Năm nay, trong bảng xếp hạng, Việt Nam có 15 trường, nhiều hơn năm trước 4 trường. Các trường lọt vào bảng xếp hạng gồm Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Duy Tân; Trường Đại học Tôn Đức Thắng; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Nguyễn Tất Thành; Trường Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh; Trường Đại học Huế; Đại học Bách Khoa Hà Nội; Trường Đại học Sư pham kỹ thuật Hồ Chí Minh; Trường Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Cần Thơ; Trường Đại học Giao thông - Vận tải; Trường Đại học Văn Lang; Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Thứ tự xếp hạng dựa trên các tiêu chí đánh giá như: Uy tín học thuật, Uy tín tuyển dụng, Tỷ lệ người nghiên cứu khoa học/người học, Số trích dẫn khoa học, Tỷ lệ người tham gia nghiên cứu khoa học quốc tế, Tỷ lệ người học quốc tế, Mạng lưới nghiên cứu quốc tế, Tỷ lệ có việc làm của người học tốt nghiệp, Phát triển bền vững.

Các cơ sở đại học đứng đầu bảng xếp hạng này gồm: Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) vẫn giữ vị trí số một như năm 2023, Đại học Hong Kong (Trung Quốc) đứng ở vị trí thứ hai, Đại học Quốc gia Singapore xếp thứ ba, cùng xếp thứ tư là Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore và Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc).

Lần đầu tham gia đánh giá, trường ĐH Giao thông vận tải đã lọt vào danh sách 15 cơ sở GD Đại học Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng uy tín này. Nhân dịp này VOV2 có bài phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải.

Phóng viên: Đây là lần đầu tiên Trường Đại học GTVT tham gia xếp hạng, vậy ông có tự tin là mình sẽ lọt vào bảng xếp hạng uy tín thế không?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Long: Trong tầm nhìn của mình, trường Đại học Giao thông Vận tải xác định trở thành trường đại học đa ngành theo định hướng nghiên cứu, khẳng định vị thế hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực giao thông vận tải, có uy tín và chất lượng ngang tầm châu Á.

Để đạt được mục tiêu này thì Nhà trường xác định việc tham gia đánh giá, xếp hạng là việc cần phải thực hiện. Vì đánh giá từ bên ngoài là một kênh thông tin rất hữu ích để trường hiểu rõ vị trí, điểm mạnh, điểm yếu của mình. Từ đó có những nghiên cứu, điều chỉnh trong các hoạt động để tự nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu theo hướng tiếp cận với thế giới.

Trong nhiều bảng xếp hạng thế giới, chúng tôi đã khảo sát và đánh giá bảng xếp hạng các trường ĐH thế giới QS là một bảng xếp hạng uy tín, công bằng, có các tiêu chí đánh giá hiện đại và phù hợp với nhu cầu và mục tiêu phát triển của nhà trường. Đây cũng là lý do mà trường ĐH GTVT đã xác định và lập kế hoạch tham gia bảng xếp hạng này. Qua các bước khảo sát, đánh giá nội bộ trước khi tham gia xếp hạng, chúng tôi có sự tự tin lớn vào việc sẽ được lọt vào danh sách các trường đại học uy tín trong khu vực châu Á của bảng xếp hạng này.

Phóng viên: Để tham gia bảng xếp hạng này, Trường đã có sự chuẩn bị thế nào?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Long: Với bảng xếp hạng các trường đại học thế giới của tổ chức QS, việc đánh giá một cơ sở giáo dục đại học được thưc hiện khách quan thông qua 11 chỉ số. Trong đó, các tiêu chí về “uy tín trong giới hàn lâm” và “uy tín với nhà tuyển dụng” được xác định thông qua ý kiến đánh giá của học giả và của nhà tuyển dụng có trọng số cao nhất, lần lượt là 30 và 20%. Các tiêu chí còn lại gồm tỷ lệ giảng viên/sinh viên (10%), tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ (5%), số bài báo khoa học/giảng viên (5%), tỷ lệ trích dẫn/bài báo khoa học (10%), mạng lưới nghiên cứu quốc tế (10%), tỷ lệ giảng viên quốc tế (2,5%), tỷ lệ sinh viên quốc tế (2,5%).

Có thể nói: “uy tín trong giới hàn lâm” và “uy tín với nhà tuyển dụng” là các tiêu chí quan trọng, quyết định vị trí của các trường đại học trong bảng xếp hạng này. Cá nhân tôi cho rằng hai tiêu chí này dù không phục vụ mục tiêu xếp hạng, thì cũng là những thông số rất quan trọng để đánh giá chất lượng nghiên cứu, đào tạo của đại học. Đặc biệt là các tiêu chí này cũng chỉ có thể đạt được thông qua một quá trình phát triển, tích lũy lâu dài và thực chất của trường đại học.

Để tham gia bảng xếp hạng này, tại trường ĐH GTVT, chúng tôi đã thành lập một ban Chỉ đạo và một tiểu ban nghiên cứu, có trách nhiệm nghiên cứu, tự đánh giá chất lượng của nhà trường theo các tiêu chí của Bảng xếp hạng; đồng thời xác định kế hoạch tương đối dài hạn với nhiều hoạt động để nâng cao chất lượng của nhà trường.

Đối với trường ĐH GTVT, chúng tôi đã chuẩn bị nhiều hoạt động hướng đến nâng cao một cách bền vững chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Về đào tạo: nhiều Chương trình đào tạo đã được kiểm định quốc tế. Về khoa học công nghệ, nhà trường có chính sách thúc đẩy công bố quốc tế; sẵn sàng đâu tư nhân lực, tài chính tổ chức các hội thảo KHCN quốc tế hàng năm, tích cực tham gia ứng dụng KHCN trong phục vụ cộng đồng.

Kết quả là cho đến nay: đã có 3 chương trình đào tạo cốt lõi của nhà trường đạt chuẩn kiểm định quốc tế AUN-QA và sẽ tiếp tục kiểm định 5 chương trình lõi nữa trong thời gian tới. Tạp chí khoa học của nhà trường đã được tích hợp trong hệ thống tạp chí Đông Nam Á ACI. Các hội thảo quốc tế được tổ chức thường xuyên, đặc biệt Hội thảo Quốc tế về phát triển bền vững trong GTVT (ICSCE) tổ chức 2 năm một lần đã trở thành một điểm đến quen thuộc của các nhà khoa học lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải thế giới.

Các chuyên gia của nhà trường tham gia xử lý các vấn đề kĩ thuật phức tạp của đất nước như sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã thành công, tạo ra tiếng vang lớn trong công đồng xã hội về uy tín khoa học của trường ĐH GTVT.

Bản thân Nhà trường cũng đã chủ động kết nối với các nhà khoa học, doanh nghiệp không chỉ trong phạm vi Việt Nam, mà mở rộng ra phạm vi khu vực châu Á và toàn thế giới; để chủ động trao đổi những thông tin đúng, chính xác về trường trên hệ thống website.

Các công việc chuẩn bị tích cực đó, không chỉ để phục vụ mục đích nâng cao thứ bậc trong các bảng xếp hạng quốc tế; mà còn đã thực sự nâng chất lượng đào tạo, nghiên cứu của trường lên một bước mới, tiệm cận với chuẩn thế giới. Các công việc này đã được đưa vào kế hoạch phát triển Nhà trường trong dài hạn và sẽ vẫn được tiếp tục, kể cả khi trường đã lot vào danh sách các trường đại học uy tín của bảng xếp hạng QS khu vực châu Á.

Phóng viên: Theo ông, việc tham gia xếp hạng sẽ giúp các cơ sở GDĐH nói chung, trường ĐH Giao thông vận tải nói riêng điều gì?

PGS.TS Nguyễn Ngọc Long: Việc tham gia xếp hạng một mặt giúp quảng bá hình ảnh, uy tín của các cơ sở giáo dục Đại học đến xã hội. Đây là phần nổi, nhưng phần quan trọng hơn, là giúp các cơ sở đại học tự đánh giá lại mình; biết điểm tốt, điểm mạnh; để cân nhắc trong mục tiêu định hướng phát triển và nguồn lực của mình có kế hoạch sắp xếp, điều chỉnh để đi đến hoàn thiện.

Với bản thân trường ĐH Giao thông Vận tải, việc tham gia lần đầu vào bảng xếp hạng uy tín của khu vực châu Á là niềm vui, là kết quả đáng mừng thể hiện năng lực khoa học công nghệ và đào tạo của nhà trường. Tuy nhiên, việc tham gia này cũng tạo lên nhà trường một sức ép mới để tiếp tục giữ và thăng hạng trên các bảng xếp hạng cho các năm sau.

Qua lần xếp hạng, cũng là đánh giá này, chúng tôi vui mừng nhận thấy những điểm mạnh của trường chính là uy tín trong giới học giả, uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp của nhà trường đang ở mức cao; đồng thời số lượng bài báo trên giảng viên cũng là một chỉ số đang có sự phát triển tốt. Tuy vậy: một số tiêu chỉ khác như tỷ lệ trích dẫn/bài báo khoa học, mạng lưới nghiên cứu quốc tế, tỷ lệ giảng viên quốc tế, tỷ lệ sinh viên quốc tế còn đang ở mức độ chưa được như kỳ vọng. Đây cũng sẽ là những tiêu chí mà nhà trường sẽ tiếp tục cải thiện trong giai đoạn sắp tới.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!