Sống thọ nhưng phải sống có chất lượng là yêu cầu của xã hội văn minh. Xác định như vậy nên nhiều người đã nghĩ đến và lên kế hoạch vào các trung tâm dưỡng lão để an hưởng tuổi già ngay từ lúc còn công tác. Bà Trần Diễm Thu, ở phố Trần Phú, quận Ba Đình, Hà Hội là một trong số đó. “Từ khi còn trẻ, vợ chồng tôi đã nghĩ xã hội phát triển thì phải hòa nhập quốc tế. Mình không nên trông vào các con vì chúng có cuộc sống riêng, công việc bận rộn thì không thể nào chăm lo được cho mình. Vì thế, vợ chồng tôi đã sớm lựa chọn và chuẩn bị tài chính để khi về già vào viện dưỡng lão,” bà Thu chia sẻ.

Bà Võ Thị Thanh Xuân, quê ở tỉnh Quảng Ngãi chưa từng nghĩ đến và không có dự định vào viện dưỡng lão khi về già. Tuy nhiên, trong một lần “sống thử” tại một trung tâm dưỡng lão ở huyện Đông Anh, Hà Nội, bà đã chọn nơi đây làm nơi an dưỡng tuổi già. “Tôi vào đây từ năm 2016. Lúc đó, con tôi đi công tác xa. Nó đưa tôi vào đây, tính ở tạm vài tháng. Khi nó về thì hai mẹ con tính tiếp. Thế nhưng, vào đây tôi thấy cuộc sống của mình tốt lên vì không khí trong lành, các cháu nhân viên phục vụ chu đáo. Đặc biệt, ở trong này tôi có nhiều bạn hơn, đời sống tinh thần vui hơn. Vì thế, tôi coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình, tính ở đây lâu dài”, bà Xuân tâm sự.

Vào viện dưỡng lão rõ ràng là một lựa chọn tốt cho chính người cao tuổi và con cái. Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Đình Vạn, ở phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội. Tuy nhiên, khi xem lại khoản lương hưu của mình chỉ ở mức 5 triệu đồng/tháng trong khi chi phí để vào viện dưỡng lão lên đến cả chục triệu đồng/người/tháng, ông Vạn cho rằng viện dưỡng lão là nơi không phải ai muốn cũng có thể vào được. “Tôi nghĩ, không phải riêng tôi mà nhiều người cũng eo hẹp về tài chính, dù có muốn cũng không đủ tiền để vào viện dưỡng lão”, ông Vạn chia sẻ.

Theo ông Đặng Tài Tính, nguyên Chánh Văn phòng Hội Người cao tuổi Việt Nam, hiện ngày càng nhiều người cao tuổi lựa chọn viện dưỡng lão để an hưởng tuổi già. Điều này cho thấy nhận thức của xã hội cũng như của người cao tuổi đã thay đổi rất nhiều. Song, nhìn vào mức lương hưu của đại đa số người cao tuổi hiện nay và chi phí bình quân hàng tháng để vào viện dưỡng lão thì rõ ràng nơi đây vẫn là “chốn xa xỉ” với nhiều người. “Các trung tâm dưỡng lão tư nhân làm dịch vụ tốt nhưng giá cao quá nếu so với khả năng tài chính của đa số người cao tuổi. Giá thấp nhất hiện phải 8 triệu đến10 triệu đồng/người/tháng mà lương hưu thì mấy ai có được mức ấy?!”, ông Tính chia sẻ.

Ông Tính cho rằng các trung tâm, viện dưỡng lão hoạt động theo cơ chế thị trường nên không thể có mức thu thấp hơn. Vì thế, chỉ những ai có điều kiện về kinh tế mới có thể chọn nơi đây để an dưỡng lúc tuổi già. Dẫu vậy, nhìn dưới góc độ nào đi chăng nữa thì các trung tâm này vẫn có những đóng góp nhất định vào công tác chăm sóc người cao tuổi. Trước áp lực già hóa dân số, Nhà nước cần tạo cơ chế, có chính sách hỗ trợ để ngày càng có thêm các trung tâm, viện dưỡng lão được thành lập, đồng thời kéo giảm mức thu cho phù hợp với khả năng tài chính nhiều người cao tuổi. “Các trung tâm dưỡng lão họ không thể thu thấp hơn, vì sao? Vì hiện tại họ phải chịu rất nhiều chi phí, hầu như không được ưu tiên gì. Để nhiều người có thể vào được nơi đây, Nhà nước phải dành quỹ đất và có ưu đãi về các loại thuế, phí cho những người đầu tư, xây dựng mô hình dưỡng lão, chứ không phải cào bằng như các cơ sở kinh doanh khác được”, ông Tính kiến nghị.

Thực tế cho thấy, cuộc sống hối hả với bộn bề lo loan, con cái ít có thời gian dành cho cha mẹ. Trong khi đó, người cao tuổi lại có nhu cầu cao về chăm sóc sức khỏe, giải trí và bầu bạn với những người cùng thế hệ. Vì thế, viện dưỡng lão là một trong những giải pháp hiệu quả để chăm sóc người cao tuổi. Để các cơ sở này ngày càng phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đông đảo người cao tuổi, Nhà nước cần nghiên cứu và có những cơ chế, chính sách đặc thù.