Dự thảo Luật Nhà giáo đang trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV.

Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất là giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao.

Các cơ quan quản lý giáo dục dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo.

Bước tiến quan trọng nếu ngành Giáo dục được quyền tuyển giáo viên

Đại biểu Thái Văn Thành, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, đề xuất này là một bước tiến quan trọng bởi hiện đang tồn tại những khó khăn, bất cập trong công tác quy hoạch phát triển đội ngũ; trong tuyển chọn, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, xếp loại, thực hiện chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên.

Hiện nay, chức năng nhiệm vụ của Phòng Nội vụ có quy định trong Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 là “quản lý nhân sự”. Vì vậy hầu hết UBND cấp huyện giao cho phòng Nội vụ chủ trì tham mưu Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc tuyển dụng, tiếp nhận, điều chuyển, bổ nhiệm nhà giáo.

"Điều này hạn chế vai trò tham mưu của Phòng GD-ĐT về chuyên môn dẫn đến hiện tượng thừa - thiếu cục bộ; việc bố trí đội ngũ về số lượng, chất lượng, cơ cấu... phụ thuộc trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện; cơ chế thực hiện ở mỗi huyện cũng khác nhau, điều kiện phương tiện, môi trường làm việc cũng khác nhau", đại biểu Thái Văn Thành nói.

Cũng theo đại biểu Thái Văn Thành, các văn bản Luật và Nghị định không có quy định thuyên chuyển viên chức giữa các đơn vị trực thuộc; khi điều động viên chức từ đơn vị thừa sang đơn vị thiếu phải điều động biệt phái; viên chức biệt phái hưởng lương ở đơn vị cử đi có bất cập khi giữa các đơn vị có sự chênh lệch về chế độ chính sách như ưu đãi, khu vực, các khoản đóng góp nghĩa vụ ở đơn vị đến…

Việc quy định phân cấp quản lý dẫn đến không thực hiện được việc điều động giáo viên từ huyện này sang huyện khác để bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu; khó khăn trong việc tiếp nhận giáo viên từ huyện này sang huyện khác, tỉnh này sang tỉnh khác để tạo điều kiện cho giáo viên được yên tâm công tác, hợp lý hóa gia đình.

Đại biểu Thái Văn Thành cho rằng, khi được giao quyền chủ động trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển chuyên môn nghiệp vụ cho nhà giáo, ngành Giáo dục sẽ xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo cơ cấu, chất lượng nguồn tuyển.

"Khi được giao quyền ngành Giáo ngành giáo dục sẽ tuyển được đội ngũ nhà giáo có chất lượng. Bởi trong dự thảo Luật xác định nhà giáo là ngoài ý kiến thức, kỹ năng như quy định chung của Luật viên chức thì đối với nhà giáo cần kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm, thực hành sư phạm. Khâu thực hành sư phạm rất quan trọng, nó gắn với đặc trưng sư phạm của nghề học", Đại biểu Thái Văn Thành phân tích thêm.

Bàn về đề xuất này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng, việc giao thẩm quyền cho Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ giúp ngành chủ động trong xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý; từ đó nắm tổng thể đội ngũ, dự báo nhu cầu, cân đối hợp lý các khâu tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng; điều tiết giáo viên kịp thời, hợp lý.

"Như vậy, có thể khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ đã và đang diễn ra trong thực tiễn thời gian qua; đồng thời góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo bảo đảm đủ về số lượng, chuẩn về chất lượng và đồng bộ về cơ cấu", đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nói.

Lần đầu tiên vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập

Dự thảo Luật Nhà giáo áp dụng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Lần đầu tiên, vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập đầy đủ, đồng bộ với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế hợp đồng lao động.

Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức đặc biệt. Theo đó, nhà giáo công lập vẫn là viên chức, thực hiện các quy định của Luật viên chức (tuyển dụng, sử dụng, quản lý, hệ thống thang bảng lương…) và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đồng thời chịu sự điều chỉnh của các quy định đặc thù đối với nhà giáo tại Luật này.

Nhà giáo ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài là người lao động đặc biệt, áp dụng theo quy định của Bộ luật Lao động và thêm những quy định đặc thù của nhà giáo tại Luật này.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đồng tình trong việc thống nhất quản lý cả đội ngũ giáo viên công lập và ngoài công lập. Khi vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập đầy đủ, đồng bộ với tư cách nhà giáo chứ không chỉ là người lao động theo cơ chế hợp đồng lao động sẽ đảm bảo quyền lợi của đội ngũ nhà giáo này.

"Điều này đảm bảo sự công bằng giữa giáo viên công lập và ngoài công lập, dù làm việc ở khu vực nào thì cũng được ứng xử như nhau, hưởng chế độ chính sách như nhau", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, khi vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập đầy đủ cũng tạo sự yên tâm hơn cho phụ huynh về chất lượng đội ngũ nhà giáo ngoài công lập và chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên:

"Việc quản lý biên chế còn chồng chéo giữa cơ quan Nội vụ và Giáo dục. Ngành Giáo dục được giao tổng biên chế trong khi thẩm quyền tuyển dụng lại thuộc cơ quan Nội vụ. Theo quy định phân cấp hiện nay, sở GD-ĐT trực tiếp quản lý đội ngũ cán bộ, viên chức giáo viên và học sinh cấp THPT, các trường PTDT Nội Trú THPT trên địa bàn, các cấp học còn lại trực thuộc chức năng nhiệm vụ phòng GD-ĐT cấp huyện do UBND cấp huyện trực tiếp quản lý.

Do đó, ngành Giáo dục không chủ động được việc phân bổ, điều động, bố trí sử dụng (tuyển dụng, biệt phái…) biên chế giáo viên, nhất là giáo viên thuộc cấp học THCS, Tiểu học, giáo dục Mầm non để thực hiện nhiệm vụ hằng năm giữa các địa phương trong tỉnh.

Ví dụ: Trường Mầm non A thuộc huyện B năm học 2024-2025 thiếu giáo viên, nhưng ngành không thể điều động hay luân chuyển được đội ngũ giáo viên Mầm non của huyện C tăng cường, do thẩm quyền quản lý, cũng như chính sách do phòng GD&ĐT và UBND huyện C quản lý.

Do vậy, cần xem xét việc phân cấp quản lý đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo sự thống nhất trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo từ trung ương đến địa phương. Trong đó, giao thẩm quyền cho Sở GD-ĐT chủ trì quản lý nhà giáo trên địa bàn cấp tỉnh, cơ cấu lại tổ chức, tăng số lượng biên chế quản lý nhà nước cho phòng GD-ĐT cấp huyện; trường hợp cần thiết phải điều tiết nhà giáo trên phạm vị toàn quốc thuộc thẩm quyền của Bộ GD-ĐT".