Xử lý nghiêm minh doanh nghiệp vi phạm pháp luật về môi trường

Mới đây, tỉnh Đồng Nai tổ chức tổng kiểm tra gần 9.850 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm đang hoạt động trên địa bàn. Qua đó, ngành chức năng phát hiện hơn 300 cơ sở chăn nuôi ở 10 huyện, thành phố chưa được cấp thủ tục môi trường. Dù chưa đủ giấy tờ về môi trường nhưng các cơ sở chăn nuôi này đã ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp FDI trên địa bàn.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai yêu cầu các công ty FDI trên tạm ngưng với các cơ sở gia công chưa được cấp giấy phép môi trường, xác nhận đăng ký môi trường của cơ quan có thẩm quyền. Việc thả đàn chăn nuôi chỉ được tiếp tục sau khi các chủ cơ sở, hộ gia đình bổ sung thực hiện thủ tục môi trường.

Ông Nguyễn Trí Công – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai khẳng định, nguyện vọng của người chăn nuôi là được sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế nhưng cần hài hòa lợi ích các bên.

UBND tỉnh Đồng Nai gần đây đã có quyết định di dời hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, chiếm hơn 50% sản lượng ngành chăn nuôi của tỉnh. Ông Võ Văn Phi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, quan điểm của tỉnh là không cấm chăn nuôi nhưng phải tuân thủ đầy đủ yêu cầu đặt ra về môi trường.

"Tất cả việc triển khai thực hiện sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế đều phải gắn với việc bảo vệ môi trường. Đồng Nai đang xây dựng nông thôn mới nâng cao, vấn đề môi trường là yếu tố rất quan trọng, đặc biệt là ở nông thôn", ông Võ Văn Phi khẳng định.

Đối với vấn đề vi phạm pháp luật môi trường của các doanh nghiệp, ông Quản Minh Cường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đề nghị Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chủ động nâng cao vai trò quản lý.

"Thực hiện tốt luật đầu tư nước ngoài, thực hiện tốt việc kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhưng cũng không để họ tiêu cực, biến chúng ta thành bãi rác thải hoặc nơi tận dụng lao động giá thấp hoặc nơi coi nhẹ về xử lý môi trường", ông Quản Minh Cường nói.

Tuân thủ pháp luật là điều kiện tối thiểu để doanh nghiệp bước ra thế giới

Trên thực tế triển khai, các quy định pháp luật về môi trường ngày càng nhiều, được quy định nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật như Luật bảo vệ môi trường năm 2014, Luật tài nguyên nước năm 2012, Luật Thanh kiểm tra, Luật thuế bảo vệ môi trường và rất nhiều các Nghị định, Thông tư khác khiến doanh nghiệp lúng túng trong áp dụng thực hiện.

Trong khi đó, các doanh nghiệp chưa có bộ phận chuyên trách về môi trường; Chưa có chính sách cụ thể dành riêng cho việc hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện công tác bảo vệ môi trường.

Để doanh nghiệp thực thi pháp luật về môi trường hiệu quả, bên cạnh hoàn thiện bộ máy quản lý môi trường tại doanh nghiệp; cải tiến công nghệ thì cần nâng cao nhận thức pháp luật về môi trường trong cộng đồng doanh nghiệp.

Tăng cường các chương trình đào tạo chuyên sâu về quản lý môi trường, tiếp cận và cập nhật các kiến thức về pháp luật để từ đó xây dựng các kế hoạch quản lý môi trường phù hợp.

Liên tục cập nhật các quy định pháp luật môi trường trong nước để nắm bắt được những quy định về thuế, phí môi trường; quy định về xử phạt vi phạm hành chính.

Tuân thủ pháp luật là điều kiện tối thiểu để doanh nghiệp phát triển và bước ra thế giới. Trong các Hiệp định thương mại tự do đặt ra những yêu cầu cao hơn về một số lĩnh vực, trong đó có môi trường. Đó là khẳng định của TS. Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành.

"Ví dụ trong lĩnh vực môi trường nếu chúng ta chỉ tuân thủ pháp luật Việt Nam thì sản phẩm chúng ta ra thị trường thế giới không tiếp cận được thị trường thế giới vì thế giới yêu cầu mức cao hơn. Đó là vấn đề doanh nghiệp cần tính toán, cân nhắc đặc biệt trong bối cảnh thực hành kinh doanh có trách nhiệm ngày càng được đề cao. Các hiệp định thương mại tự do, hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, hoặc hiệp định Việt Nam – EU... đặt ra những yêu cầu cao hơn và hệ thống pháp luật ngày càng tiệm cận cao hơn đối với các tiêu chuẩn đó", TS. Nguyễn Thanh Tú chia sẻ.

Nghe Audio tại đây: