Theo cụ Đỗ Văn Lan ở thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, nghề làm nón ngựa ở làng đã hình thành ít nhất 300 năm, chiếc nón ngựa Phú Gia từng theo nghĩa quân Tây Sơn ngày xưa vào Nam ra Bắc.

Nhắc đến nón ngựa Phú Gia, không ít những vị cao niên hoài niệm về hình ảnh các lý trưởng, chánh tổng ngồi trên lưng ngựa, đội nón chụp bạc trên các nẻo đường ở làng quê Bình Định thời xa xưa. Hình ảnh này đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, được miêu tả đầy hóm hỉnh trong ca dao: Thầy Chánh nón chụp bạc, áo tam gian/Cưỡi ngựa qua làng con gái chạy te/Thầy Lý nón ngựa áo the/Chẳng sợ ngựa đè mà sợ bóng quan…

Cụ Lan cũng theo nghề làm nón ngựa gần 60 năm. Từ nhỏ, cụ đã học nghề làm nón với ông nội của mình, sau đó là với cha và mẹ. Sau năm 1975, cụ Lan tự sản xuất nón và bán tại chợ nón Gò Găng, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Ngày nay, cơ sở làm nón ngựa của cụ Lan ở làng Phú Gia rất nổi tiếng ở Bình Định. Tại đây, nón ngựa được sản xuất bán cho thương lái, bán theo đơn đặt hàng và bán tại chỗ để phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế. Cơ sở làm nón ngựa của cụ Lan ở làng Phú Gia thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan

Nguyên liệu chính để làm nón ngựa Phú Gia gồm: lá kè (lá cọ), cây giang, rễ dứa và chỉ thơm... Để làm chiếc nón ngựa, cụ Lan phải trải qua 10 công đoạn chính và 2 công đoạn phụ. Trong đó, 4 công đoạn quan trọng nhất là tạo sườn mê, thắt nan sườn, thêu hoa văn trên sườn và lợp lá cho nón.

Theo cụ Lan, đặc trưng của nón ngựa Phú Gia là trên đỉnh nón có chụp bằng đồng hay bạc. Thân nón dành cho phái nam thường được thêu hoa văn long lân quy phụng, lưỡng long tranh châu, ngũ long tranh châu... Còn nón dành cho phái nữ thường được thêu ngũ phụng, mai, lan, cúc, trúc hoặc những cảnh vật, hoa lá… Ngày xưa, những người có chức sắc khác nhau thì các mẫu họa tiết sẽ được thêu khác nhau.

Từ xưa cho đến giờ, gia đình ông làm 2 loại nón ngựa. Loại khuôn nón trủm, tức giống chiếc nón bình thường bây giờ, dành cho người bình dân đội. Loại khuôn nón trảng, tức lòng nón không sâu như nón thường, trên chóp có gắn chụp đồng hay chụp bạc, có ngù ở trên, dành cho quan lại đội. Bây giờ, cả 2 loại nón này đều là những sản phẩm dành cho khách du lịch.

Từ nghề làm nón ngựa, cụ Đỗ Văn Lan nhận được nhiều giấy khen, bằng khen. Năm 2020, nón ngựa của gia đình cụ Lan được công nhận là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP của tỉnh Bình Định...

Theo Thanh niên