Hoạt động vay và cho vay tài sản bằng tiền mặt thường xuyên diễn ra trong đời sống thường ngày và dưới nhiều hình thức, nhiều mức lãi suất do các bên tự thỏa thuận với nhau. Có nhiều trường hợp cho vay vượt quá lãi suất mà pháp luật quy định dẫn đến hành vi cho vay lãi nặng.

Để quản lý hiệu quả hoạt động cho vay cũng như đảm bảo tính minh bạch, hợp lý về lãi suất và khả năng trả của bên vay, trong Bộ luật dân sự đã quy định rất rõ ràng về mức lãi suất đối với bên cho vay không phải là tổ chức tín dụng. Vượt quá mức lãi suất này, tùy theo mức độ mà có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định giữa bên cho vay và bên vay có thể tự thoả thuận về mức lãi suất, nhưng thoả thuận đó không được vượt quá 20%/ năm của khoản vay. Trừ trường hợp quy định khác của pháp luật chuyên ngành.

Nếu các bên trong quan hệ cho vay thoả thuận mức lãi suất vượt quá quy định thì mức vượt quá đó không có hiệu lực.

Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự bị xử phạt như sau:

Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Tùy từng trường hợp cụ thể, hành vi cho vay nặng lãi sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nhiều đối tượng cho vay nặng lãi, đến thời hạn trả nợ, người vay không trả được nợ, đã sử dụng những hình thức cưỡng chế chẳng hạn như đe dọa, rồi còn ném chất bẩn vào nhà người vay, hay là đến nhà xiết nợ, lấy đồ đạc.

Giao dịch vay nợ là một quan hệ dân sự, nếu bên vay không trả nợ thì bên cho vay có quyền khởi kiện đến Toà án để yêu cầu giải quyết. Trường hợp bên cho vay sử dụng những biện pháp đòi nợ trái luật như ném chất bẩn vào nhà để đe doạ, bắt đồ đạc để xiết nợ thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013 với mực phạt từ 500 – 1 triệu đồng. Ngoài ra nếu gây thiệt hại cho bị hại thì người gây ra thiệt hại còn phải bồi thường thiệt hại với thực tế thiệt hại xảy ra.

Thậm chí những hành vi trái pháp luật như ném chất bẩn vào nhà, bắt đồ đạc nhằm mục đích xiết nợ có thể dẫn đến bị xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự, hoặc tội cướp tài sản theo quy định tai Điều 168 Bộ luật hình sự. Mức phạt có thể lên đến 20 năm tù, Tù chung thân.