[VOV2] - Vu Lan - mùa báo hiếu, nghi lễ của Phật giáo đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt từ nhiều năm nay.
Cứ mỗi dịp tháng 7, nhiều ngôi chùa trên địa bàn thành phố Hà Nội đón nhận rất nhiều tấm lòng của các Phật tử, những bạn trẻ đi lễ chùa.
Phủ Tây Hồ (Quảng An - Tây Hồ - Hà Nội) xưa nay vốn nổi tiếng bởi sự linh thiêng trong tâm niệm của nhiều người. Đây là nơi thờ công chúa Liễu Hạnh và được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17.
Là nơi linh thiêng nên phủ Tây Hồ được nhiều người đến cúng lễ và cầu phúc, cầu lộc vào những ngày lễ quan trọng trong năm.
Người dân đi lễ chùa không mâm cao cỗ đầy, mà chỉ nén hương, gói bánh, oản... thể hiện một lòng cung kính.
Tại chùa Quán Sứ, nhiều phật tử có mặt từ sáng sớm để làm lễ, tưởng nhớ về ân đức sinh thành, dưỡng dục, hướng tâm về cha mẹ, tổ tiên.
Lễ Vu Lan báo ân cha mẹ, đồng thời còn mang ý nghĩa tìm về cội nguồn là biết ơn và báo ơn.
Vào dịp này, mọi người thường cúng bái cầu xin cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất được siêu thoát. Đây là nét văn hóa và nhân bản của lễ Vu lan - mùa báo hiếu.
Cùng với mâm cúng lễ Vu lan truyền thống, chị Nguyễn Phương Thảo (Long Biên, Hà Nội) còn làm 3 mâm cỗ gồm hoa mẫu đơn, mâm quả thị và mâm xôi bày tỏ lòng thành kính đối với các bậc tổ tiên, sinh thành.
Mâm cỗ đơn giản nhưng được bài trí gọn gàng và đẹp mắt, thể hiện sự thành tâm của người con trong mùa Vu lan báo hiếu.
Theo quan niệm của người Việt, ngày lễ Vu lan là dịp để mỗi người sống chậm lại, tạm gác lại những lo toan thường nhật, hướng lòng thành kính về đấng sinh thành, người đã ban cho chúng ta cuộc sống trên cõi đời này.