Đau đầu tính toán để tăng khả năng đỗ vào trường công
Sinh ra trong một gia đình với đông anh chị em, cả bố mẹ đều làm công nhân xí nghiệp may, ngay từ sớm Nguyễn Công Anh (học sinh lớp 9 trường THCS Cao Bá Quát) đã xác định quyết tâm vào được ngôi trường cấp ba công lập mà em lựa chọn.
“Việc phải chi trả tiền học hàng chục triệu một tháng thì quá sức so với khả năng tài chính của gia đình. Em cũng đã bàn với bố mẹ là định thi vào trường THPT Nguyễn Văn Cừ rồi, ngôi trường đó gần nhà em với cả cũng là trường công nên chi phí không đắt lắm”, Công Anh chia sẻ. Sát kỳ thi, em vẫn “học ngày học đêm" để có thể giành một suất lớp 10 ở trường THPT công lập.
Dù biết được sức học của con trung bình khó chắc chắn một suất vào lớp 10 công lập, nhưng gia đình lại chẳng đủ kinh tế để cho con theo học trường tư, anh Nguyễn Văn Tuấn (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) đành đặt hết hy vọng vào “ván cược” kỳ thi tuyển sinh vào 10 trường công lập.
“Gia đình tôi cũng chẳng khá giả gì, tôi với vợ cũng chỉ đi làm công nhân viên bình thường thôi nên chúng tôi cũng chả có đủ khả năng để cho con theo học trường tư tháng hàng chục triệu”, anh Tuấn giãi bày.
Khó khăn càng thêm khó khăn khi khu vực Cầu Giấy chỉ vỏn vẹn 2 trường công lập là THPT Cầu Giấy và THPT Yên Hòa. “Nhưng với khả năng hiện tại của con mình, trường Yên Hoà gần như là quá xa tầm với.” Chính vì thế mà anh Tuấn quyết định cho con đăng ký nguyện vọng 1: Trường THPT Cầu Giấy và nguyện vọng 2: THPT Khương Đình (thuộc khu vực khác). Dù biết trường Khương Đình xa so với nhà hiện tại nhưng điểm các năm của trường không quá cao, tỉ lệ chọi lại thấp nên gia đình anh vẫn quyết định để con đăng ký vào đây nhằm chắc một suất vào trường công lập.
Không chỉ học phí đắt đỏ so với thu nhập của nhiều phụ huynh, để theo học tại trường tư, gia đình còn lo lắng về những khoản phí phát sinh khác như: ăn uống tại trường, đi trải nghiệm, tổ chức sự kiện, đi từ thiện… Điều này đã khiến không ít phụ huynh e ngại trước khi đăng ký cho con học các trường ngoài công lập, chị Phan Thị Hồng (Quận Ba Đình, Hà Nội) tâm sự: “Không đóng tiền hoạt động thì sợ con thiệt thòi với các bạn mà đóng thì lấy đâu ra tiền mà lo chi tiêu, ăn uống cho gia đình rồi nội ngoại đôi bên”.
Tuy dân số cơ học tăng lên hàng năm nhưng trong các quận nội thành Hà Nội 10 năm trở lại đây rất ít trường THPT công lập được xây mới. Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, các khu vực có dân số từ 20.000 người cần ít nhất một trường THPT. Căn cứ vào số dân thực tế, Hoàng Mai thiếu tới 18 trường, Đống Đa, Long Biên, Đông Anh và Thanh Trì cùng thiếu 8 trường, còn lại thiếu phổ biến 3-7 trường. Vì vậy, cuộc đua vào lớp 10 ở Hà Nội luôn căng thẳng, khốc liệt "cho tới phút chót".
Nhiều lý do khiến việc chọn học GDTX và dạy nghề thành "cực chẳng đã"
Cũng mang áp lực chồng chéo khi gia đình không có điều kiện, Trần Nguyệt Ánh (Lớp 9, THCS Ba Đình) phải nỗ lực gấp 3, gấp 4 lần bình thường để vào cấp 3 công lập nếu không muốn học nghề. “Lý do lớn nhất khiến em dốc hết sức ôn thi vào trường công là vì gia đình em không có đủ điều kiện để cho em theo học trường tư nên nếu không đỗ trường công thì sẽ phải theo học nghề để ra đi làm luôn ạ.”, Ánh lo lắng.
Chỉ biết động viên con, đó là điều mà nhiều phụ huynh làm lúc này. Trong 9 năm học vừa rồi, kết quả học tập của con chị Trần Thanh Hà (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) đạt ở mức trung bình, khá, em cũng nắm kỹ các kiến thức học tập tại trường. Tuy nhiên, chị Hà vẫn lo ngại khả năng con thi đỗ vào trường công trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới bởi “học tài thi phận” nên cũng chẳng biết thế nào mà lần.”
Để lo cho con theo học tại trường tư thì gia đình không đủ điều kiện kinh tế nhưng lại không muốn con phải học tại trường nghề hay các cơ sở giáo dục thường xuyên, chị Hà trăn trở: “Để con học trường tư thì gia đình không có đủ kinh tế nhưng học nghề hay giáo dục thường xuyên thì tôi lại lo cho tương lai của con.”
Sợ con vào một môi trường không tốt, sợ con ra đời quá sớm và sợ tương lai của con bấp bênh là điều mà vị phụ huynh này nhắc tới.
Chỉ còn ít ngày nữa là diễn ra kỳ thi vào lớp 10 trường công lập. Thời điểm này nhiều học sinh và phụ huynh ở Hà Nội có cảm giác như đang “ngồi trên đống lửa”.