Niềm vui cùng sự quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới là chia sẻ của rất nhiều nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục khi bày tỏ quan điểm của mình về Nghị quyết 57 vừa được Bộ Chính trị ban hành.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – một người nằm trong top 1000 nhà khoa học thế giới bày tỏ sự tin tưởng vào chính sách của Đảng và nhà nước đối với các nhà Khoa học vì mục tiêu thúc đẩy nền Khoa học Công nghệ nước nhà..

Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Nghị quyết 57 của Bộ chính trị là luồng gió mới soi rọi con đường tiến lên phía trước của dân tộc Việt Nam và khẳng định chỉ có đi vào Công nghệ cao, chuyển đổi số mạnh mẽ thì Việt Nam chúng ta mới có thể nắm bắt được cơ hội tiến nhanh tiến mạnh và vững chắc đến giàu mạnh hùng cường, ngẩng cao đầu và sánh vai với các cường quốc năm châu.

Là nhà Khoa học, GS.TS Nguyễn Đình Đức nhận thấy Nghị quyết đã thể hiện được khát vọng của dân tộc Việt Nam. Tinh thần của Nghị quyết là quyết tâm phát triển đất nước chúng ta phải làm chủ được công nghệ cao..., có cơ chế đầu tư nhanh, xứng tầm. "Nghị quyết đi vào lịch sử là kim chỉ nam cho các Bộ, ngành đặc biệt là định hướng cho các Trường ĐH, Viện Nghiên cứu, các nhà Khoa học,các nhóm nghiên cứu đặc biệt có sức dẫn dắt tạo động lực quyết tâm cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời gian tới."

GS.TS Nguyễn Hoàng Giang – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội chia sẻ: Nghị quyết 57 với những điều khoản chi tiết là hành lang pháp lý, là động lực để các nhà khoa học, các nhà giáo và cả những sinh viên quyết tâm học tập, làm việc và thúc đẩy nghiên cứu đỉnh cao đưa đất nước đi lên tầm cao mới. Cũng theo GS Nguyễn Hoàng Giang đây là một Nghị quyết lớn, sẽ đem lại sự thay đổi một cách toàn diện trong kỷ nguyên mới. Với các trường Đại học, Nghị quyết chỉ rõ cần thúc đẩy các trường ĐH thành những trung tâm phát triển KHCN…

GS.TS Nguyễn Hoàng Giang cho biết: Hiện tại các trường ĐH cũng đang thực hiện sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, với Nghị quyết 57, khi nhà nước dành nhiều hơn nữa nguồn lực tập trung thúc đẩy phát triển nghiên cứu KH và cho phép những ý tưởng mới được thử nghiệm thì chắc chắn sẽ có nhiều ý tưởng sau khi triển khai thực tiễn sẽ đem lại hiệu quả rất tốt.

KHCN đòi hỏi nền tảng đầu tư cả quá trình, nếu chúng ta duy trì chính sách ưu tiên đầu tư như vậy trong thời gian dài liên tục thì hiệu quả mang lại cho xã hội vô cùng lớn. Điều quan trọng theo GS Nguyễn Hoàng Giang: Ở đây, chúng ta nhìn nhận chính sách không phải đưa vào đối với các cơ sở Viện, trường, các nhà KH đơn thuần mà chính sách này tác động đến thế hệ trẻ những người được học trong môi trường ấy sẽ phát triển năng lực cho bản thân, là nguồn lực lan tỏa ra toàn xã hội. Chúng ta nhìn thấy đây không phải chỉ là điểm nhấn của các Trung tâm khoa học mà toàn xã hội chúng ta đẩy tri thức lên thành nền tảng. Như vậy Nghị quyết này là tiền đề mạnh hơn để chúng ta đưa đất nước phát triển lên nhờ khoa học công nghệ và tri thức. Đó là điểm chúng tôi những nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục thấy rất hay ở Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương – Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Giao thông Vận tải cho biết Nghị quyết xác định rất rõ mục tiêu định hướng Khoa học công nghệ chuyển đổi số Quốc gia là việc làm rất bài bản. Trong hệ thống ấy thì việc ưu tiên hàng đầu để bước vào kỷ nguyên mới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, lấy Khoa học Công nghệ là công cụ để đưa đất nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc 5 châu.

Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Giao thông Vận tải cho biết, các nhà khoa học rất vui mừng trước NQ 57/BCT của Đảng. "Đây là cách lựa chọn rất đúng của Đảng trong việc xác định muốn hội nhập, muốn đối ngoại phát triển, muốn sánh vai với các cường quốc năm châu chúng ta phải lựa chọn Khoa học Công nghệ là hàng đầu, KHCN phát triển sẽ giúp đất nước ta hội nhập và là cơ sở đánh giá chúng ta với các cường quốc khác, là công cụ quan trọng để chúng ta phát triển và bước nhanh hơn .”

Cũng theo PGS Nguyễn Thanh Chương Trường ĐH Giao thông Vận tải hiện có một số lĩnh vực đào tạo liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhà trường xác định 2 nhiệm vụ quan trọng bên cạnh việc đào tạo là nghiên cứu Khoa học. Đặc biệt, trước yêu cầu mới, nhà trường tập trung đào tạo nhân lực cho hệ thống giao thông vận tải trong đó việc phát triển đường sắt tốc độ cao và hỗ trợ nhân lực cho sự phát triển mới như lĩnh vực chip bán dẫn, hệ thống giao thông thông minh. Theo quy luật, việc phát triển giao thông hiện đại phải đi trước một bước từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các lĩnh vực khác phát triển với tiến độ nhanh đảm bảo mục tiêu, định hướng phát triển của quốc gia trong giai đoạn mới. PGS.TS Nguyễn Thanh Chương khẳng định: đồng hành với đất nước trong mọi thời kỳ, trường ĐH Giao thông Vận tải quyết tâm cùng đất nước nắm bắt cơ hội phát triển mới.

Đối với GS.TS Phan Mạnh Hưởng – ĐH Nam Florida Hoa Kỳ, nghị quyết 57 của Bộ chính trị vừa ban hành thực sự “gỡ khó" cho các nhà khoa học Việt Nam có điều kiện để thể hiện năng lực của mình trên mặt trận KHCN, không những thế còn tạo cơ hội để các nhà khoa học Việt Kiều có cơ hội dễ dàng để hợp tác, hỗ trợ các cơ sở nghiên cứu. Bên cạnh đó các trường ĐH trong nước cần cập nhật các xu hướng đào tạo, nghiên cứu mới để cùng đồng hành đóng góp công sức trí tuệ vì một Việt Nam hùng cường.

GS Phan Mạnh Hưởng cho rằng muốn phát triển của Khoa học công nghệ, cần phát triển các chương trình STEM gắn kết việc đào tạo và thực tiễn, cần gắn kết mô hình đào tạo với doanh nghiệp và nhà nước để giúp người học sau khi ra trường có cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp, nhà máy, các viện nghiên cứu... theo đúng chuyên ngành họ đam mê theo đuổi. Mô hình đào tạo xuất sắc, mô hình STEM là kết hợp giữa lý thuyết va thực tiễn, cần mời các doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng chương trình học tại các cơ sở đào tạo các trường ĐH. Như thế mới đáp ứng được yêu cầu của giáo dục hiện đại vì nói đến giáo dục hiện đại là nói đến ứng dụng, kỹ thuật số chuyển đổi số.

Bên cạnh đó cần đào tạo đội ngũ các người thầy xuất sắc để chúng ta có thể có được đội ngũ học trò xuất sắc. Theo GS Phan Mạnh Hưởng: "Những người thầy xuất sắc là những người được đào tạo, tiếp thu nền công nghệ hiện đại và từ đó họ có thể truyền tải kiến thức thông qua phương tiện công nghệ giáo dục hiện đại. Những người thầy không chỉ có kiến thức mà có vai trò định hướng cho học sinh, sinh viên nắm bắt được năng lực của mình và phát huy tối đa năng lực đó. Bên cạnh đó cần đầu tư nâng cao đồng bộ trang thiết bị giảng dạy và nghiên cứu trong các trường ĐH và Viện nghiên cứu để người học được học trực tiếp cùng các thầy và thực hành trên máy móc. Ngoài ra việc cho sinh viên tham gia các đề tài nghiên cứu thực tế cùng các chuyên gia sẽ giúp cho các em có những trải nghiệm quan trọng để định hướng được nghề nghiệp của mình sau này. "

Chúng ta đều biết một chính sách tốt cùng với một khát vọng mục tiêu vươn lên chắc chắn sẽ gặt hái những thành quả ngoài sự mong đợi. Nghị quyết 57/BCT ban hành kịp thời sẽ là kim chỉ nam, gỡ bỏ rào cản để cho các cơ sở đào tạo, các nhà khoa học toàn tâm toàn ý vào việc tìm ra hướng nghiên cứu mới vừa là nền tảng vừa có nhiều khả năng ứng dụng triển khai và đưa vào thực tiễn để nhanh chóng tạo đà cho sự đổi mới, sự lớn mạnh của nền Khoa học Công nghệ đưa đất nước ta tiến vào kỷ nguyên mới, khẳng định vị thế của Việt Nam trong giai đoạn mới.