Thực tiễn thực hiện chính sách BHYT thời gian qua cho thấy, nhờ không phải chi trả các khoản chi phí “khổng lồ” của việc khám chữa bệnh cho bản thân hoặc người thân mà nhiều gia đình đã không rơi vào tình trạng tái nghèo. Tuy nhiên, đối với những lao động tự do, việc được tiếp cận thụ hưởng chính sách này vẫn cần được quan tâm hơn nữa để BHYT thực sự trở thành “bà đỡ” cho họ.

Chị Đặng Thị Hiên quê ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định làm lao động tự do (chị Hiên làm nghề “đồng nát”) tại Hà Nội nhiều năm nay. Cứ 5h sáng chị lại lục đục dậy nấu cơm ăn sáng để kịp đạp xe đi khắp các hang cùng ngõ hẻm Hà Nội, thu mua giấy vụn, sắt vụn. Công việc vất vả, thu nhập mỗi ngày được trên dưới 200 ngàn đồng, trừ tiền ăn uống, thuê nhà... còn lại chẳng được bao nhiêu. Ở quê chị Hiên còn bố mẹ chồng già ốm, các con còn nhỏ và người chồng bị bệnh hiểm nghèo. Vậy là chị không còn nghĩ gì đến mình, ốm đau lặt vặt cũng để tự khỏi, không dám đi khám vì sợ tốn tiền. Và cũng bởi vậy nên chị Hiên chưa có điều kiện để tham gia BHYT tự nguyện.

“Thực tình tôi cũng muốn mua lắm nhưng gia cảnh khó khăn quá, thu nhập còn không đủ lo cái ăn cái mặc hàng ngày nói gì đến mua bảo hiểm, dù vẫn biết có bảo hiểm y tế (BHYT) thì khi có ốm đau đi viện đỡ bao nhiêu. Cũng đành phải chấp nhận vậy thôi, chỉ mong luôn khỏe mạnh để không phải đi viện” - chị Hiên ngậm ngùi.

Nỗi niềm của chị Hiên cũng là tình trạng chung của rất nhiều lao động tự do hiện nay. Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, cơm áo, gạo tiền lại càng đè nặng lên đôi vai của họ. Bản thân và gia đình những lao động tự do không biết trông chờ vào “chiếc phao cứu sinh” nào để sống khi mà dịch bệnh kéo dài, công việc thì không ổn định, không hợp đồng lao động, không được tiếp cận BHXH, BHYT… Thu nhập bấp bênh đã khiến nhiều người trong số họ không có cơ hội thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật nước ta từng bước được hoàn thiện để bảo đảm quyền an sinh xã hội cho mọi người dân. Với Luật BHYT sửa đổi năm 2013, BHYT bắt buộc đối với toàn bộ dân cư, đem lại cơ hội tiếp cận BHYT với nhiều gia đình. Nhiều chính sách mới cũng được ban hành như BHYT theo hộ gia đình hay các chính sách thông tuyến. Mới đây nhất là chính sách thông tuyến tỉnh, cụ thể là từ ngày 1/1/2021, người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh trái tuyến tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh sẽ được chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như trường hợp khám chữa bệnh đúng tuyến.

Tuy nhiên, đó mới chỉ áp dụng đối với những người điều trị nội trú. Là một trong những lao động nhập cư, chị Phạm Thị Nga ở Nam Đàn, Nghệ An kiến nghị: “Tôi mong những người lao động tự do như tôi được tạo điều kiện thuận lợi hơn khi đi khám chữa bệnh bằng BHYT. Ví dụ được thanh toán cả khi đi khám ngoại trú, vì hiện nay chỉ những bệnh nặng chúng tôi mới vào viện, còn những bệnh chưa đến mức phải nằm viện như tăng huyết áp hay đau nhức xương khớp chúng tôi không dám đi khám vì không được BHYT chi trả”.

Tại hội thảo quốc tế chia sẻ về lao động phi chính thức (còn gọi là lao động tự do) ở Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và Phát triển cộng đồng cho biết: lao động khu vực phi chính thức tại Việt Nam vào khoảng 18 triệu người, chiếm 57,2% tổng số lao động cả nước (không bao gồm lao động trong khu vực hộ nông nghiệp), trong đó có tới 97,9% số lao động không có BHXH. Phần lớn trong số họ không được ký kết hợp đồng lao động nên không được tiếp cận BHXH, BHYT mà chỉ có thể tham gia BHXH tự nguyện, song tỷ lệ rất ít trên thực tế.

Từ những con số cụ thể trên cho thấy, mặc dù đã nhìn nhận rõ thực tế những rủi ro đối với nhóm lao động tự do, đã ban hành hệ thống chính sách, pháp luật khá đồng bộ, song đối tượng lao động tự do chưa tham gia BHXH, BHYT vẫn còn nhiều.

Bảo hiểm y tế là một chính sách nhân văn, mang tính chất cộng đồng chia sẻ. Nhưng để nó thực sự là “bà đỡ” cho những người lao động tự do, lao động nhập cư vẫn còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết.