các doanh nghiệp.

Hiện nay sinh viên trường Điện- Điện tử được nhiều doanh nghiệp tuyển dụng, không chỉ doanh nghiệp trong nước mà các doanh nghiệp Đài Loan, Nhật Bản cũng tiếp nhận sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội sang làm việc, những sinh viên có năng lực khá được các trường đại học ở nước ngoài tiếp nhận cấp học bổng để làm nghiên cứu sinh.

Là một cơ sở đào tạo kết hợp song song việc đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học, thầy trò trường Điện- Điện tử đón nhận Nghị quyết 57 trong tâm thế hào hứng bởi những điều được quy định trong Nghị quyết sẽ là đòn bẩy đối với sự phát triển của giáo dục đại học cũng như tạo cơ hội rộng mở cho các nhà khoa học, các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực KHCN trong việc phát triển, ứng dụng những nghiên cứu đó vào cuộc sống góp phần vào sự phát triển khoa học kỹ thuật và kinh tế của đất nước.

Với một số lĩnh vực rất quan trọng ví dụ như thiết kế vi mạch, 5G, 6G, tự động hóa hay robotic đó- thế mạnh của Trường, thầy trò đang mong đợi Nghị quyết 57 sớm được cụ thể hóa thành các quy định. Dựa trên cơ sở đó, trường Điện - Điện tử và Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ có những bước phát triển bứt phá để đóng góp được công sức của mình trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như có những kết quả nghiên cứu mà có thể đưa được vào thực tế. TS Nguyễn Hữu Thanh tin tưởng vào tính khả thi của nghị quyết 57 đối với giáo dục ĐH, đối với các nhà khoa học và các giảng viên, sinh viên nhà trường.

Nghị quyết 57 với những quy định quyết sách cụ thể như đang thổi một luồng gió mới đầy hưng khí cho các nhà khoa học và các sinh viên đang theo học những ngành khoa học công nghệ giúp các em tích cực hơn chủ động hơn, quyết tâm hơn trong qúa trình trau dồi kiến thức và hoàn thiện kỹ năng với mong muốn được đóng góp sức lực, tài năng của mình cho công cuộc chuyển mình của đất nước, An Huy sinh viên năm thứ 5 trường Điện, điện tử ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ đầy hy vọng và quyết tâm.

Việc mở các ngành đào tạo mới ở những cơ sở giáo dục Đại học có thế mạnh trong lĩnh vực khoa học, công nghệ chính là lời giải cho bài toán: Muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải có chương trình đào tạo đảm bảo chất lượng.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ chính trị, Bộ GD&ĐT đã nhanh chóng phối hợp với các trường ĐH có thế mạnh về lĩnh vực Khoa học Công nghệ xây dựng khung chương trình ngành vi mạch bán dẫn. GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN cho biết: “Bán dẫn là một ngành công nghiệp siêu lớn trong đó liên quan đến rất nhiều các ngành đào tạo khác nhau từ những ngành rất cơ bản như ngành vật lý, ngành vật liệu, ngành hóa học cho đến trên là ngành điện tử, ngành kỹ thuật máy tính, các ngành liên quan đến điều khiển, tự động hóa và trên nữa là các ngành liên quan đến công nghệ thông tin, khoa học máy tính. Do đó khi triển khai cái chuẩn các chương trình đào tạo về bán dẫn chúng ta phải tạo ra các chuẩn để các ngành khác nhau đều tham gia trong quy trình, từ đó chúng ta tạo ra được đội ngũ nhân lực có chất lượng cao để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư tại Việt Nam. Thời gian tới Việt Nam chúng ta cần phải xây dựng các chương trình đào tạo để đáp ứng được yêu cầu rộng khắp trong các lĩnh vực về bán dẫn".

Dự thảo khung chương trình đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn được xây dựng dựa theo các chương trình đào tạo lĩnh vực này của nhiều trường ĐH ở các quốc gia tiên tiến. Khung chương trình đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các trường ĐH và sẽ sớm được sửa đổi, ban hành để kịp thời áp dụng cho lứa thí sinh 2K7 và sẽ được sử dụng, bổ sung liên tục để linh hoạt đào tạo cho các đối tượng các ngành gần để có thể đáp ứng tốt nhất về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong thời gian tới.