Hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (hay bắt cóc tống tiền) là một tội danh được quy định tại Điều 169 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tùy theo mức độ và tính chất của hành vi, người phạm tội có thể đối mặt với mức án từ 02 năm cho đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Pháp luật đã có những chế tài rất nghiêm khắc đối với đối tượng có hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Nhưng trong thực tế, đã có những người giả vờ bị bắt cóc để thử phản ứng, thử lòng của vợ, chồng, người thân, thậm chí có người còn giả vờ bị bắt cóc để lừa tiền của người nhà.
Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội cho rằng việc giả vờ bị bắt cóc để thử lòng người thân hay lừa tiền là một hành vi sai trái và cần phải bị lên án. Tùy thuộc vào mục đích, hành vi và hậu quả gây ra, người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong thực tế, hành vi giả vờ bị bắt cóc để thử lòng người thân hoặc để lừa tiền thường không cấu thành Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản mà có thể thuộc về các tội danh khác. Tuy nhiên, để đánh giá xem hành vi này có đủ yếu tố để cấu thành tội phạm không thì cần phải phân tích kỹ lưỡng từng tùy thuộc vào từng trường hợp.
- Giả vờ bị bắt cóc để thử phản ứng của người thân: Nếu một người tự dàn dựng cảnh bị bắt cóc nhằm thử lòng hoặc kiểm tra phản ứng của vợ, chồng hoặc người thân mà không có ý định chiếm đoạt tài sản, hành vi này thường không bị xem là tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
- Giả vờ bị bắt cóc để lừa tiền: Trường hợp người giả vờ bị bắt cóc để yêu cầu người thân chuyển tiền, với mục đích để chiếm đoạt tài sản, hành vi này có thể cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Tội cưỡng đoạt tài sản.
Điều 169. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
d) Đối với người dưới 16 tuổi;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
g) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
h) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 18 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết người;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Mời quý vị và các bạn cùng nghe cuộc trao đổi của luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội với phóng viên VOV2: