Theo tiếng đám trẻ con ríu rít chỉ trỏ, không khó khăn để chúng tôi tìm thấy căn nhà cấp bốn khang trang, sạch sẽ của già A In - cây đại thụ tích cực trong việc xóa bỏ hủ tục của làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Ở tuổi 65, già làng A In vẫn minh mẫn, rắn rỏi như cây kơ nia đầu làng. Khi nghe hỏi về chuyện xóa bỏ những phong tục không còn phù hợp ở làng, già cười hiền rồi trầm ngâm, nhìn xa xăm, như thể đang quay về những ngày xa xưa lắm.

Sinh ra và lớn lên từ làng, từ khi còn bé, những hủ tục, phong tục của người dân nơi đây đã ăn sâu vào tiềm thức của già, mãi khi lớn lên già mới ngộ ra, đó là một trong những nguyên nhân khiến cái nghèo quanh quẩn mãi với dân làng. Với vai trò là Chủ tịch UBND xã từ năm 1996 – 2004, sau đó là Bí thư Đảng ủy xã Ya Xiêr từ 2004 – 2014 và trở thành già làng, người có uy tín của làng O khi nghỉ hưu, già A In luôn nỗ lực hết mình trong việc vận động bà con xóa bỏ các hủ tục.

Già kể, ngày trước, mỗi khi khai hoang trồng lúa, cho đến khi thu hoạch, cất lúa vào kho, bà con nơi đây phải trải qua 4 lần cúng “thần rừng”. Tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, mỗi lần cúng có thể con heo nhỏ hoặc to, như vậy, mỗi mùa lúa đều phải tốn một khoản chi phí rất lớn. “Tôi thấy như thế rất phung phí, lúc khai hoang chỉ cần cúng 1 lần để tạ ơn thần rừng là sau này có thể tiếp tục canh tác, việc gì mà phải cúng nhiều lần, năm nào cũng cúng. Bà con cứ sợ rằng, nếu không cúng, “thần rừng” sẽ không phù hộ, mùa màng không có thu hoạch. Nỗi sợ ấy chẳng dễ gì dẹp đi được nếu không có người tiên phong làm khác đi. Nghĩ vậy, bản thân tôi tự bỏ các nghi lễ cúng, sau đó, tiếp tục trồng và chăm sóc cây trồng thật tốt, cuối năm mùa màng bội thu. Chẳng phải tốn nhiều heo, lúa vẫn cứ thế đầy kho, vậy là bà con tin ngay” - già A In kể lại.

Cũng trong thời gian giữ chức Chủ tịch UBND xã, già đã đi đầu xóa bỏ hủ tục tổ chức đám cưới dài ngày. Năm 1997, khi chuẩn bị tổ chức đám cưới cho con trai, già đắn đo giữa việc chọn lựa đám cưới truyền thống của người Gia Rai là tổ chức 3-4 ngày hay chỉ là một buổi. Sau nhiều lần trăn trở, già quyết định thay đổi để bà con học theo. Già đi tìm chỗ thuê rạp dựng làm đám cưới, sau đó làm một con bò và thuê người đến nấu.

Trước sự ngỡ ngàng của dân làng, đám cưới của con ông Chủ tịch xã năm ấy chỉ tổ chức trong đúng một buổi trưa, nhanh gọn nhưng vẫn trang trọng, đảm bảo đầy đủ những nghi thức truyền thống. Sau lần đó, nhiều gia đình học theo già A In, tổ chức đám cưới trong một buổi, thuê dịch vụ nấu nướng, vừa tiết kiệm được tiền, vừa có thời gian để gia đình làm nhiều việc khác.

Cũng như bao làng đồng bào dân tộc thiểu số khác, thời điểm này, hủ tục cúng bái khi đau ốm vẫn đang tồn tại ở làng O, không ai chịu đến trạm y tế khi đau ốm. Già bảo, khi đó, đối với dân làng, thầy cúng có quyền năng đặc biệt, khiến cả già lẫn trẻ phải tin và nghe theo. Thầy cúng phán cúng con gì sẽ khỏi bệnh bà con cũng về mua và cúng ngay, bất kể là trâu hay bò.

Để người dân không còn tin thầy cúng, già A In đã không ngừng tuyên truyền, vận động bà con đến trạm y tế khám trước, nếu không khỏi hãy đến thầy cúng. Và sau nhiều lần bản thân già đến trạm y tế khám và lấy thuốc, không cần đến thầy cúng nhưng vẫn khỏi bệnh, dân làng đã có niềm tin vào y tế, việc cúng bái khi đau ốm dần bị lãng quên.

Tạm hài lòng về việc xóa bỏ được một số hủ tục, hiện giờ, già A In vẫn còn trăn trở với hủ tục “nợ miệng”. Già kể, theo phong tục của người Gia Rai, khi gia đình nào có đám tang đều phải mổ trâu, bò, dê cùng dân làng ăn uống 3-4 ngày. Ngoài ra, bà con thân thuộc cũng đưa trâu, heo, dê đến cùng với gia đình để giết thịt, tổ chức lễ tang. Gia chủ phải ghi nhớ số người mang gia súc đến để sau này nhà ai có tang sẽ phải mang đến con vật ngang giá trị để trả nghĩa.

Số lượng gia súc được mang đến đám tang càng nhiều, thì dân làng tổ chức ăn uống càng lâu, gây tốn kém, ngoài ra, các gia đình lại phải tiếp tục trả nợ, ảnh hưởng đến tích lũy, phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ có vậy, dân làng không lao động, sản xuất trong thời gian tổ chức đám tang, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế.

Già A In lấy ví dụ, tháng 3 vừa rồi, nhà ông A Mo ở làng Rắc có đám tang, gia đình, người thân, bạn bè mang đến tổng cộng 13 con bò, hơn 20 con heo, chưa tính gà, vịt. Đám tang được tổ chức 3 ngày với gần 300 người ăn uống, tốn kém ước tính hơn 200 triệu đồng.

Còn hủ tục là còn đấu tranh, suy nghĩ như vậy, già A In bày tỏ: “Là già làng, tôi hoàn toàn nhất trí chủ trương của Đảng và Nhà nước, phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế gia đình, cùng nhau từng bước xóa bỏ các hủ tục không còn phù hợp, gây lãng phí, tốn kém cho gia đình và dân làng”.

Và già A In “hiến kế”, để xóa tục “nợ miệng”, thay vì mang trâu, bò, heo tới đám tang, người dân có thể mang tiền tới viếng tùy theo khả năng kinh tế của gia đình. “Tôi vẫn sẽ luôn đồng hành cùng cán bộ xã tổ chức nói chuyện với người dân trong làng để cùng nhau thống nhất về nhận thức, tạo sự đồng thuận trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm và từng bước xóa bỏ các hủ tục, nhằm giúp bà con trong thôn, làng biết tiết kiệm, tích lũy vốn đầu tư cho sản xuất phát triển kinh tế gia đình, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, xóa đói giảm nghèo” - Người già làng 65 tuổi nói đầy quyết tâm.

Nhận xét về cây đại thụ của làng O, ông Nguyễn Văn Niệm, Chủ tịch UBND xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum cho biết: “Già A In là một trong những già làng nhận thức tốt về việc cần xóa bỏ hủ tục. Nhờ có già, mà nhiều năm qua, hủ tục của bà con ở làng O nói riêng và xã Ya Xiêr nói chung đã và đang dần được đẩy lùi. Việc xóa bỏ hủ tục cần thời gian dài và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp để dần thay đổi được nếp nghĩ, thói quen ăn sâu vào tiềm thức lâu nay của bà con”.

Nguồn: bienphong.com.vn