Tiếng kẻng “gọi trò” giữa đại ngàn Trường Sơn

[VOV2] - Bất kể ngày nắng hay mưa, mỗi sáng tiếng kẻng của thầy giáo Hoàng Xuân Dục – giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Hóa lại vang lên thúc giục học sinh dân tộc Chứt đến trường.

Nghe chương trình tại đây:

Một ngày của thầy giáo cắm bản

Bất kể ngày nắng hay mưa, cứ 6h15 phút tiếng kẻng của thầy giáo Hoàng Xuân Dục – giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình lại vang lên ở điểm trường Bản Chuối, thúc giục học sinh đến trường.

6h30 phút, lác đác học sinh đến lớp. Thầy Dục cùng lũ trẻ dọn dẹp vệ sinh, kê lại bàn ghế. Nhưng, tiết học chưa thể bắt đầu vì thiếu học sinh. Lên xe máy, hướng về phía bản, thầy giáo đến từng nhà gọi các em.

Trong nhà sàn lúc này, cậu bé Hùng nhỏ thó vẫn tần ngần ở một góc, chưa tỉnh ngủ. Thầy Dục hỏi han, dỗ dành rồi thúc giục cậu bé theo bạn tới trường. Đây là thói quen mỗi sáng của thầy. “Những ngày mưa rét thì gọi các cháu đi học khó khăn hơn. Cha mẹ ngủ nên con cũng ngủ theo. Nếu không gọi, các em không đi học. Việc của mình là phải có học sinh để dạy, chứ ở nhà các cháu sẽ hổng kiến thức”, thầy Dục nói.

Một lần, khi đến gọi học sinh ở bản Kè đến lớp, vì trời lạnh nên em nằm trong chăn mãi không chịu dậy. Sau những lời dỗ dành thuyết phục của thầy, cậu bé đòi được cõng. Vậy là thầy bế em đi rửa mặt, thay quần áo. Khi đến lớp, lại lấy mì cho em ăn. Hôm sau, trên đường đến nhà cậu bé, thầy ngờ rằng cậu bé này vẫn sẽ không chịu đến trường. Nhưng bất ngờ, cậu từ trên cây nhảy xuống vai thầy và nói “thầy không cần đến nhà, em đây rồi. Câu chuyện đó làm tôi xúc động và nhớ mãi”, thầy Dục nhớ lại.

Nhẩm đủ 31 cháu của 4 khối lớp từ lớp 1 đến lớp 4 đã tới trường. Lúc này thầy Dục mới quay trở lại điểm trường Bản Chuối.

Hơn 7h, sĩ số lớp đã đủ, tiết học bắt đầu. Giữa giờ, để thay đổi không khí, cả lớp tham gia trò chơi do thầy Dục làm quản trò. Đây cũng là lúc các em được ôn tập lại tiếng dân tộc mình. Bây giờ, người Kinh và người Chứt ở lẫn với nhau nên một số tiếng các cháu không biết vì ít dùng. Bởi vậy, thỉnh thoảng trong các tiết học, thầy phải nói bằng tiếng dân tộc để các em không quên đi tiếng nói của mình.

19h, thầy Hoàng Xuân Dục điều khiển xe máy đi về phía bản. Đèn xe máy và đèn pin treo trên đầu sáng rực cả một góc bản tăm tối, quạnh hiu. Ngóng đợi bên hiên nhà sàn, lũ trẻ bản Chuối vội chạy thoắt vào trong nhà, tự giác học bài khi nghe tiếng xe máy cùng tiếng bước chân quen thuộc của thầy giáo.

Mỗi tuần, thầy Hoàng Xuân Dục đều dành 2-3 buổi, thậm chí 4 buổi đến từng nhà dạy phụ đạo và nhắc nhở các em tự học. Thấy thầy đến, em Hồ Văn Hòa, học sinh lớp 4 chủ động ghép 2 tấm nệm cũ xỉn màu để làm bàn học như một thói quen. Anh Vìu, bố em Hòa chia sẻ “ưng thầy dạy thằng cu thế đó, tuần nào cũng 2-3 lần thầy đến nhà”.

Ông Phạm Hành, già làng trong bản cảm phục mỗi lần thầy đến nhà dạy con bé Huyền học bài. Bố mẹ mỗi người “một ngả”, con bé ở với ông bà. Mỗi lần thầy đến nhà phụ đạo, ông Hành cảm thấy được an ủi. “Ngoài dạy các cháu, thầy còn dặn dò phụ huynh không được rượu chè be bét để còn lo cho các cháu. Tôi rất phục thầy Dục”, ông Hành chia sẻ.

Thầy giáo dạy xóa mù cho dân tộc Chứt

Những năm 1995, huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình nạn mù chữ hoành hành trong khi đội ngũ giáo viên vừa mỏng, vừa thiếu. Vì vậy, khi mới vào học ở Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Bình được 1 năm, nhiều sinh viên trong đó có thầy Hoàng Xuân Dục đã được phân công về công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lâm Hóa.

Bản Kè là nơi đầu tiên thầy Hoàng Xuân Dục đặt chân đến. “Ấn tượng về mảnh đất này trong ký ức của tôi lúc đó là mọi thứ đều nguyên sinh, hoang vắng”, thầy Dục nhớ lại.

Lúc ấy, nhà dân hầu hết là nhà tạm, thấp lè tè lợp bằng lá cọ. Cứ 6 tháng đến 1 năm, họ lại dỡ nhà để di chuyển đến nơi khác. Bà con toàn ăn khoai và sắn. Đêm, khi ở trong nhà tạm thầy Dục nghe bọn trẻ khóc vì đói và lạnh. Điều đó khiến ông không khỏi trăn trở, có những hôm 2-3h sáng mới chợp mắt được. Có học sinh nọ mới lớp 1 nhưng đi học không đều, hỏi ra mới biết cháu chỉ có 1 bộ quần áo của thầy cho. Hôm ấy đưa quần áo đi giặt nên cháu không có đồ mặc tới trường. Thầy Dục đành lấy áo của mình trùm lại để cháu đến trường.

Lúc mới về bản, cứ thấy thầy Dục là người lớn bụm miệng cười. Hóa ra vì vốn tiếng Việt của dân bản ít nên họ ngại giao tiếp với người lạ. Nhiệm vụ đặt ra lúc đó là phải học bằng được tiếng dân tộc. Chỉ có sống gần dân mới có thể làm được điều đó. Ngày đó, có khi cả tháng thầy mới về nhà một lần. Học tiếng dân tộc từ phụ huynh và học sinh. Có những đêm, bên ấm nước chè, thầy Dục ngồi tiếp chuyện với 2-3 già làng, nghe họ chia sẻ về phong tục, tập quán cũng người dân địa phương cũng là cách để học tiếng dân tộc.

Nhưng thầy học được nhiều nhất là từ học trò của mình. Những lần đi vào rừng câu cá, hái củi cùng học trò, thầy Dục được các em chỉ tiếng dân tộc. Tại đây, thầy cũng tranh thủ dạy cho các em những kiến thức tự nhiên, xã hội và kỹ năng sống. “Có những lần nói sai, cả bản cười rồi họ lại bày cho tôi”, thầy Dục nhớ lại.

Học tiếng dân tộc giúp thầy Dục giảng dạy dễ dàng hơn, rút ngắn khoảng cách giữa giáo viên và đồng bào, thuận lợi cho việc tuyên truyền nếp sống văn minh trong bà con.

Thời gian đó, ban ngày thầy Dục dạy học ở trường. Còn ban đêm dạy xóa mù cho các phụ huynh, già làng. Cái khó của việc dạy xóa mù là học sinh đa dạng độ tuổi, kỹ năng phát âm và viết hạn chế, lại còn hay quên. Đã vậy, bà con còn tùy tiện ra vào lớp. Dù vậy, thầy không bao giờ khiển trách ai mà chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng, khích lệ. Tinh thần học hành luôn phải luôn vui vẻ, lớp học lúc nào cũng rôm rả vì được nghe thầy kể chuyện cười. Trong lúc đó, bà con cũng chia sẻ cuộc sống đi rừng, làm rẫy, nói ra những suy nghĩ, tâm tư tình cảm của họ cho thầy giáo.

Chính vì sự gần gũi, thân tình đó mà lớp học xóa mù ngày càng đông người tham gia. Từ 7 người ban đầu, lớp học có thêm 11 người, 15 người rồi 27 người.

Đưa nếp sống văn minh về với bản làng

Thầy Hoàng Xuân Dục nhớ như in những năm đầu về nhận nhiệm vụ ở Lâm Hóa, nhiều hủ tục lạc hậu đeo bám bà con nơi đây. Nghiện rượu, tảo hôn, tổ chức cưới vợ với chi phí tốn kém...Và, đặc biệt là cứ ốm đau, bệnh tật là người dân lại tìm đến thầy thổi (thầy cúng) chứ không tìm đến thầy thuốc.

Một lần, một học sinh của thầy Dục ốm nặng. Người nhà đưa em đi tìm thầy thổi. Đến khi nặng quá mới nhờ thầy cõng cháu, gọi xe ôm đưa đi khám. Sau một tuần em mới trở lại đi học.

Hồi đó, học sinh rất nhiều chí và ghẻ lở. Những ngày trời nắng, thầy Dục hướng cho các cháu sang khe tắm sạch sẽ. Thầy phải cắt tóc, mua lược dày chải, lấy nước lá thoa cho các cháu.

Hồi đó, các em nhỏ sinh ra không được can thiệp bằng y tế. Bà con làm theo tập tục cũ lấy lá rừng, cây rừng để thực hiện thủ thuật. Do được huấn luyện về công tác y tế trước khi về nhận công tác, thầy Dục đã hướng dẫn người dân cách đỡ đẻ khoa học. Chị Thìu, học trò cũ lớp xóa mù của thầy Dục chia sẻ, hồi đó quần áo không giặt nên cáu bẩn, nấm mốc. Thầy hướng dẫn cách vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân. “Thầy dặn quần áo phải giặt ngày một, dạy lau chùi nhà cửa, cày cuốc. Giờ thì biết đọc, biết viết, biết tính toàn, làm ăn”.

Mơ về một thế hệ thắp sáng bản làng

Khi được hỏi vì sao thầy chắt chiu từng cơ hội kéo học trò đến trường, thầy Dục tâm sự “các cháu học sinh dân tộc thiệt thòi nhiều quá. Vì vậy, mình phải nỗ lực để bù đắp một phần nào đó. Đây cũng là cái tâm nguyện của mình là muốn đóng góp một chút nhỏ cho ngành giáo dục của địa phương”.

Điều khiến thầy xúc động khi công tác nơi đây là nghĩa đồng bào. Hồi đó, những ngày thầy về nhà, họ ở lại giữ trường, chờ thầy ra. Chiều chủ nhật cả người lớn trẻ em ngồi ngoài bãi cắt bờ sông ngóng thầy, thầy lội qua thác họ cũng lội qua luôn.

Những việc quan trọng trong nhà họ đều hỏi thầy, từ cưới vợ cho đến làm nhà. Có gì ngon họ đều nhớ đến thầy. Những hôm thầy ốm, người dân tận tình chăm sóc. Năm 2008, khi thầy Dục chuyển công tác vào bản Chuối, người dân bản kè thủ thỉ “thầy vô trong đó 1- 2 năm thì thầy ra lại nhá. Đến năm 2012 khi thầy ra lại bản Kè thì họ mừng lắm”.

“Có lần nói chuyện một em học sinh buột miệng gọi tôi là “bọ”. Bọ trong tiếng dân tộc có nghĩa là ba. Lúc đó tôi bất ngờ và xúc động. Thì ra các em đã hiểu được thầy, xem thầy như người nhà”, thầy Dục kể.

Trước đây, học sinh ít mà và chưa biết ngày lễ của thầy, sau này qua tuyên truyền mới biết 20/11 là ngày xã hội tôn vinh thầy cô. “Thế là cả một đoàn, người cầm bó chè, người cầm túi gạo, có người ôm cả con gà đi vào nhà….rất cảm động”, thầy Dục nói.

"Tôi có một niềm tin chắc chắn rằng rồi đây thầy sẽ không phải lặn lội đến từng nhà dạy và gọi học sinh. Sau này các cháu sẽ làm bản làng sáng lên"

Chứng kiến sự thay da đổi thịt của giáo dục địa phương sau gần 30 năm gắn bó, thầy Hoàng Xuân Dục vui mừng pha chút tự hào vì đã góp sức nhỏ nhoi của mình vào sự thay đổi đó. Điều mong muốn nhất cuat thầy giờ đây là học trò đi học đầy đủ, duy trì được sĩ số để nâng cao chất lượng để học. Những hủ tục như nghiện rượu hay tảo hôn bị đẩy lùi. Thầy mong muốn phụ huynh sẽ chú tâm hơn vào giáo dục con cái....Điều đó sẽ làm cho quê hương Lâm Hóa thay đổi.

“Tôi có một niềm tin chắc chắn rằng rồi đây thầy sẽ không phải lặn lội đến từng nhà dạy và gọi học sinh. Sau này các cháu sẽ làm bản làng sáng lên. Thế hệ các em sẽ không giống cha mẹ, không phải vào rừng mà các em sẽ trở thành công nhân, giáo viên, cán bộ và có làm vườn thì cũng là những vườn trù phú, kinh tế phát triển, nhà cửa khang trang, bản làng đẹp hơn”./.

Phương Lan