Còn đó những tâm tư của người già
Số người cao tuổi ngày càng tăng chứng tỏ chất lượng cuộc sống đã được nâng cao gấp nhiều lần so với trước đây. Thế nhưng, đây đó trong cuộc sống thường nhật vẫn còn đó những nỗi niềm của người cao tuổi:
“Mong nhất là khỏe mạnh, 2 nữa là có kinh tế để con nó đỡ phải phục vụ. Bây giờ chân tôi vẫn nhức, lúc nó nhức ở ống đồng, lúc nó đau ở bên hông, nhiều khi không ngủ được nhưng vẫn cố nhịn. Sợ nhất là đi bệnh viện mà không có tiền, là gánh nặng cho các con. Mong có kinh tế nhưng lại chẳng biết làm gì bây giờ…” - chia sẻ của cụ Trần Thị Toan, 84 tuổi ở khu dân cư số 5, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
“Lo lắng nhất của tôi bây giờ là kinh tế, vì con cháu không nuôi được, tôi phải nương nhờ mỗi người 1 chút. Cuộc sống rất eo hẹp, chỉ có 3 triệu một tháng lại phải san cho cháu, trong khi bản thân lại ốm yếu, bệnh tật tuổi già” - ông Hoàng Văn Nhuận, 73 tuổi ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội ngậm ngùi.
Những nỗi niềm khiến ai nghe cũng phải xót xa. Thế nhưng, xót xa hơn là điều đó không phải hiếm gặp, nếu không nói là vẫn thường gặp trong cuộc sống. Bởi có tới gần 66% người cao tuổi nước ta hiện nay đang có ít nhất từ 1 đến 3 bệnh mạn tính, cần được chăm sóc sức khỏe thường xuyên và hơn 4 triệu người cao tuổi có nhu cầu hỗ trợ hàng ngày. Trong khi đó thực tế hiện nay, mô hình gia đình 3-4 thế hệ giảm dần, gần 30% người cao tuổi sống một mình hoặc chỉ sống cùng vợ/chồng cũng là người cao tuổi hoặc cháu dưới 10 tuổi.
Song song với đó là tình trạng kinh tế khó khăn bởi đa số người cao tuổi chưa có tích lũy, hoặc có thì cũng đã chia hết cho con cái mà không để lại “dưỡng già”. Thế nên, đến khi về già họ chẳng còn lại gì cho riêng mình, phụ thuộc phần lớn vào con cái. Niềm hạnh phúc của tuổi già sau cả đời lao động động vất vả là được an nhàn, nghỉ ngơi, hưởng thụ sự chăm sóc của con cái nhưng với nhiều người cao tuổi, đó có lẽ vẫn là điều khá xa vời.
Làm thế nào để giảm bớt những nỗi niềm, những suy tư của người già?
Theo bà Phạm Tuyết Nhung, Quyền Trưởng Ban Đối ngoại, phụ trách các dự án cộng đồng về người cao tuổi, Hội NCTVN, ngoài việc đẩy mạnh các chính sách, mô hình chăm sóc người cao tuổi, có lẽ cũng cần tính đến chuyện đưa nhóm NCT vào nhóm ưu tiên được bảo vệ. Cùng với đó, nâng cao nhận thức xã hội về nhu cầu, vị trí, nguồn lực của người cao tuổi, giúp NCT có được cuộc sống tuổi già chất lượng hơn”.
“Cũng qua đây để người cao tuổi được nâng cao hiểu biết, tự tin và chủ động hơn trong cuộc sống. Mấu chốt quan trọng nhất là chuẩn bị tâm thế chủ động đón nhận tuổi già” – bà Phạm Tuyết Nhung nhấn mạnh.
Tuổi già chủ động – chìa khóa quan trọng
Có một quan niệm mang ý nghĩa tích cực đó là: “Không quan trọng là chúng ta sống lâu bao lâu mà quan trọng là chất lượng cuộc sống của chúng ta như thế nào”. Chính từ lẽ đó, nhiều người cao tuổi đã có kế hoạch từ rất sớm chuẩn bị tâm thế để có một tuổi già tích cực chủ động.
“Thanh niên tuổi 85” là danh hiệu vui mà bà con dân phố thân mật gọi cụ Nguyễn Văn Thuận, 85 tuổi ở phường Khương Trung, Hà Nội. Dù đã nghỉ hưu hơn 30 năm nay, cụ vẫn tích cực tham gia công tác Hội Thanh niên xung phong và Hội người cao tuổi của phường. Hàng ngày bà con dân phố vẫn bắt gặp hình ảnh quen thuộc của cụ Thuận khi thì cùng đôn đốc quét đường, thu gom rác đúng giờ, đúng nơi quy định, khi lại vui vẻ trong các hoạt động văn hóa văn nghệ và không ngày nào vắng bóng ở phòng đọc tại Nhà sinh hoạt cộng đồng của khu dân cư số 5.
“Bí quyết của tôi là đầu óc thanh thản, luôn luôn rèn luyện thể dục thể thao, ngày nào cũng đọc sách báo để trau dồi trí tuệ, trí nhớ, sống ngày nào vui vẻ ngày nấy” - Cụ Thuận chia sẻ.
Cụ bà mất gần 30 năm nay nhưng cụ Thuận cũng không sợ cô đơn bởi còn có con cháu xum vầy, có tình làng nghĩa xóm và có cộng đồng người cao tuổi trong khu dân cư. Để có được tinh thần tích cực như vậy, theo cụ Thuận, quan trọng nhất là bản thân mình phải có kế hoạch và quyết tâm thực hiện theo kế hoạch đã định ra.
Bà Nguyễn Khánh Ngân, 75 tuổi, chi hội trưởng chi hội Người cao tuổi số 5 phường Khương Trung cũng cùng chung quan điểm sống với cụ Nguyễn Văn Thuận. Kế hoạch của bà Ngân được đặt ra khá đơn giản, đó là sống khỏe: “Tôi nghĩ là người già sống khỏe mạnh cũng là một cách giúp con cháu chứ không phải làm gì to tát mới là giúp. Khi mình sống khỏe mạnh tích cực thì con cái cũng yên tâm công tác, yên tâm thực hiện trách nhiệm với xã hội”.
Theo bà Khánh Ngân, tuổi già cũng có nhiều điều tuyệt vời đáng mong đợi. Với quỹ thời gian nhiều, người già có thể bắt đầu một sở thích mới, học những kỹ năng mới. Bên cạnh đó, càng già đi, trải nghiệm và quan điểm sống càng dày lên, sâu sắc hơn, đó là một lợi thế của quá trình lão hóa...
Và theo nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Trai, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ, “chủ động đón nhận tuổi già” sẽ giúp mỗi người tránh được tâm lý hụt hẫng khi bước vào tuổi xế chiều, cũng như có được sự tự tin để không là gánh nặng cho con cái: “Từ lúc đang đi làm tôi đã nghĩ đến khi nghỉ hưu mình sẽ làm gì? Tất nhiên là sức khỏe kém đi tuổi tác khác đi thì mình phải lựa chọn việc làm phù hợp. Và để tuổi già chủ động thì có 2 yếu tố phải chuẩn bị, một là về sức khỏe (cả thể chất lẫn tinh thần), thứ hai là chuẩn bị về mặt kinh tế. Cũng không cần phải to tát gì đâu, nhưng cơ bản là mình phải có kế hoạch, chi tiêu tiết kiệm ngay từ khi còn trẻ. Làm sao để về già mình có một chút để chủ động không hoàn toàn phụ thuộc vào con cái”.
Với tâm niệm sống đó, bà Ngọc Trai, năm nay đã 89 tuổi nhưng vẫn luôn là một người giàu năng lượng tích cực. Không những thế, bà còn lan tỏa, truyền đi năng lượng đó tới những người già khác quanh mình.
Nhắc đến tuổi già, có thể nhiều người sẽ nghĩ đến hình ảnh một người thiếu sức sống, sức khỏe tinh thần, thể chất suy giảm, cơ hội nghề nghiệp và xã hội hạn chế, cô đơn, mất phương hướng. Song, rất nhiều người cao tuổi tích cực đã đem đến một cái nhìn khác về tuổi già. Họ sống một cuộc sống khỏe mạnh, vui vẻ, ý nghĩa và vẫn giữ vai trò tích cực trong xã hội bởi họ đã chuẩn bị tâm thế để có một “tuổi già chủ động”.
Mời các bạn nghe file âm thanh dưới đây: