Cụ Nguyễn Thị C, sinh năm 1921 (ở xã Nhân La, Kim Động, Hưng Yên) mắc COVID-19 trên nền bệnh tật phức tạp, sau quá trình điều trị tích cực nay đã khỏi bệnh ngoạn mục và gửi lời cảm ơn tới tất cả các y bác sĩ hồi sinh sự sống cho cụ.
Cụ C. có tiền sử tăng huyết áp, suy tim và chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. Bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 12/11/2021 trong tình trạng viêm phổi do SARS-CoV-2 kèm suy hô hấp, phải thở oxy kính 5 lít/phút.
Theo các bác sĩ, bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên, là bệnh nhân điều trị phù phổi cấp, suy tim tại đây.
BS. Nguyễn Nguyên Huyền - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, lúc nhập viện, bệnh nhân C. không thể đi vệ sinh được, nhân viên y tế phải đóng bỉm và chăm sóc, theo dõi hết sức cẩn thận với phác đồ điều trị tối ưu.
Sau 14 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sức khỏe của cụ bà đã hồi phục ngoạn mục. Ngày 25/11/2021, bệnh nhân được xuất viện trở về gia đình.
Chia tay cán bộ và nhân viên Khoa Nội Tổng hợp để trở về với gia đình, cụ C. vui mừng khôn xiết, gửi lời cảm ơn Đảng, Nhà nước và các y, bác sĩ đã cứu giúp cụ thoát khỏi căn bệnh nguy hiểm để trở về với con cháu.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là tuyến cuối điều trị bệnh nhân COVID-19 ở miền Bắc. Tính đến sáng 25/11, bệnh viện đang điều trị 406 F0. Trong đó 70 ca nặng, nguy kịch, gồm: 3 bệnh nhân điều trị ECMO (hệ thống tim phổi ngoài cơ thể), 9 người lọc máu, 5 người thở oxy dòng cao HFNC, 31 người thở oxy và 34 người thở máy xâm lấn.
Cũng theo thông tin từ bệnh viện, mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã khởi động nghiên cứu đa quốc gia Thử nghiệm RECOVERY – đánh giá ngẫu nhiên các liệu pháp điều trị COVID-19. Đây là nghiên cứu hợp tác giữa bệnh viện và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam.
Thử nghiệm RECOVERY đang được tiến hành tại 188 bệnh viện tại Vương quốc Anh, Nepal, Indonesia, Ghana và Việt Nam. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là một trong hai bệnh viện tại Việt Nam tham gia thử nghiệm lâm sàng này (cùng với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh). Thử nghiệm lâm sàng này nhằm xác định các phương pháp điều trị làm giảm nguy cơ tử vong ở những bệnh nhân nhập viện do nghi ngờ hoặc xác định nhiễm COVID-19.
Nghiên cứu được thiết kế để có hiệu suất cao để đưa ra các ước tính chính xác về tác động của các phương pháp điều trị cụ thể đối với nguy cơ tử vong. Khi có bằng chứng từ các nghiên cứu quy mô nhỏ về giá trị khả dĩ, các can thiệp điều trị mới sẽ được đưa vào thử nghiệm. Mặc dù ban đầu thử nghiệm RECOVERY chỉ được thực hiện tại Vương quốc Anh, nhưng cho đến nay thử nghiệm đã được mở rộng đến các quốc gia khác, dựa trên mạng lưới hợp tác và nghiên cứu lâm sàng được thiết lập tốt, và điều này sẽ đảm bảo kết quả của thử nghiệm có tính liên quan toàn cầu.
Với hơn 44.500 bệnh nhân được tuyển chọn vào nghiên cứu cho đến nay, RECOVERY đã cung cấp dữ liệu chính xác chứng minh hiệu quả của dexamethasone, tocilizumab và một hỗn hợp các kháng thể CoV (Regeneron) trong việc giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân nhập viện, và chứng minh rằng hydroxychloroquine, azithromycin, lopinavir-ritonavir, aspirin, colchicine và huyết tương dưỡng không hiệu quả. Những kết quả này đã tác động đến Tổ chức Y tế thế giới và các hướng dẫn quốc gia về điều trị COVID-19. Các phương pháp điều trị hiện đang được đánh giá bao gồm corticosteroid và empagliflozin liều cao, trong đó tại Việt Nam chỉ đánh giá phương pháp điều trị với corticosteroid liều cao.
Nghiên cứu sẽ thu tuyển 250 bệnh nhân COVID-19 mức độ vừa và nặng. Ngày 19/11/2021, hai bệnh nhân nhiễm COVID-19 đang điều trị tại khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2) là những bệnh nhân đầu tiên đã được thu tuyển vào nghiên cứu.
(Theo suckhoedoisong.vn)