“Nếu bạn thất bại trong việc lên kế hoạch thì kế hoạch của bạn sẽ khó thành công. Nếu như bạn không lập kế hoạch thì có lẽ sẽ chẳng có thành công nào gõ cửa nhà bạn”. Việc học cũng không phải ngoại lệ.

Hiểu mình để lên kế hoạch phù hợp

Theo Th.s Phùng Năm, việc lên kế hoạch học tập nên bắt đầu từ việc hiểu mình, cụ thể là hiểu năng lực học tập và phương pháp học tập của bản thân.

Hiểu về năng lực học tập có nghĩa là các em học sinh cần phải hiểu môn học nào là môn học thế mạnh của mình, môn học nào là môn gặp khó khăn và cần nỗ lực rất nhiều.

Hiểu về phương pháp ở có nghĩa là hãy xem mình học tập hiệu quả nhất qua kênh thị giác, qua kênh thính giác, qua cách đọc viết hay là thực hành.

Khi đã hiểu được về năng lực học tập và phương pháp học tập rồi, việc lập kế hoạch sẽ được cụ thể hóa thông qua thời gian biểu mỗi ngày. Với môn học thế mạnh có thể sắp xếp thời gian để hoàn thành sớm và có thời gian làm thêm những bài nâng cao. Với những môn học chưa tốt, còn khó khăn thì sẽ sắp xếp học và ôn tập vào thời gian nào thuận lợi cho việc có thể tìm kiếm sự trợ giúp của người khác.

“Nếu học kém môn Toán, bạn có thể sắp xếp vào khoảng thời gian ví dụ từ 8-9h, lúc đó các bạn đang học bài, cô đang làm việc, nếu gặp khó khăn gì bạn có thể hỏi ngay lúc đó. Như vậy sẽ có người trợ giúp bạn hoàn thành nhiệm vụ và không bỏ cuộc”.

"Tip" lên kế hoạch hiệu quả

Nhiều bạn trẻ dễ mắc một sai lầm, đó là chỉ đặt một mục tiêu duy nhất, khá chung chung cho cả năm học, gọi là mục tiêu dài hạn. Nhưng vì mục tiêu này dài quá nên mình học mãi mà không nhìn thấy kết quả, dẫn đến chán nản, mục tiêu bị xa rời dù đó thực chất là điều giúp bạn định hướng tốt hơn.

Theo Th.s Phùng Năm, vào đầu năm học mới, các em học sinh nên đặt hai loại mục tiêu: mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn.

Mục tiêu ngắn hạn có thể là mục tiêu giữa học kỳ một, cuối học kỳ một, mục tiêu giữa học kỳ hai hay cuối học kỳ hai. Bản chất của mục tiêu ngắn hạn là sự chia nhỏ mục tiêu dài hạn ra thành từng bước ngắn hơn để mình có thể dễ dàng quan sát thử xem tiến trình học của bản thân.

Một điều rất quan trọng đó là cần đặt mục tiêu làm sao thật cụ thể và đo được. Nếu như bạn đặt mục tiêu là năm nay học tốt hơn thì sự tốt hơn đó cần phải được cụ thể. Ví dụ, đặt mục tiêu học môn Toán tốt hơn, nếu năm ngoái bạn được 6,0, năm nay tốt hơn đó là 7,0. Có như vậy bạn mới rõ ràng quan sát và theo dõi được tiến trình học tập.

Tuy nhiên, mục tiêu nên đặt ra ở mức hợp lý, vừa sức và khả thi. Đầu năm học, chương trình thường chưa khó lắm, bạn sẽ cảm thấy hứng thú. Vì thế bạn đã đặt cho mình mục tiêu năm nay sẽ đạt học sinh giỏi dù năm ngoái là học sinh trung bình. Như vậy là mục tiêu chưa khả thi. Bạn có thể đặt mục tiêu từ trung bình lên trung bình khá, rồi từ từ nhích dần dần. Như vậy mục tiêu phải phù hợp với thức lực mới tạo được động lực phấn đấu.

Có hình thức thưởng, phạt để duy trì động lực

Vào đầu năm học mới với sách vở mới, thầy cô mới, các em học sinh đều có động lực học tập một cách rất tự nhiên, nhưng động lực thường sẽ giảm đi trong quá trình học tập.

Để có thể duy trì động lực, các em học sinh nên thường xuyên xem lại mục tiêu mình đã đặt ra để xem xem mình đang học tập như thế này liệu có đạt được mục tiêu mình đã đặt ra hay không. Hãy hoàn thành bài tập đúng hạn, không để dồn quá nhiều mới làm, lúc đấy sẽ gây ra quá tải và khiến bạn mệt mỏi. Hãy nhờ sự trợ giúp từ bạn bè, thầy cô, ba mẹ, Internet để quyết được khó khăn ngay, không được bỏ cuộc.

Một cách để duy trì động tập được Th.s Phùng Năm khuyến khích, đó là có sự thưởng phạt rõ ràng. Điều này bạn có thể trao đổi với bố mẹ. Nếu tuần này con làm tốt điều này thì ba mẹ sẽ thường cái gì và nếu như con không đạt được có hình phạt nào cho con. Có thưởng, có phạt sẽ giúp bạn tăng thêm động lực.

“Một năm học mới sắp bắt đầu, mong các em sẽ biết cách đặt cho mình những mục tiêu phù hợp và nỗ lực để đạt được mục tiêu đó. Quan trọng là mỗi ngày đến trường các em sẽ có những ngày vui, khám phá những tri thức và khám phá rất nhiều những điều hay mới từ trường học, từ bạn bè”, Th.s Phùng Năm gửi gắm tới các em học sinh trước thềm năm học mới.

Nghe chia sẻ của Th.s Phùng Năm trong chương trình Hành trang trẻ: