Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 28/5 các đại biểu xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trước khi thông qua. Bên hành lang nghị trường, nhiều đại biểu đánh giá Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều chính sách đặc thù, vượt trội và đẩy mạnh trong phân cấp, phân quyền. Từ đó, kỳ vọng Luật sẽ tạo điều kiện, cơ chế phát triển xứng tầm với vị trí, vai trò của Thủ đô Hà Nội.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, hiện còn nhiều bất cập trong phát triển đô thị tại Hà Nội nên đã để lại hậu quả rất đáng tiếc và khôn lường, đơn cử như vụ cháy khu nhà trọ làm 14 người tử vong mới đây. Chính vì vậy việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này thể hiện mong muốn tạo ra khuôn khổ pháp lý mang tính chất vượt trội, đặc thù để phát triển Thủ đô thực sự là đại diện cho cả quốc gia.

Khi Luật có hiệu lực, TP Hà Nội sẽ tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung của đô thị, từ đó xác định rõ khu vực nào đúng nghĩa là khu bảo tồn, có giá trị lịch sử văn hóa, để bảo vệ, bảo tồn. Còn lại, những khu vực nào sẽ đưa ra cải tạo theo mô hình đô thị văn minh, hiện đại.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, không thể để thủ đô phát triển một cách tự phát, người dân tự xây dựng theo một ý chí chủ quan mà không theo các tiêu chuẩn quy hoạch đô thị lớn: Ví dụ phải cải tạo, chỉnh trang đô thị trở thành những khu đô thị văn minh hiện đại, hay như trục sông Hồng phải là trục trung tâm về văn hóa, dịch vụ, du lịch. Muốn vậy cần đầu tư dứt điểm cho hạ tầng giao thông công cộng nhằm góp phần tạo ra một sự thay đổi căn bản để thủ đô đạt được mục tiêu văn hiến, văn minh, hiện đại, ngang tầm với thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới.

Một “điểm sáng" trong dự thảo Luật Thủ đổ (sửa đổi) chính là quy định cho phép Hà Nội có quyền phủ định những nội dung không phù hợp trên tất cả các lĩnh vực, từ văn hoá, giáo dục đến môi trường, quản lý tài nguyên đất. Quy định này tạo ra những thay đổi căn bản và mang tính đột phá, với tinh thần trao quyền "quyết định" nhiều hơn cho Thủ đô trong việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quyết định khác biệt so với quy định chung của cả nước. Đại biểu Nguyễn Kim Yến, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh cho rằng điều này là cần thiết để Thủ đô phát triển đột phá trong thời gian tới, vì Thủ đô có một cái đặc trưng mà không một tỉnh thành nào có được. Cho nên phải có cái riêng cho Hà Nội thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của một đơn vị hành chính mang tên là Thủ đô.

Đồng quan điểm, đại biểu Trương Xuân Cừ - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội khẳng định, Thủ đô là trung tâm văn hóa chính trị của cả đất nước, tất cả những gì tốt nhất phải dành cho Thủ đô vì đây là bộ mặt của quốc gia: “Thủ đô của chúng ta có hơn 1000 năm lịch sử, có rất nhiều tiềm năng lợi thế do vậy cần có những chính sách đặc thù đặc biệt tạo bước đột phá để thủ đô là đầu tàu thúc đẩy cả nước phát triển.”

Trong dự thảo Luật cũng quy định cụ thể chính sách ưu đãi riêng cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, thể hiện vai trò hạt nhân của Khu công nghệ cao đối với việc phát triển đồng bộ các khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố; đồng thời cũng là bước tiếp nối các chính sách ưu đãi sau khi Bộ Khoa học & Công nghệ chuyển giao Khu Công nghệ này cho UBND TP Hà Nội quản lý. Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, đây là điều cần thiết, thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ mạnh mẽ cho Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Với phạm vi điều chỉnh khá toàn diện, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo đảm thực thi pháp luật đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả với các cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội để Thủ đô Hà Nội có bước phát triên mang tính đột phá.