Có nhiều cuộc hội ngộ đầy ắp kỷ niệm vượt thời gian mà ở đó quá khứ vất vả khó khăn thiếu thốn chỉ làm sâu đậm thêm tình thầy trò của hiện tại. Bao thế hệ học trò bước ra từ cánh cổng trường THPT Lương Thế Vinh ngày hôm nay, trường THPT Vụ Bản B của ngày đầu thành lập cứ nối tiếp nhau nuôi dưỡng truyền thống hiếu học, truyền thống vượt khó, tôn sư trọng đạo. 50 năm là một chặng đường đầy dấu ấn với ngôi trường mang tên nhà toán học Lương Thế Vinh, thầy trò các thế hệ bằng tình yêu thương và khát vọng chinh phục tri thức đã làm nên nhiều sự đổi thay lớn lao ở ngôi trường này.

Thầy Nguyễn Hải Trung người có 29 năm công tác tại trường THPT Vụ Bản B (nay là trường THPT Lương Thế Vinh) huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định cứ hay nói đùa "mình là hiệu phó lâu năm nhất trong ngành giáo dục tỉnh Nam Định. Là giáo viên dạy văn, từng làm chủ nhiệm nhiều lớp trước khi lên làm hiệu phó nên sự gắn bó với các thế hệ học sinh của thầy cũng có những nét rất đặc biệt. Thời điểm ấy kinh tế khó khăn, thầy trò sẻ chia với nhau từng niềm vui nỗi buồn bé nhỏ nhưng tinh thần học tập vẫn luôn được đặt lên hàng đầu. Thầy kể về những bữa liên hoan chỉ là một nồi 10 bò gạo nấu cháo, những buổi học phụ đạo mà mặt mũi học trò nhợt nhạt vì đói.... , cảm thông với các em học sinh một buổi đi học, một buổi phải phụ giúp gia đình làm ruộng nhưng vẫn rất ham học. Tình thầy trò bao năm tháng gian khó, chứng kiến sự trưởng thành của học trò thầy Trung cảm thấy rất hạnh phúc. Nói như lời thầy "Hạnh phúc vì thấy các em trưởng thành, nghề dạy học càng nghĩ thấm thía càng thấy quý, tình cảm thầy trò thời nào cũng vậy là những gì thiêng liêng nhất. Tình cảm thầy trò bây giờ tiến triển theo thời đại, không như trước đây, bây giờ nó bình đẳng hơn, học trò bây giờ cũng rất đáng quý, thông minh khôn ngoan lắm... Người thầy thời nào cũng cần đạo đức, gương mẫu là tấm gương sáng cho học sinh noi theo".

Cô Đào Thị Chính, là giáo viên toán ở trường THPT Vụ Bản B suốt 20 năm (từ năm 1979 đến năm 1999) rớm rớm nước mắt kể về những năm tháng khó khăn nhiều em học sinh đi học 2 ngày chỉ được ăn 3 bữa. Tuy khó khăn vất vả nhưng các em rất tình nghĩa, chân thành. Năm 1983 cô sinh con, gạo ăn hàng ngày là gạo mậu dịch vừa cũ vừa hôi, các em học sinh thương em bé, thi thoảng đi dạy về cô lại thấy có túi gạo quê treo ở cửa để cô nấu cháo bột cho con.

Kiên trì, chịu khó và thương yêu đùm bọc lẫn nhau đã trở thành truyền thống học của học sinh trường THPT Vụ Bản B mà nay là trường THPT Lương Thế Vinh. Vượt lên khó khăn để học tập, tình thầy trò những năm khó khăn nó bền chặt và không vụ lợi. Dù đã chuyển trường lên dạy ở Thành phố nhưng hàng năm những học sinh cũ ngày xưa tới thăm cô khi các em trưởng thành với cô đó là tình nghĩa đậm đà và rất thực lòng.

Cô Ngô Thị Hiên về trường THPT Lương Thế Vinh từ tháng 10 năm 1993 ngay sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội. 30 năm làm việc sinh hoạt ở trường cô coi ngôi trường như gia đình thứ 2 của mình. Cô nhớ như in từng em học trò mình từng dạy và dõi theo sự trưởng thành của các em một cách đầy trách nhiệm và thương yêu.

Những học trò lớn lên từ mái trường THPT Vụ Bản B ngày xưa, trường Lương Thế Vinh hôm nay đều tiếp nối truyền thống tốt đẹp của trường. Sự tận tâm của thầy cô đã tiếp sức cho các em bay cao, bay xa, trở thành những công dân có ích cho gia đình, quê hương, đất nước. Ở đâu, các em vẫn nhớ về mái trường yêu dấu của mình và luôn ghi nhớ tri ân thầy cô đã dạy dỗ, định hướng cho mình có được cuộc sống tốt đẹp hôm nay.

Chị Trần Thị Hường, học sinh khóa 2003-2006, hiện công tác tại Công ty CPTM và nhân lực Quốc tế ở Hà Nội không bao giờ vắng mặt ở các ngày lễ kỷ niệm thành lập trường. Niềm vui khi được gặp lại các thầy cô, các bạn, các anh chị khóa trên, các em khóa dưới là động lực để chị làm việc và đóng góp xây dựng trường.

Em Mai Đức Cường, học sinh lớp 12 A4 trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ: em rất tự hào khi đc học dưới mái trường Lương Thế Vinh, một trong những trạng nguyên Toán học Việt Nam. Trong quá trình học ở trường thầy cô bạn bè quan hệ rất gần gũi, thân thiện với nhau. Em và các bạn luôn có ý thức học hỏi phát huy hết sức mình để góp phần xây dựng truyền thống của trường.

Thầy Bùi Văn Thương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh là người "có duyên" khi 3 lần nhận quyết định về công tác tại trường từ sinh viên thực tập đến việc phân công về làm giáo viên và quyết định làm hiệu trưởng nhà trường. Được công tác tại ngôi trường có bề dày truyền thống với thầy là điều hết thuận lợi vì được các thế hệ thầy cô dìu dắt và truyền lại kinh nghiệm công tác. Ngoài công việc chuyên môn, nhà trường cũng rất quan tâm đến các hoạt động kết nối, tổ chức nhiều dịp gặp mặt các thầy cô các thế hệ học sinh để trao đổi, học hỏi và nối dài sợi dây tình cảm giữa học trò với thầy cô và nhà trường.

Trong công cuộc đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục, thầy trò trường THPT Lương Thế Vinh luôn đảm bảo hài hòa giữa việc dạy học và phát triển kỹ năng mềm cho học sinh. Ngoài việc dạy kiến thức đảm bảo để các em tham gia các kỳ thi, trường đặc biệt chú trọng rèn các kỹ năng mềm, năng lực tự tin để các em có thể sử dụng kỹ năng đó trong cuộc sống. Từ một trường có kết quả đầu vào không ở mức cao nhưng hiện nay trường luôn nằm trong top 20 trường THPT có thành tích tốt nhất của tỉnh Nam Định. Năm học 2023 vừa qua, tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh nhà trường xếp thứ 18 trong toàn tỉnh, riêng môn KHTN kết quả đứng thứ 4 toàn tỉnh.

THÀNH TÍCH CỦA THẦY TRÒ TRƯỜNG THPT LƯƠNG THẾ VINH

Bằng khen tập thể (từ 1999 đến nay):
- 02 Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- 01 Bằng khen của UBND tỉnh Nam Định
- 05 Bằng khen của Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
- Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia năm 2018.

Bằng khen cá nhân (từ 1999 đến nay):
- 05 cá nhân được Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- 03 cá nhân được tặng Bằng khen của UBND tỉnh Nam Định

Là một trường THPT ở địa phương được mệnh danh là đất học, các thế hệ thầy trò trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đã đoàn kết một lòng vượt khó về đích. Từ trường THPT Vụ Bản B ngày đầu thành lập cho đến trường THPT Lương Thế Vinh hôm nay- chặng đường 50 năm nửa thế kỷ là một hành trình ghi dấu ấn của tình thầy trò son sắt một quyết tâm "dạy tốt, học tốt" và sự tự hào đầy tình yêu thương tôn sư trọng đạo : "Thành công hôm nay đến từ gốc rễ hôm qua".