Trong số những PGS được Hội đồng Giáo sư nhà nước công bố đạt chuẩn năm 2024 có Tiến sĩ 8X Nguyễn Ý Như, giảng viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội). Cô hiện là Phó Trưởng Bộ môn Thuỷ văn và Tài nguyên nước, Khoa Khí tượng, Thủy văn và Hải dương học.
Gặp nữ PGS trẻ này ai cũng có một ấn tượng khá đặc biệt: đó chính là sự dịu dàng, duyên dáng dễ thương nhưng phía sau đó là nội lực, đam mê, quyết tâm mạnh mẽ của một nữ tri thức, một nhà khoa học dám đi đến cùng đam mê, dấn thân cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học.
Sinh ra và lớn lên ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An, đến năm cấp 3, Ý Như cùng gia đình chuyển ra Hà Nội, cô trở thành học sinh chuyên Toán của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Việc đến với ngành khí tượng thủy văn tựa như một cơ duyên, nằm ngoài dự kiến. Bởi Ý Như vốn thích vẽ và học rất tốt môn Toán, nên có ý định thi Kiến trúc. Nhưng đến khi Ý Như đi thi đại học, một cuộc gặp gỡ đã làm thay đổi quyết định nghề nghiệp của Ý Như.
Đó là lần Ý Như máy mắn gặp GS.TS Mai Trọng Nhuận, một nhà khoa học trong lĩnh vực Khoa học Trái đất (thời điểm đó GS.TS Mai Trọng Nhuận đang là Giám đốc ĐHQGHN). Nghe GS giới thiệu về chương trình học của trường, trong đó có ngành Khoa học Trái đất, Ý Như có cảm giác thật đặc biệt, cảm thấy vấn đề GS nói như “chạm” tới đúng thứ mà cô đang tìm. Vậy là cô quyết định đăng ký vào Khoa Khí tượng, Thủy văn và Hải dương học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Học hệ chất lượng cao, sau khi kết thúc chương trình đại cương, được tiếp xúc với các thầy cô bộ môn Thủy văn và tìm hiểu sâu về ngành, Ý Như quyết định chọn theo ngành Thủy văn vì thấy mình phù hợp.
Tốt nghiệp đại học, sau khi học xong chương trình thạc sĩ tại trường, khao khát có những bước tiến trong chuyên ngành, Ý Như tìm kiếm học bổng du học. Năm 2012, Như đã đạt 2 học bổng du học tiến sĩ tại Bỉ và Nhật. Nhận thấy hướng nghiên cứu của mình phù hợp hơn với giáo sư ở Nhật, Như quyết định sang Nhật, làm nghiên cứu sinh ở Đại học Yamanashi. Năm 2017, Nguyễn Ý Như hoàn thành chương trình tiến sĩ, ngành Quản lý tổng hợp lưu vực sông, chuyên ngành Thuỷ văn học.
Trở về Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) nơi đã gắn bó cả thời sinh viên để làm giảng viên, với môi trường khoa học chuyên nghiệp ở đây Ý Như có nhiều điều kiện để phát triển niềm đam mê của mình. Càng ngày vừa giảng dạy và nghiên cứu khoa học cô càng cảm nhận thấy mình đã chọn đúng nghề.
Thời điểm hiện tại, TS Nguyễn Ý Như sở hữu một kết quả khá ấn tượng: công bố 43 bài báo Khoa học, có nhiều báo cáo tại các Hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Trong đó, nữ nhà khoa học sinh năm 1987 này là tác giả chính/tác giả liên hệ của 9 bài báo khoa học đăng trên Tạp chí quốc tế có uy tín (7 bài ISI, 01 bài ESCI, 1 bài SCOPUS), 1 bài đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện, 04 bài đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc tế, 01 bài đăng trong kỷ yếu hội nghị khoa học quốc gia, 10 bài báo khoa học trong nước.
Từ những chuyến đi thực địa, hiểu được nỗi vất vả của người nông dân trước thiên tai, bão lũ, nhiều công trình nghiên cứu của TS Ý Như đã hướng tới giúp bà con khắc phục được những khó khăn, thiệt hại. Trong đó, “Nghiên cứu xây dựng mô hình đánh giá thiệt hại do lũ đối với cây trồng nông nghiệp - Thử nghiệm áp dụng cho xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An” là công trình Như đã dồn nhiều tâm huyết.
Công trình đã cung cấp thông tin về ước tính thiệt hại do ngập lụt theo các cường độ khác nhau, theo các thời kỳ sinh trưởng của cây trồng nông nghiệp. Trên cơ sở đó, người dân có thể đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt gây ra, như điều chỉnh lịch thời vụ hoặc sử dụng phương pháp canh tác thích hợp.
“Chẳng hạn, với cây lúa, thời kỳ lúa đang non thì mức độ ảnh hưởng của lũ sẽ khác giai đoạn lúa đang trưởng thành hoặc chuẩn bị thu hoạch. Khi biết được điều này, người dân có thể điều chỉnh mùa vụ gieo trồng cho phù hợp, giảm thiểu tối đa thiệt hại do lũ lụt gây ra”, TS Ý Như cho hay.
Một công trình mà TS Ý Như cũng cảm thấy rất tâm đắc, đó là nghiên cứu “Dao động và biến đổi của dòng chảy tại một số lưu vực sông lớn ở Việt Nam dưới tác động của biến đổi khí hậu”. Thông qua các công cụ phân tích thống kê, công trình đã đưa ra được những nhận định về sự biến động chế độ dòng chảy dưới tác động của hoạt động con người đặc biệt là hoạt động hồ chứa.
Dữ liệu lịch sử cho thấy, dòng chảy xuất hiện theo chu kỳ 6 tháng, 1 năm và 8 năm. Nhưng dưới tác động của hồ chứa, chu kỳ biến động phức tạp, xuất hiện thêm nhiều chu kỳ dao động mới làm tăng độ phức tạp và biến động của dòng chảy.
Sự điều tiết nước từ các hồ chứa đã làm giảm đỉnh lũ và ổn định dòng chảy trong mùa khô, nhưng cũng có thể dẫn đến thay đổi về dòng chảy cơ bản và mực nước thấp nhất. Hoạt động hồ chứa còn làm thay đổi tương quan dòng chảy và mưa, khiến công tác quản lý nước và dự báo dòng chảy trở nên khó khăn hơn.
Công trình do Quỹ VINIF tài trợ, đạt loại xuất sắc này không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tác động của các hồ chứa đối với dòng chảy sông ngòi mà còn cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng các biện pháp quản lý nước hiệu quả hơn, góp phần giảm thiểu rủi ro do thiên tai và bảo đảm nguồn nước ổn định cho sinh hoạt và sản xuất.
"Thông qua những phát hiện này, cộng đồng có thể nâng cao khả năng ứng phó với những biến động bất thường, bảo vệ sinh kế và an toàn của mình trước những tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động phát triển kinh tế xã hội", TS Ý Như chia sẻ.
Đam mê nghiên cứu khoa học, là một nhà giáo, TS Ý Như lại truyền ngọn lửa nhiệt huyết đến với các học trò của mình. Mỗi ngày đến lớp với cô giáo Ý Như là một ngày vui khi được tương tác, trò chuyện với các sinh viên.
Có bề dày kinh nghiệm và kiến thức vững vàng, nhưng TS Ý Như không cho rằng mình đang truyền tải tri thức cho học trò mà chỉ là người dẫn dắt. Thông qua việc chia sẻ, trao đổi những trải nghiệm, cô giáo Ý Như muốn giúp các bạn sinh viên tiếp cận kiến thức sâu hơn. Điều đặc biệt, bản thân Như cũng học được nhiều điều từ sinh viên, thậm chí coi sinh viên chính là “thầy” của mình.
“Tôi học được rất nhiều thông qua cách các bạn sinh viên tương tác, đặt câu hỏi, phản ứng… tôi dần trau dồi thêm, làm sâu hơn kiến thức của mình. Cũng qua quá trình tiếp xúc với sinh viên, mà mình hiểu được vấn đề mà mình đang gặp phải, từ đó cải thiện, nâng cấp mình hơn.
Như vậy, khi làm việc với sinh viên, bắt buộc mình phải liên tục thay đổi để thích nghi và vượt qua giới hạn của bản thân. Ở một góc độ nào đó, các bạn sinh viên lại là thầy của tôi. Đây cũng chính là điều khiến tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi là một nhà giáo”, TS Ý Như chia sẻ.
Cũng từ ngọn lửa nhiệt huyết đó, TS Ý Như luôn mong muốn đem lại được những gì tốt nhất cho học trò của mình. Từ tháng 1/2022, khi đảm nhiệm vị trí Phó trưởng bộ môn, TS Ý Như đã cùng Ban lãnh đạo khoa và bộ môn hoàn thành kiểm định chương trình đào tạo bậc thạc sĩ Thuỷ văn học theo bộ tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) và đã được AUN chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế.
“Trở thành nhà giáo, nhà khoa học là sứ mệnh. Nếu chọn lựa lại, tôi vẫn sẽ đi theo con đường này”, TS Ý Như tâm sự. Thế nhưng, để theo đuổi được con đường này, là cả một quá trình nỗ lực, cố gắng không ngừng.
Có những chuyến đi thực địa, khảo sát nhiều điểm, khi về, trời đã tối, trong khi chỉ có mấy cô trò, toàn là nữ vẫn ở trên núi, xung quanh không một bóng người khiến cả nhóm hoang mang… Rồi những lần thất bại… Cũng có nhiều lúc, TS Ý Như cảm thấy chán nản, mệt mỏi. Tuy nhiên, có lẽ do môi trường sống nhiều trải nghiệm ngày thơ ấu đã tôi rèn trong Như một tinh thần, tính cách mạnh mẽ, quyết tâm kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng, không bao giờ bỏ cuộc.
“Nếu cảm thấy mệt tôi sẽ tạm dừng, đến khi ổn thì tiếp tục, làm lại. Tôi cũng không ngăn cảm xúc của mình, cứ để nó diễn ra, quan sát nó rồi tìm cách bước qua. Sau này, tôi biết cách chia nhỏ mục tiêu để hoàn thành từng bước. Điều đó, sẽ khiến tôi không bị “ngợp”, rơi vào trạng thái chênh vênh do không biết bắt đầu từ đâu. Tôi quan niệm, phải luôn sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc để không phải hối tiếc về bất cứ điều gì”, TS Ý Như tâm sự.
Điều trăn trở của TS Ý Như là hiện nay, làm thế nào thu hút được sinh viên vào học các ngành khoa học cơ bản, trong đó có tài nguyên nước. Đây là lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội đất nước. Nếu không có được đội ngũ kế cận, thiếu hụt nhân lực, sẽ có rất nhiều rủi ro.
Theo TS Ý Như, đầu tư cho khoa học cơ bản, dù đã có những cố gắng, vẫn chưa đáp ứng được mong đợi. Một nhà khoa học, nhà giáo không phải lo nghĩ đến “cơm áo gạo tiền” thì sẽ có nhiều thời gian, dành trọn tâm sức cho nghiên cứu và giảng dạy.
“Bản thân tôi cũng như tất cả các thầy cô trong bộ môn rất nỗ lực trong quá trình dạy, mong muốn mình có thể truyền được tình yêu, nhiệt huyết để các bạn sinh viên thấy yêu thích với nghề. Cùng với đó, tôi mong rằng, môi trường, đầu tư cho khoa học sẽ ngày càng được nâng lên”, Ý Như chia sẻ.
Tại Lễ Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và 40 năm thành lập bộ môn, Khoa Khí tượng, Thủy văn và Hải dương học (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) đã được đón nhận Bằng khen do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trao tặng.
Phát biểu tại buổi lễ, TS Ý Như xúc động cho biết: “Trong 40 năm qua Tập thể cán bộ Bộ môn đã công bố hơn 400 bài báo trong các tạp chí và hội thảo quốc gia, quốc tế. Mỗi thế hệ sinh viên, mỗi một thầy cô đều là một mắt xích không thể thiếu trong sự phát triển bền vững của Bộ môn”.
Chia sẻ về nữ tiến sĩ, nhà khoa học Nguyễn Ý Như, PGS.TS. Nguyễn Tiền Giang, Trưởng Khoa Khí tượng, Thủy văn và Hải dương học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, Ý Như là cán bộ trẻ, có tinh thần cầu thị và có quyết tâm lớn theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.
"Điểm mạnh ở TS Ý Như là sự quyết tâm thực hiện, nỗ lực để đạt mục tiêu. Khoa đã đề xuất với lãnh đạo Nhà trường để bổ nhiệm TS Như là Trưởng bộ môn Thủy văn và Tài nguyên nước trong thời gian sắp tới. Khoa tin tưởng TS Nguyễn Ý Như sẽ tiếp tục có kế hoạch, định hướng phát triển bộ môn một cách tốt nhất”.