Lướt qua một vòng các quận nội thành Hà Nội, dễ dàng nhận thấy hầu hết các tòa nhà chung cư mới đều mang tên tiếng nước ngoài.

Ví dụ tại quận Nam Từ Liêm, một loạt chung tư mang tên ngoại như Roman Plaza, Vinhome Sky Lake, Matrix One, Imperia Smart City… Còn tại quận Hoàng Mai là các tên Rose Town, Athena Complex, Sky Central, Geleximco Southern Star… hoặc Thanh Xuân với các tên Atemis, Harmony Square…

Đây cũng là tình trạng phổ biến ở các đô thị lớn khác như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang...

Đặt tên chung cư tiếng Anh thể hiện tâm lý “sính ngoại”

Ước đoán số chung cư có tên nước ngoài phải lên tới hơn 70%, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng đây là một cách để tránh gợi liên tưởng đến những chung cư thời bao cấp được xây dựng 30 năm trở về trước. Mặt khác, đây cũng là cách đặt tên theo kỹ thuật tiếp thị sản phẩm, quảng bá thương hiệu (marketing).

“Thường người ta hay dùng những thương hiệu của nước ngoài hoặc những cụm từ nước ngoài phổ biến trên thế giới, ví dụ như Diamond, Luxury... để gợi đến cái gì đẳng cấp. Họ cũng đang cố gắng để tạo ra một cái tên nào đó gắn với các sản phẩm của họ, khi mà khách hàng nghe đến cụm từ đó thì nghĩ ngay đến một cái dòng sản phẩm nó có giá trị hoặc là đáng sống…”- ông Đính phân tích.

Cũng đồng quan điểm các chủ đầu tư đang đặt tên để đánh vào tâm lý khách hàng, nhưng PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhìn nhận đây là một vấn đề văn hóa đáng quan tâm và nó thể hiện tâm lý “sính ngoại”.

Khi ta hội nhập quốc tế sâu rộng, trào lưu sử dụng tiếng nước ngoài mà cụ thể là tiếng Anh biểu hiện tâm lý thích thể hiện mình sang trọng hơn, mình có một địa vị cao hơn. Trào lưu này lan rộng trong rất nhiều yếu tố của xã hội từ ngôn ngữ hàng ngày cho đến cả đời sống văn hóa nghệ thuật và cả việc đặt tên các chung cư.

Tuy nhiên đây là vấn đề rất nghiêm trọng về mặt văn hóa. “Thời Pháp thuộc, chúng ta đã lên án việc lạm dụng tiếng Pháp, đâu đâu cũng “min-đơ”, “min-toa”. Phải một thời gian sau nhìn lại ta mới thấy sự lai căng kệch cỡm. Nhưng đừng chờ lui lại một thời gian nữa mới đánh giá mà chúng ta phải thấy nó phản cảm ngay từ bây giờ để cho chúng ta có điều chỉnh sao cho phù hợp.”- PGS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.

Tên chung cư ảnh hưởng đến cảm nhận về chủ quyền quốc gia

Theo PGS.TS Vũ Quang Hào, Trường ĐH KHXH&NV, riêng về mặt ngôn ngữ cách đặt tên chung cư bằng tiếng nước ngoài ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng định danh của các công trình.

Trước hết là tính khu biệt rất thấp vì những tên nước ngoài đó rất phổ biến, nhiều nơi có tên như thế. Điểm thứ hai là không phải ai cũng biết tiếng Anh. Vì vậy về phát âm đã không đồng nhất. Ví dụ tòa nhà có tên Lake 1, Lake 2 nhưng có người đọc là “lếch 1, lếch 2’’ hay thậm chí “lác 1, lác 2”. Đặc biệt trong văn bản hành chính rất dễ viết sai, điều này rất bất lợi thậm chí nguy hiểm trong nhiều trường hợp.

PGS.TS Vũ Quang Hào còn cho rằng tên tiếng nước ngoài không tạo ra cảm nhận về ngôn ngữ như tiếng Việt, ví dụ nói khu “Rừng Cọ” người ta sẽ liên tưởng một không gian xanh, nhiều cây cối, nhưng nếu nói Times City mấy ai cảm nhận đó là “Thành phố thời đại”…

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, nguyên giảng viên cao cấp trường ĐH KHXH&VN cho rằng lạm dụng đặt tên chung cư, tòa nhà bằng tiếng nước ngoài còn ảnh hưởng đến những cảm nhận về mặt chủ quyền quốc gia. “Nếu như đến một thành phố toàn nhà tên nước ngoài thì tính độc lập chủ quyền của dân tộc liệu nó có còn được thể hiện rõ không? Rất dễ dẫn đến tình trạng hiểu lầm cho rằng như vậy là toàn chung cư tiếng nước ngoài thì chủ yếu là người nước ngoài sống”.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt cho biết, trước đây ông và các đồng nghiệp đã từng có nghiên cứu về các tên biển hiệu, tòa nhà tiếng Trung tại một số địa phương như Quảng Ninh và đã kiến nghị về vấn đề đặt tên các biển hiệu, công trình. Vì vậy theo ông cần có sự quan tâm thích đáng tới việc đặt tên các chung cư từ góc độ thể hiện chủ quyền quốc gia, dân tộc.

Tên chung cư quá nhỏ để quan tâm?

Trong Khoản 3 điều 19 Luật Nhà ở sửa đổi năm 2020 nêu rõ: “Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các khu vực trong dự án phải được đặt tên bằng tiếng Việt; trường hợp chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có nhu cầu đặt tên dự án bằng tiếng nước ngoài thì phải viết tên đầy đủ bằng tiếng Việt trước, viết tiếng nước ngoài sau".

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đính thừa nhận hiện nay có tình trạng các chủ đầu tư đặt tên thương mại bằng tiếng Anh cho các dự án tòa nhà thường là đặt sau khi họ đã được phê duyệt dự án và đã triển khai dự án, tên thương mại thường thay đổi so với cái tên đăng ký dự án đầu tư trước đó. Khi đăng ký đầu tư, người ta chỉ đặt tên chung chung như dự án nhà ở tại địa chỉ này, kia, và tên chủ đầu tư là ai. Đấy là những thông tin cần thiết và bắt buộc phải có. Nhưng khi đưa công trình vào thị trường, các chủ đầu tư sẽ chỉ sử dụng tên thương mại.

Tất nhiên khi công trình đã đưa vào sử dụng, không có ai giám sát hay xử phạt việc tên của tòa nhà, chung cư có đúng như tên trong dự án được phê duyệt hoặc có tuân thủ nguyên tắc đề tên mà Luật Nhà ở quy định. Mặc dù vậy, ông Đính cho rằng cần có những chính sách để khuyến khích các chủ đầu tư đặt tên chung cư bằng tiếng Việt chứ không nên ép buộc.

Theo PGS Nguyễn Hữu Đạt, từ vấn đề này càng cho thấy cần thiết phải có Luật về ngôn ngữ, cần có quy định rõ ràng trong từng trường hợp và có mức xử phạt, bắt sửa hoặc thu hồi nếu không tuân thủ.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần nhìn nhận việc đặt tên cho các chung cư như một vấn đề văn hóa trong sự phát triển quốc gia. Ngôn ngữ chuyên chở những giá trị văn hóa, thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan và vũ trụ quan của con người, của một dân tộc.

Nghị quyết của Đảng về văn hóa có giá trị rất lớn cho việc định hướng phát triển của văn hóa nghệ thuật, định hướng sự phát triển con người Việt Nam trong thời gian sắp tới. Nếu không cụ thể hóa bằng việc xem xét những vấn đề như thế này thì Nghị quyết chỉ dừng lại ở tầm vĩ mô chung chung mà chưa thực sự điều chỉnh được những thực tiễn của cuộc sống.

Nghe bài viết tại đây: