Nằm nép mình giữa ngôi chợ Mỹ Tho (TP Mỹ Tho-tỉnh Tiền Giang) rộng lớn, xe chè bà Ba là điểm đến quen thuộc của nhiều thế hệ người dân sinh sống nơi đây suốt 75 năm qua. Cụ Bùi Thị Be năm nay đã 88 tuổi, cụ được xem như là huyền thoại bán chè ở Mỹ Tho bởi cụ đã gắn bó với xe chè của mình gần tròn một thế kỷ. Người dân nơi đây thường gọi cụ với cái tên thân thuộc là cụ Ba chè.

Chè bà Ba nổi tiếng với 3 món đặc trưng là chè thưng, chè đậu trắng và khoai mì nấu đường. Món chè thưng của bà khác biệt ở chỗ có thêm táo tàu chua chua ngọt ngọt, chè đậu trắng thì béo bùi hòa quyện với nếp thơm còn khoai mì nấu đường gây nghiện bởi độ dẻo ngon của khoai mì.

Để có được món chè thơm ngon nức tiếng, bà Ba phải thức giấc từ lúc 2h sáng chuẩn bị nguyên liệu và nấu chè. Đúng 7 giờ bà sẽ có mặt ở một góc chợ, nhìn dòng người tấp nập qua lại và bắt đầu rao: “Chè đây”, “Chè thưng không con ơi”. Tiếng rao cứ thế ngày qua ngày vang lên và dần trở thành một âm thanh quen thuộc ở khu chợ rộng lớn này.

Bà kể: “Hồi đó bà bán gánh cái sau này bà Ba lớn tuổi bà Ba gánh hết nổi rồi bà làm cái xe bà đẩy”. Bà kể tiếp: “Mưa bà Ba che dù, bận áo mưa. Như mấy bữa bão bà Ba cũng có bán nữa. Mưa mình cũng ráng đi bán chứ con. Mình ở nhà sao được, sống nó chật vật lắm. Mình còn làm được ngày nào thì làm, ở nhà nhiều khi không có gì làm sợ bệnh. Nhiều khi bà cũng buồn lắm nhưng bà phải ráng cố gắng lên”.

Nhưng mấy ai biết được ẩn sau nụ cười móm mém đầy lạc quan ấy là một cuộc đời đầy vất vả. Cha bỏ đi từ khi bà còn là một đứa con nít thơ dại, mẹ cũng lập gia đình mới sau đó không lâu, để lại bà Ba cho bà ngoại nuôi nấng. Tuổi thơ của bà Ba gắn liền với những ly chè thơm ngon của bà ngoại. Đến năm 13 tuổi, bà Ba quyết định “học nghề” làm chè từ người bà rồi ra đời mưu sinh.

Lớn lên, bà Ba lấy chồng và có hai người con nhưng chẳng may chồng qua đời vì tai nạn giao thông khi bà vừa tròn 31 tuổi. Từ đó, bà một thân một mình gồng gắng nuôi hai đứa con thơ. Kể về cuộc đời lắm gian truân của mình, bà Ba không kìm nén được cảm xúc mà rơi nước mắt: “Đó giờ bà sống không có đầy đủ như người ta. Bà khổ lắm.”.

Theo Tố Uyên/VOV.VN