“Sạn” trong sách giáo khoa đến từ sự “vội vã”?

[VOV2] - Nếu tính từ thời điểm 32 bản mẫu SGK lớp 1 được Bộ GD&ĐT công bố (22/11/2019), các NXB, nhóm tác giả và các cơ sở giáo dục chỉ có 7- 8 tháng để thực hiện quy trình: Lựa chọn, tập huấn giáo viên, tổ chức in ấn, phát hành sách.

Cuối tháng 11 năm ngoái, tại cuộc họp báo công bố 32 bản sách giáo khoa lớp 1 được Hội đồng thẩm định sách thông qua, rất nhiều phóng viên cùng đặt chung câu hỏi, quá trình dạy thực nghiệm sách giáo khoa (SGK) mới đã được triển khai như thế nào? Tỉ lệ dạy thực nghiệm là bao nhiêu phần trăm?

Khi ấy, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, về mặt giáo dục mà nói không nhất thiết phải thử mới biết được quyển sách đó nó như thế nào! Câu trả lời khiến cho nhiều phóng viên ngỡ ngàng và lo lắng khi triển khai chương trình và SGK mới.

Khi những hạt “sạn” mà dư luận “nhặt” ra từ bộ SGK Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều, GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên bộ sách phân bua: “sách đã được thực nghiệm hai năm ở hai trường khác nhau, ở hai hoàn cảnh khác nhau và việc dạy thực nghiệm được triển khai từ bài 1 đến bài cuối cùng chứ không phải chọn ra một vài bài mới”.

Sách được dạy thực nghiệm 2 năm ở hai trường khác nhau nhưng có một thực tế trong suốt quá trình lựa chọn sách, thậm chí trước khi sách được đưa vào dạy đại trà nhiều trường học đã không có đủ bản sách mẫu để nghiên cứu. TS. Giáp Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Time School khẳng định việc thẩm định của xã hội rất quan trọng. Tuy nhiên điều đáng tiếc là các bản thảo SGK mới được bảo mật kỹ lưỡng.

“Có lẽ các NXB cho rằng các bộ sách cạnh tranh với nhau nên trong giới chuyên gia, những người dùng trực tiếp, những người phải chọn sách như chúng tôi không có sách mà để xem xét, để lựa chọn”-TS. Giáp Văn Dương chia sẻ.

Nếu tính từ thời điểm 32 bản mẫu của 5 bộ SGK lớp 1 mới được Bộ GD&ĐT công bố chính thức (22/11/2019), các NXB, nhóm tác giả và các cơ sở giáo dục chỉ có đúng khoảng thời gian 7-8 tháng để thực hiện các quy trình: Lựa chọn-tập huấn giáo viên và tổ chức in ấn, phát hành sách.

“Sạn” trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều đến từ đâu? Nhìn lại quá trình xây dựng chương trình và tổ chức biên soạn SGK có lẽ dư luận đã tìm được câu trả lời. Sự vội vã, gấp gáp khi triển khai chương trình, SGK mới khiến cho quá trình tranh luận, “nhặt sạn” không được diễn ra sớm hơn và công khai hơn.

Chuyên gia giáo dục, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương khi bàn về SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều trong một chương trình trên sóng VOV2 (Đài TNVN) cũng tỏ ra nuối tiếc. Anh cho rằng, bộ SGK Cánh Diều không phải không có ưu điểm nhưng giá như những tranh luận về SGK mới được diễn ra sớm hơn thì có lẽ đã không xảy ra điều đáng tiếc là phải sửa sách ngay giữa năm học như thế này-một sự cố có lẽ lần đầu tiên xảy ra trong ngành giáo dục.

Đến nay, hai bộ SGK lớp 2 và lớp 6 mới đã vượt qua vòng thẩm định đầu tiên, nó sẽ tiếp tục trải qua một quy trình tiếp theo để được triển khai vào năm học 2021-2022. Nhưng, những gì đang xảy ra với sách giáo khoa lớp 1 chắc chắn sẽ là bài học đắt giá để Bộ GD&ĐT đưa ra một quy trình thẩm định sách chặt chẽ hơn, khách quan hơn.

-Ngày 21/11/2017, Quốc hội ban hành nghị quyết điều chỉnh thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Thay vì triển khai từ năm học 2018-2019, chương trình, SGK mới sẽ chính thức được triển khai từ năm học 2020-2021.

-Đến ngày 27/12/2018, Bộ GD&ĐT chính thức công bố chương trình Giáo dục phổ thông mới.

-Ngày 22/11/2019, Bộ GD&ĐT họp báo công bố chính thức 32 bản sách giáo khoa lớp 1 đã được Hội đồng thẩm định phê duyệt.

-Ngay sau đó, các NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh lần lượt công bố 5 bộ SGK lớp 1 mới.

-Như vậy, các NXB, các nhóm tác giả biên soạn cùng các cơ sở giáo dục sẽ chỉ có khoảng thời gian 7-8 tháng để thực hiện các quy trình: Lựa chọn-tập huấn giáo viên và tổ chức in ấn, phát hành sách.

Trần Bá Duy