Người dân Hà Nội thả cá tiễn ông Công, ông Táo về trời
[VOV2] - Trong sáng 14/1 (23 tháng Chạp), người dân Hà Nội đã đến các địa điểm quen thuộc như Hồ Tây, cầu Long Biên… để thả cá tiễn ông Công, ông Táo về Trời.
Sáng 14/1 (tức 23 tháng Chạp) nhiều gia đình Việt chuẩn bị lễ tiễn ông Công, ông Táo về trời. Đây là một nét văn hóa tín ngưỡng của người Việt, được lưu truyền trong dân gian từ nhiều đời nay.
Theo ghi nhận của phóng viên VOV2, ngay từ sáng sớm, nhiều bạn trẻ thuộc nhóm “Đường Táo quân” đã có mặt trên cầu Long Biên để tuyên truyền vận động người dân thả cá đừng thả túi ni lông.
Hoạt động này diễn ra thường niên nhằm giúp đỡ và tuyên truyền cho người dân thả cá, không thả túi ni lông để bảo vệ môi trường.
Trong tâm thức người Việt, “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức vươn tới thành công, hướng đến một kết quả tốt đẹp.
Phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa, mà còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam.
Nhóm tình nguyện viên sử dụng xô nhựa và dây ròng rọc để thả cá.
Tại cầu Long Biên, rất nhiều tình nguyện viên chăng khẩu hiệu "Thả cá đừng thả túi ni lông".
Đây là mùa thứ 10, nhóm Đường táo quân hỗ trợ người dân thả cá và tro trên cầu. Nguyễn Quỳnh Diệp – Phó ban tổ chức chia sẻ: “Năm nay nhóm đã tăng điểm hỗ trợ thả cá lên thành con số 7 để có thể kịp thời những người có nhu cầu. Thứ hai, nhóm tăng số lượng tình nguyện viên lên thành 200 người để chạy hết công suất. Nhóm cũng thiết kế 1 boot check-in siêu dễ thương để tạo không khí thoải mái vui tươi cho mọi người”.
“Qua hoạt động này, nhóm Đường Táo quân mong muốn nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác hại nhựa và túi nilon để thủ đô của chúng ta ngày càng xanh, sạch đẹp hơn” Nguyễn Quỳnh Diệp – Phó ban tổ chức nhóm Đường táo quân 2023 cho biết thêm.
Nhiều người dân nhiệt tình ủng hộ giao cá cho các tình nguyện viên thả xuống sông.
Anh Nguyễn Trọng Cường (Hai Bà Trưng, HN): “Phong tục thả cá truyền thống của người dân từ bao đời, mình xuất phát từ cái tâm nên năm nào tôi cũng thắp hương và thả cá. Bao nhiêu năm nay, cây cầu Long Biên này đã gắn với kỷ niệm của người Hà Nội, việc làm của các cháu rất ý nghĩa. Nhóm chuẩn bị sẵn xô, hỗ trợ thả cá, thu gom túi nilon giúp cho việc bảo vệ môi trường.
Tại Hồ Tây (Hà Nội), nhiều người mang cá chép đến thả để tiễn ông Công ông Táo về trời. Đa phần người dân đều có ý thức khi chỉ phóng sinh cá, không vứt túi ni lông xuống hồ.
Các túi ni lông, lư hương được tập kết trên bờ để vào bao tải tiện cho việc vận chuyển đi và tiêu huỷ. Túi nilon rửa rạch có thể tái sử dụng, điều này bớt đi công việc dọn dẹp cho người khác, tránh ô nhiễm môi trường.
Cũng trong ngày tiễn ông Công, ông Táo về trời, nhiều gia đình đưa con nhỏ đi cùng để hiểu thêm về nét văn hóa này.
Tết ông Công ông Táo là một nét đẹp truyền thống văn hóa của người Việt. Truyền thống ấy sẽ văn minh hơn khi đảm bảo được vệ sinh môi trường.