Ngày 09/11/1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (kỳ họp thứ 2, Khóa I) đã thông qua bản Hiến pháp năm 1946, đánh dấu một bước nhảy vọt trong đời sống chính trị của dân tộc Việt Nam và lịch sử lập pháp Việt Nam. Đây là bản Hiến pháp dân chủ và tiến bộ nhất ở Đông Nam Á tại thời điểm đó. Lần đầu tiên, một thiết chế Nhà nước dân chủ được tổ chức trên một nền tảng chính trị, pháp lý, nguyện vọng và mục tiêu của toàn dân đã được ghi nhận trong đạo luật cơ bản nhất của một nhà nước. Trao đổi với phóng viên VOV2, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định: “Hiến pháp năm 1946 đã xác lập lên một chế độ xã hội mới gọi là chế độ dân chủ, cộng hòa, nghĩa là người dân có quyền quyết định. Tư tưởng lập hiến là tư tưởng tiến bộ nhất được đưa ra trong Hiến pháp năm 1946, như một bản khế ước xã hội thể hiện ở chỗ, những vấn đề quan trọng sửa đổi trong Hiến pháp phải do toàn dân phúc quyết.”

Sau Hiến pháp 1946, nước ta đã có Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 rồi Hiến pháp 2013. Mỗi bản Hiến pháp được ban hành, về thực chất không phải là Hiến pháp hoàn toàn mới mà chỉ là sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Mỗi bản Hiến pháp đều có sứ mệnh lịch sử, nhiệm vụ riêng qua mỗi thời kỳ, tuy nhiên chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy sự nhất quán bền vững về giá trị lịch sử, chính trị, pháp lý và giá trị nhân văn cao cả.