Một trận động đất mạnh 7,7 độ richter đã xảy ra ở Myanmar vào ngày 28/3. Tính đến tối 31/3, trận động đất đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và hơn 3.900 người bị thương, gần 300 người khác vẫn đang mất tích. Hạ tầng giao thông ở Myanmar sau thảm họa hứng chịu thiệt hại nặng nề.

Dù cách tâm chấn khoảng 1.000km, thủ đô Bangkok (Thái Lan) vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề, với rung chấn mạnh làm sập một tòa nhà 30 tầng đang trong quá trình xây dựng, số người chết từ vụ việc tính đến nay đã là 12 người, với 75 người vẫn đang mất tích.

Tại Việt Nam, người dân ở nhiều khu chung cư, văn phòng cao ốc ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, cảm nhận rõ rung chấn của động đất.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh – Giám đốc Trung tâm báo tin động đất cảnh báo sóng thần, Viện Các Khoa học Trái đất, có hiện tượng này là do khi trận động đất đủ lớn xảy ra, quanh vùng tâm chấn thường ảnh hưởng mạnh nhất, khoảng cách với tâm chấn càng xa thì rung động càng yếu. Bên cạnh đó, nền đất (môi trường truyền sóng) mỗi nơi mỗi khác nên độ rung lắc cũng khác nhau. Các công trình nhà cao tầng cũng dễ cảm nhận chấn động hơn nhà thấp tầng.

Khi động đất xảy ra, điều quan trọng nhất là giữ bình tĩnh và làm theo các biện pháp an toàn để bảo vệ bản thân:

- Nếu đang ở trong một tòa nhà có kết cấu vững chắc: Bạn nên bảo vệ cơ thể khỏi các tấm đổ vỡ bằng cách bám chặt vào một khung cửa hoặc chui xuống một cái bàn nào đó. Tuyệt đối không sử dụng thang máy, nếu cần thiết hãy sử dụng thang bộ.

- Nếu đang ở bên ngoài hãy chạy ngay tới vùng đất trống. Tránh xa các đường dây điện, cột điện, đường ống dẫn nhiên liệu tường và các công trình xây dựng khác hoặc có khả năng bị đổ hoặc sụp xuống.

- Tránh xa các tòa nhà cao tầng.

- Nếu đang lái xe, hãy cố gắng lái vào bên đường và dừng lại, không cố chui qua hoặc vượt qua những cây cầu vì chúng có thể bị sụp.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh cũng cho rằng ở nước ta, thiên tai là hiểm họa thường xuyên xảy ra. Vì thế trong chương trình giáo dục từ bậc mầm non, tiểu học cũng nên đưa vào các kỹ năng về phòng chống không chỉ thiên tai động đất mà những thiên tai hay xảy ra ở Việt Nam như giông sét, mưa lũ. Trang bị kiến thức, kỹ năng từ nhỏ cũng là cách để chúng ta nâng cao nhận thức người dân của sau này ứng phó với những hoạt động. Chúng ta cũng nên có diễn tập phòng chống động đất, đặc biệt là ở những nơi có nguy cơ cao.

Sau khi xảy ra động đất, người dân cần xem xét tất cả các yếu tố để đảm bảo tính an toàn như tình trạng sụp đổ của công trình, thông tin của cơ quan chức năng rằng liệu có tiếp tục dư chấn hay không?

"Trận động đất Myanmar vừa rồi thì về cơ bản chấn động chính mới gây ảnh hưởng đến Việt Nam, còn các chấn động khác không đủ lớn để gây ảnh hưởng đến Việt Nam nên mọi sinh hoạt lại có thể trở lại bình thường." - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh nêu ví dụ.