Thập tử nhất sinh

Như thường lệ, bác sĩ Hồng Khánh Sơn đạp xe đến khu điều trị Covid-19 số 1, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, để giao đồ ăn sáng cho bà Đại. Mặc dù bận rộn với nhiều công việc, chàng bác sĩ 27 tuổi vẫn luôn dành thời gian để chăm lo cho tình nguyện viên đặc biệt này.

Nhớ lại ngày bà Hoàng Thị Đại (68 tuổi) được hàng xóm đưa vào bệnh viện trong tình trạng viêm phổi nguy kịch do SARS-CoV-2, bác sĩ Sơn kể: “Khi đưa vào cấp cứu, bà không còn nhận thức được nữa. Mọi người cứ nghĩ bà sẽ không qua khỏi”. Với sự cứu chữa kịp thời của đội ngũ y bác sĩ, sức khỏe của bà Đại dần hồi phục. Chiến thắng dịch bệnh, bà cụ lủi thủi một mình ở bệnh viện, không người thân chăm sóc.

Thường xuyên ghé qua hỏi thăm tình hình sức khỏe, các bác sĩ được biết chồng bà mất sớm, bà có một người con gái nhưng đã chuyển về Long An sinh sống, cắt đứt liên lạc với mẹ. Nhiều năm nay, bà Đại sống một mình trong phòng trọ ở quận 8. Hàng ngày, bà đi rửa chén thuê để trang trải cuộc sống. Có một lần con của bà Đại đã gọi đến bệnh viện để xin thông tin về ngày giờ tử vong vì nghĩ bà Đại không qua khỏi. Sau đó, người này không gọi lại lần nào nữa, phía bệnh viện cũng không có cách nào để liên lạc lại.

Tình nguyện viên đặc biệt

“Mai xuất viện có ai đến đón bà về không?”, bác sĩ Sơn hỏi khi ghé qua thăm bà Đại. Vẻ mặt buồn rầu, bà trả lời: “Không có ai đâu bác sĩ”.

Hôm sau, các bác sĩ đưa bà Đại trở về phòng trọ. Tuy nhiên, phía nhà trọ đã đốt hết tư trang của bà và giao phòng cho người khác vì nghĩ bà Đại đã qua đời. Người phụ nữ rơi vào hoàn cảnh không nơi trú ngụ.

Bác sĩ Sơn đã liên hệ với chính quyền địa phương để hỗ trợ chỗ ở cho bà. Thế nhưng, trên giấy tờ, bà Đại vẫn còn một người con nên không thể xếp vào danh sách người già neo đơn để nhận hỗ trợ. Sau khi nghe bác sĩ Sơn trình bày về hoàn cảnh éo le của bà cụ, Ban giám đốc bệnh viện đã tạo điều kiện cho bà Đại ở lại bệnh viện, trở thành tình nguyện viên chăm sóc F0.

Bà Đại được hỗ trợ chỗ ở, thức ăn, cấp vật dụng tư trang và nhận tiền hỗ trợ dành cho tình nguyện viên với mức 130.000 đồng/ngày. Tuổi tác đã cao, bà được bệnh viện bố trí công việc quét dọn vệ sinh khu vực điều trị Covid-19, chăm sóc và động viên các F0 lớn tuổi đang điều trị.

Bị con cái chối bỏ, bị khu trọ xa lánh, bà Đại tìm được niềm vui trong công việc mỗi ngày tại bệnh viện. “Điều hạnh phúc nhất với tôi khi trở thành tình nguyện viên không phải là có được chỗ ở hay tiền lương, mà cảm thấy mình vẫn có ích với cộng đồng”, bà Đại chia sẻ.

Dấu hỏi về tương lai

Mang bao tay, khẩu trang, kính chắn giọt bắn, bà Đại đã quen với việc bảo hộ trước khi bắt đầu dọn dẹp vệ sinh. Khu vực điều trị Covid-19 của bệnh viện không quá rộng nên công việc cũng không áp lực. Sau khi quét dọn, bà thu gom rác thải y tế vào một góc.

Bà cụ luôn thấy hào hứng với công việc được giao. Có hôm trời chuyển mưa, nhìn bà cụ vẫn cặm cụi gom túi rác dưới gốc cây, bệnh nhân Thu Hương cất tiếng gọi: “Để đó xíu làm tiếp chị ơi. Vào trong đi, coi chừng bệnh”.

Với những F0 như bà Hương, bà Đại là tình nguyện viên thân thiết và nhiệt tình. Mỗi khi có bệnh nhân nhờ giúp đỡ, bà đều sẵn lòng hỗ trợ, đặc biệt là các F0 không có người thân chăm sóc.

Bận rộn của công việc giúp bà Đại quên đi nỗi cô đơn. Tuy nhiên, thời gian tới, khi số lượng bệnh nhân Covid-19 giảm, khu điều trị sẽ trả lại công năng cho bệnh viện.

Bác sĩ Sơn đang tìm cách liên hệ với một số tổ chức thiện nguyện để giúp đỡ bà Đại có nơi nương náu.

Chiều nay, sau khi nhận giấy xuất viện, bà Hương đến chào tạm biệt bà Đại. “Nhiều lúc nhìn sang thấy cụ nằm một mình, tôi thấy thương lắm. Tôi vào đây còn có con trai đi theo chăm sóc, còn cụ chỉ có một mình”, nữ bệnh nhân nói.

Dịch ở TP.HCM được kiểm soát. Các F0 lần lượt khỏi bệnh và trở về nhà nên khu điều trị ngày một vắng. Bà Đại vẫn lủi thủi trên chiếc giường cuối dãy với vài vật dụng đơn sơ do bệnh viện hỗ trợ. Còn bác sĩ Sơn chưa biết khi khu điều trị Covid-19 giải thể, tình nguyện viên đặc biệt này sẽ làm gì và ở đâu./.

(Theo Zingnews)