UBND tỉnh Thái Bình vừa phát thông cáo liên quan kết luận thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao đối với Sở, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 tại tỉnh Thái Bình.

Theo đó, sau khi UBND tỉnh Thái Bình nhận được đơn của công dân và dư luận xã hội phản ánh về những bất thường trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 tại tỉnh Thái Bình, Thường trực Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thái Bình đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo Thanh tra tỉnh thanh tra đột xuất việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao đối với Sở GD-ĐT, Giám đốc GD-ĐT và các tổ chức, cá nhân có liên quan, với quan điểm chỉ đạo mọi hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân đều phải bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Căn cứ cơ sở kết luận thanh tra, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các bước, quy trình, thủ tục để xem xét, xử lý cán bộ, công chức, viên chức theo thẩm quyền.

Trên cơ sở đề nghị của Hội đồng kỷ luật công chức lãnh đạo quản lý, ngày 20/9/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành các quyết định kỷ luật đối với công chức lãnh đạo, quản lý của Sở GD-ĐT Thái Bình.

Cụ thể, cách chức ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình; khiển trách bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình; nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc với ông Đặng Xuân Phong, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình.

Đối với ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tạo Thái Bình, kiểm điểm rút kinh nghiệm tại Hội nghị kiểm điểm đối với công chức lãnh đạo, quản lý của Sở GD-ĐT Thái Bình.

Với những tập thể, cá nhân thuộc, trực thuộc Sở GD-ĐT Thái Bình có hành vi vi phạm đã được nêu trong các kết luận thanh tra, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình xem xét, xử lý theo trình tự, thủ tục, theo phân cấp và theo thẩm quyền đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch, nghiêm minh, đúng pháp luật. Sau khi có kết quả, Sở GD-ĐT Thái Bình báo cáo các cơ quan chức năng theo quy định.

Bài học sâu sắc trong công tác tổ chức các kỳ thi

UBND tỉnh Thái Bình cho biết, việc xử lý đối với các cá nhân để xảy ra vi phạm thể hiện tinh thần giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe nhưng cũng hết sức cương quyết và nghiêm minh. Các cán bộ, công chức để xảy ra vi phạm đã tự nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình và tự nhận hình thức kỷ luật.

Về kết quả kỳ thi sau kết luận thanh tra, UBND tỉnh Thái Bình cho biết, trên cơ sở các kết luận thanh tra của Chánh Thanh tra tỉnh Thái Bình, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình tiến hành các thủ tục theo thẩm quyền để công bố kết quả điểm thi của các thí sinh và tổ chức xét tuyển theo quy định để đảm bảo thời gian thực hiện kế hoạch năm học trên cơ sở nguyên tắc học thật, thi thật, kết quả thật.

Sau 2 đợt xét tuyển đã tuyển được 525 chỉ tiêu vào trường THPT chuyên và 15.770 chỉ tiêu vào các trường THPT công lập đại trà. Sau khi công bố điểm (ngày 20/8/2024) có 2.525 thí sinh với tổng số 490 bài thi đề nghị phúc khảo, kết quả có 489 bài thi không thay đổi điểm, 1 bài thi tăng 0,5 điểm nhưng không làm thay đổi kết quả tuyển sinh.

Ngày 4/9/2024, trên cơ sở chỉ tiêu được giao, số lượng học sinh không nhập học và đề nghị của Hội đồng tuyển sinh các trường THPT công lập, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình đã thông báo chỉ tiêu tuyển sinh bổ sung của các trường. Kết quả có 87 thí sinh được tuyển bổ sung; tổng số thí sinh được phê duyệt trúng tuyển là 16.287 thí sinh.

UBND tỉnh Thái Bình cho biết, việc để xảy ra các sai sót, vi phạm và phải xử lý cán bộ lãnh đạo ngành Giáo dục tỉnh Thái Bình là điều đáng tiếc, tuy nhiên đây là bài học sâu sắc, cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc tổ chức các kỳ thi của ngành Giáo dục; đồng thời cũng là kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh.